Để doanh nghiệp (DN) trên toàn tỉnh sản xuất - kinh doanh thuận lợi, Đồng Nai đã quy định rõ: muốn thanh tra, kiểm tra DN phải được UBND tỉnh phê duyệt. Mục đích là để tránh kiểm tra chồng chéo, trùng lắp gây phiền hà cho DN và tạo môi trường tốt để thu hút đầu tư.
Theo phản ánh của các DN tại Đồng Nai, tình trạng thanh, kiểm tra của các sở, ngành, trung ương, địa phương gần đây đã giảm nhưng vẫn còn khá dày, đặc biệt ở một số ngành nghề đặc thù. Nhiều DN mong muốn tiếp tục giảm bớt các đoàn kiểm tra, hoặc nếu cần nên tổng hợp thành một đoàn để đỡ mất thời gian của các bên.
Sản xuất tại Công ty TNHH Center Power Tech Việt Nam (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2, huyện Nhơn Trạch). |
Nên gom thành một đoàn
Bên cạnh các kiến nghị đơn giản thủ tục hành chính, các DN nước ngoài lẫn trong nước đều có chung một mong muốn là Chính phủ, tỉnh và địa phương giảm bớt các đợt thanh, kiểm tra và gộp lại cùng đợt. Như vậy, DN sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian, tập trung cho sản xuất - kinh doanh và hạn chế được nạn nhũng nhiễu, làm phiền DN. Đặc biệt, khối DN vừa và nhỏ nếu bị kiểm tra liên tục thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Lê Trí Minh, Giám đốc Công ty TNHH Đại Á Thành (TP.Biên Hòa) nói: “Trong gần 7 tháng đầu năm 2016, DN bị kiểm tra khoảng 3 lần, giảm nhiều so với những năm trước. Nếu tỉnh có quy định thành lập đoàn liên ngành chỉ kiểm tra 1-2 lần/năm, DN sẽ bớt được gánh nặng, tập trung cho sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường”.
Hầu hết các DN tại Đồng Nai được hỏi đều bày tỏ, đối với những DN đã làm tốt các quy định của pháp luật, nếu cần kiểm tra định kỳ thì nên thành lập đoàn liên ngành kiểm tra 1-2 lần/năm. Còn những DN có tên trong “sổ đen” về ô nhiễm môi trường, đối xử với lao động không tốt hoặc nghi vấn khác thì có thể kiểm tra đột xuất.
“Việt Nam đang tham gia vào hội nhập sâu, DN phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong cạnh tranh để giữ thị phần trong nước và xuất khẩu. Giảm thanh tra, kiểm tra, DN sẽ bớt được thời gian, tập trung đầu tư sản xuất sẽ tăng sức cạnh tranh. Đồng Nai làm tốt việc hạn chế kiểm tra, không chỉ tạo thuận lợi cho DN trên địa bàn mà còn tăng thu hút đầu tư vào tỉnh. Từ đầu năm 2016 đến nay, công ty chỉ phải tiếp 1 đoàn kiểm tra, nhờ vậy ít tốn thời gian chuẩn bị các hồ sơ giấy tờ” - ông Trần Văn Hòa, Trưởng phòng Nhân sự Công ty cổ phần gạch men V.T.C ở Khu công nghiệp Gò Dầu (huyện Long Thành), chia sẻ.
Kiểm tra: phải được tỉnh đồng ý
Mới đây, UBND tỉnh đã có văn bản 3205 gửi các sở, ngành, trong đó nêu rõ: công tác kiểm tra DN trên địa bàn tỉnh giao cho Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh làm đầu mối tổng hợp kế hoạch kiểm tra của các sở, ngành tại các khu công nghiệp. Sở Kế hoạch - đầu tư chủ trì tổng hợp kế hoạch kiểm tra các DN ngoài khu công nghiệp và trình UBND tỉnh phê duyệt, tránh chồng chéo, trùng lắp gây phiền hà cho DN. Trong đó, hạn chế đưa vào doanh sách kiểm tra những DN đang hoạt động ổn định, chưa để xảy ra vi phạm.
Tuy nhiên, văn bản cũng nêu rõ với các trường hợp nghi ngờ hoặc có dấu hiệu vi phạm, các sở, ngành được phép kiểm tra đột xuất, sau đó phải báo kết quả xử lý về UBND tỉnh. So với nhiều tỉnh, thành trong cả nước thì việc kiểm tra DN tại Đồng Nai ít hơn. Theo Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), tại một số tỉnh thành có DN phải tiếp đến 12-15 đoàn kiểm tra/năm làm ảnh hưởng sâu sắc đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN.
Theo VCCI, trước khi đầu tư vào tỉnh nào, DN nước ngoài chú ý rất nhiều đến thủ tục hành chính, sự hỗ trợ DN của chính quyền khi gặp khó khăn, hạ tầng giao thông và tình trạng kiểm tra nhũng nhiễu. Hạn chế kiểm tra DN sẽ là một trong những yếu tố giúp môi trường đầu tư của tỉnh thuận lợi hơn.
Hương Giang