Ông Nguyễn Văn Đức ngụ tại ấp Xóm Hố, xã Phú Hội (huyện Nhơn Trạch) là nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh. Với 10 hécta đất trồng cây tầm vông, rừng tràm và hàng chục con bò sinh sản, ông đã bắt mảnh đất cằn vốn chỉ trồng được cây khoai mì "đẻ" ra vàng.
Ông Nguyễn Văn Đức ngụ tại ấp Xóm Hố, xã Phú Hội (huyện Nhơn Trạch) là nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh. Với 10 hécta đất trồng cây tầm vông, rừng tràm và hàng chục con bò sinh sản, ông đã bắt mảnh đất cằn vốn chỉ trồng được cây khoai mì “đẻ” ra vàng.
Ông Nguyễn Văn Đức giới thiệu rừng tầm vông cho thu nhập cao. |
Với vai trò là Bí thư Chi bộ ấp Xóm Hố, ông Đức không chỉ là mạnh thường quân góp công, góp của mà còn vận động doanh nghiệp, nông dân đóng góp hàng trăm triệu đồng xây dựng đường giao thông nông thôn.
* Không ngừng tìm tòi
Ông Đức kể: “Khu đất của gia đình tôi nằm cách xa khu dân cư, vốn là đất cằn cỗi nên trước đây chủ yếu chỉ trồng được cây khoai mì cho thu nhập không cao. Sau đó, tôi chuyển qua trồng rừng tràm để giảm chi phí đầu tư và công lao động, lại cho thu nhập tốt hơn. Nhiều năm trước, tôi trồng thử nghiệm thêm cây tầm vông, thấy phù hợp nên không ngừng nhân rộng diện tích cây trồng này”. Ông Đức so sánh, so với tràm, cây tầm vông có nhiều lợi thế hơn hẳn. Thường cây tràm trồng xuống phải vài ba năm mới thu hoạch, cây tầm vông cho thu hoạch hàng năm. Sau mỗi vụ thu hoạch, phần gốc lại mọc măng và phát triển thành cây, bụi cây ngày càng lan rộng nên càng lâu năm, sản lượng thu hoạch của cây trồng này càng tăng. Vì là cây rừng nên tầm vông phát triển rất khỏe, ít sâu bệnh nên chi phí đầu tư không cao. Khi đến thời điểm thu hoạch, thương lái vào tận vườn thu mua, giá bán tốt, đầu ra ổn định vì cây trồng này được sử dụng ngày càng phổ biến trong xây dựng, trong sản xuất nông nghiệp, như: làm đê chắn vuông tôm, xây trại nuôi gia cẩm, làm giàn trồng rau, trồng hoa…
Chăm chỉ lao động là bí quyết thành công của gia đình “rặt” chất nông dân này. Diện tích đất vườn nhà chỉ vài ngàn m2, ông tận dụng mọi khoảnh đất trống xung quanh nhà trồng kín cây ăn trái, cây cảnh, cây phát lộc (tại địa phương gọi là cây lá xanh, cây lá trắng) cho thu nhập cao. Ông Đức còn thường xuyên thuê hàng hécta đất bỏ hoang tại địa phương để trồng cây khoai mì, bắt đất hoang sinh lợi phục vụ con người.
* Làm vườn - ao - chuồng
Ông Đức chia sẻ, vùng Nhơn Trạch này có nhiều khu quy hoạch treo để đất trống rất lãng phí. Ngay sát đất trang trại của ông là những dự án quy hoạch hàng trăm hécta rồi để đất trống nhiều năm nay. Chính vì vậy, ông đã đầu tư trại nuôi bò đẻ ngay trong đất rừng tràm. Đàn bò được nuôi theo lối chăn thả trên những đồng cỏ rộng mênh mông sát ngay trang trại của gia đình ông nên rất thuận tiện, chỉ mất một nhân công thả bò và hầu như không tốn thêm chi phí thức ăn. Tuy là giống bò ta lai nhưng nhờ chọn lọc kỹ con giống bố mẹ, nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào nên đàn bò phát triển tốt, sinh sản đều mang lại nguồn thu không nhỏ cho trang trại.
Để mảnh đất cằn không ngừng sinh lợi, ông Đức đang xây dựng mô hình trang trại vườn - ao - chuồng khép kín với 5 ngàn m2 ao cá, trại nuôi bò, trồng rừng. Ông tận dụng nguồn chất thải chăn nuôi bón cho cây trồng để cây phát triển tốt, vừa giảm chi phí đầu tư vừa góp phần cải tạo đất. Theo ông Đức: “Tôi vẫn chưa khai thác hết sức đất. Vì cùng diện tích đất trồng rừng chuyển qua trồng cây rau sinh lợi hơn nhiều. Gần đây, tôi có thử nghiệm làm vườn rau, nếu hiệu quả tôi sẽ nhân rộng diện tích cây trồng này”.
Lê Quyên