Kinh tế

Ngưng cho vay ngoại tệ: Doanh nghiệp không bị ảnh hưởng nhiều

Kể từ ngày 31-3, Thông tư 24 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã "cấm cửa" hình thức cho vay ngoại tệ rồi chuyển thành đồng Việt Nam (VNĐ) để mua máy móc, nguyên vật liệu sản xuất. Thông tư này có hiệu lực. Riêng doanh nghiệp (DN) có nhu cầu thanh toán bằng ngoại tệ vẫn được vay.

Kể từ ngày 31-3, Thông tư 24 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã “cấm cửa” hình thức cho vay ngoại tệ rồi chuyển thành đồng Việt Nam (VNĐ) để mua máy móc, nguyên vật liệu sản xuất. Thông tư này có hiệu lực. Riêng doanh nghiệp (DN) có nhu cầu thanh toán bằng ngoại tệ vẫn được vay.

Vietcombank chi nhánh ĐồngNai là nơi có nguồn ngoại tệ cho vay lớn nhất trong hệ thống ngân hàng tại Đồng Nai.
Vietcombank chi nhánh Đồng Nai là nơi có nguồn ngoại tệ cho vay lớn nhất trong hệ thống ngân hàng tại Đồng Nai.

Trước đây, DN vẫn được vay ngoại tệ (lãi suất thấp hơn vay VNĐ từ 2-5%/năm tùy thời điểm), mua nguyên liệu máy móc để sản xuất rồi xuất khẩu hàng, lấy ngoại tệ về trả nợ. Chính sách này khiến DN hưởng lợi nhiều hơn do có nguồn vốn rẻ. Với một tỉnh có nhiều DN hoạt động trong ngành xuất nhập khẩu như Đồng Nai, việc ngưng vay ngoại tệ để chuyển sang VNĐ đã tác động đến thị trường khá rõ. Tuy nhiên, mức độ tác động không quá nhiều như dự đoán.

* không gây thiệt hại nhiều

Từ sau ngày 31-3, đến nay các ngân hàng tại Đồng Nai đều đã ngưng cho vay ngoại tệ theo đúng quy định. Theo đó, một số DN xuất nhập khẩu có vay ngoại tệ cũng gặp một số khó khăn nhất định.

Bà Nguyễn Thị Hằng, Phó giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần công thương Việt Nam (Vietinbank) chi nhánh Đồng Nai, cho biết: “Mặc dù DN có vay ngoại tệ đã chuẩn bị trước,  nhưng cũng gặp khó khăn vì khi chuyển qua vay VNĐ, lãi suất cao hơn hẳn nên chi phí sẽ bị đội thêm. Tuy nhiên, đây là chính sách quy định của Nhà nước buộc các ngân hàng phải thực hiện, phía các ngân hàng ít bị ảnh hưởng vì có những dịch vụ khác bù lại”.

Ông Huỳnh Lê Tuấn Kiệt, Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu chi nhánh Đồng Nai, nhận định: “Khi ngưng cho vay ngoại tệ, DN có bị ảnh hưởng nhưng không nhiều do kinh tế đang trên đà tăng trưởng tốt, thêm nữa quy định này giúp cho thị trường ngoại tệ ổn định, không bị lệ thuộc như trước. Một số DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có xu hướng để công ty mẹ ở nước ngoài vay ngoại tệ đưa về Việt Nam chuyển hóa sang tiền Việt cũng sẽ giúp thị trường ngoại tệ dồi dào hơn”.

Ông Nguyễn Hùng Mạnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, cho hay: “Việc ngưng cho vay ngoại tệ đã được thông báo đến các ngân hàng và DN từ cuối năm 2015 để có sự chuẩn bị trước. Do đó, từ tháng 4-2016, điều này không gây bất ngờ và không gây thiệt hại lớn cho DN”. Ông Mạnh cho biết thêm, những DN bị ảnh hưởng hầu hết có tham gia xuất nhập khẩu và trong khoảng thời gian đợi đối tác thanh toán các đơn hàng đã vay ngoại tệ từ các ngân hàng đang giao dịch, sau đó chuyển qua VNĐ để chi dùng vì lãi suất ngoại tệ rẻ hơn. Song hiện nay, lãi suất vay VNĐ cũng giảm đáng kể, nguồn vốn khá dồi dào nên các DN đã bớt áp lực. Riêng các DN nhập khẩu hàng hóa trực tiếp có nhu cầu vay ngoại tệ hiện vẫn được vay bình thường.

* Hết lãi suất thấp

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai, cho biết: “Một số DN hoạt động trong ngành xuất nhập khẩu thường vay ngoại tệ tại các ngân hàng vì lãi suất thấp. Khi có nguồn ngoại tệ từ nước ngoài thanh toán các đơn hàng gửi về, DN sẽ dùng các khoản đó trả nợ. Như vậy đồng vốn sẽ được xoay vòng liên tục không bị đọng lại và quá trình thanh toán nợ cũng thuận lợi hơn”. Thêm vào đó, chênh lệch lãi suất 2-5%/năm tùy thời điểm giữa vay ngoại tệ và VNĐ cũng giúp DN có thêm nhiều lợi thế, giảm chi phí, từ đó giảm giá hàng hóa để cạnh tranh. Do đó khi ngưng vay ngoại tệ, trước mắt DN sẽ bị tăng chi phí.

Tính đến hết tháng 3-2016, dư nợ cho vay ngoại tệ tại Đồng Nai để xuất nhập khẩu quy ra VNĐ gần 15,7 ngàn tỷ đồng. Trong đó, vay ngoại tệ xuất khẩu gần 5,9 ngàn tỷ đồng, nhập khẩu gần 9,8 ngàn tỷ đồng.

Thực tế, Thông tư 24 quy định rõ các ngân hàng thương mại chỉ chấm dứt cho các DN vay ngoại tệ để chuyển thành VNĐ mua nguyên vật liệu phục vụ sản xuất trong nước kể từ 31-3. Đối với DN có nhu cầu thanh toán bằng ngoại tệ, ngân hàng vẫn được cho vay bằng ngoại tệ như bình thường.

Ông Bùi Quang Hội, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Bùi Chấn Hưng (TP. Biên Hòa), chuyên sản xuất chậu gỗ xuất khẩu vào Nhật Bản và Hoa Kỳ, nói: “Khi DN xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài, thường sau một thời gian mới nhận được thanh toán bằng ngoại tệ qua ngân hàng. Vì thế, những DN cần vốn vẫn muốn vay ngoại tệ tại ngân hàng để có vốn rẻ đầu tư mở rộng sản xuất. Khi nguồn ngoại tệ thanh toán về, DN sẽ trả nợ, như vậy thuận tiện hơn vay VNĐ”.

Thực tế, chính sách này không quá “sốc” với DN. Số đông DN cũng đã có sự chuẩn bị trước nên ít bị ảnh hưởng. Ông Phạm Đức Bình, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Bình, chia sẻ: “Do có sự chuẩn bị trước nên việc ngưng cho vay ngoại tệ ít ảnh hưởng đến DN. Hiện nay, lãi suất Việt Nam đồng không cao nên DN không gặp khó khăn gì lớn. Xét về lâu dài thì chính sách trên sẽ giúp cho thị trường ngoại tệ ổn định và ít biến động hơn, nhờ đó DN xuất nhập khẩu cũng không lo khi thị trường ngoại tệ biến động hoặc khan hiếm”.

Kim Ngân - Hương Giang

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,994,988       12/1,338