Việt Nam vừa kết thúc đàm phán với Cao ủy Liên minh châu Âu về thực hiện việc bảo vệ rừng. Theo đó, các doanh nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này phải thận trọng hơn trong việc sử dụng nguyên liệu.
Sản phẩm bàn ghế xuất khẩu của Công ty cổ phần Nhất Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 1, TP.Biên Hòa). |
Hiệp định Đối tác tự nguyện (VPA) là một hiệp định thương mại có sự ràng buộc về mặt pháp lý giữa Liên minh châu Âu (EU) và một nước sản xuất gỗ bên ngoài EU. Mục đích của VPA nhằm đảm bảo gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu vào EU có nguồn gốc hợp pháp.
Gần 6 năm đàm phán
Năm 2010, Việt Nam và EU đã khởi động đàm phán VPA tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị và thương mại lâm sản. Hai bên chính thức đàm phán vào cuối năm 2011. Cuối tháng 11 vừa qua, Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn cùng Cao ủy EU công bố kết thúc cơ bản đàm phán VPA tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị và thương mại lâm sản giữa Việt Nam và EU.
Như vậy, sau gần 6 năm với 10 phiên đàm phán cấp cao, 18 phiên đàm phán kỹ thuật, Việt Nam và EU đã cơ bản kết thúc các nội dung của hiệp định. Đây chính là tiền đề quan trọng để thúc đẩy ngành chế biến, xuất khẩu gỗ của Việt Nam phát triển bền vững và mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là vào EU. Theo Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn, hiệp định này được xem như “giấy thông hành” để các sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu vào EU không phải giải trình về truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp theo Quy chế gỗ của EU.
Ông Karmenu Vella, Cao ủy về Môi trường, các vấn đề hàng hải và thủy sản của Ủy ban châu Âu cũng thông tin, mới có 6 quốc gia (Ghana, Liberia, Indonesia, Cameroon, Cộng hòa Congo và Cộng hòa Trung Phi) đã ký VPA với EU. Các quốc gia này đang hoàn thiện hệ thống cho việc kiểm soát, chứng thực và cấp phép đối với gỗ hợp pháp. Còn lại 9 nước khác, trong đó có Việt Nam, Lào, Thái Lan và Malaysia đang trong quá trình đàm phán.
Chuẩn hóa nguồn nguyên liệu
Ông Trần Văn Thành, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Kiến Phúc (huyện Trảng Bom), chuyên sản xuất mặt hàng gỗ xuất khẩu, cho rằng các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam đã sử dụng gỗ nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ từ nhiều năm qua. Vì vậy, việc tham gia vào VPA sẽ giúp ngành chế biến gỗ của Việt Nam thêm phần uy tín. Ông Thành nói: “Khi tham gia vào hiệp định này, các doanh nghiệp chế biến gỗ cũng như cơ quan kiểm soát Nhà nước sẽ chú trọng hơn các thủ tục liên quan để việc kiểm soát nguồn gốc gỗ theo đúng tiêu chuẩn”.
Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (Dowooha) cảnh báo với việc siết chặt nguồn gốc gỗ của EU, cũng như Việt Nam tham gia vào VPA, các doanh nghiệp sử dụng nguồn gỗ nhập khẩu từ những quốc gia có mức rủi ro cao sẽ bị xem xét nghiêm ngặt về tính hợp pháp của gỗ. Chính vì vậy, doanh nghiệp sẽ phải cân nhắc hơn khi nhập khẩu nguồn hàng từ các thị trường này. Ông Phan Văn Bình, Chủ tịch Dowooha, cho biết các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu gỗ sang 2 thị trường Mỹ và EU cũng đã quen với những quy định về nguồn gốc xuất xứ của gỗ nguyên liệu nên sẽ không gặp phải khó khăn nhiều trong thời gian tới. Lãnh đạo của hiệp hội này còn cho rằng đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp tiếp tục chuẩn hóa nguồn hàng đáp ứng cho thị trường khó tính. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn, thị trường EU chiếm hơn 10% kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam.
Vân Nam