Kinh tế

Không dễ đưa đề tài khoa học ra đồng

Từ đầu năm 2010 đến nay, Sở Khoa học - công nghệ đã thực hiện 30 đề tài, dự án ứng dụng khoa học - công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhiều đề tài đã nghiệm thu, chuyển giao cho Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn để chuyển giao đến nông dân.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh làm việc tại Hợp tác xã Xoài Suối Lớn (huyện Xuân Lộc).
Đoàn giám sát HĐND tỉnh làm việc tại Hợp tác xã Xoài Suối Lớn (huyện Xuân Lộc).

Tuy nhiên, nhiều đề tài, dự án vẫn khó ứng dụng nhân rộng vào thực tế sản xuất, thậm chí nghiên cứu xong rồi để đó. Vấn đề đặt ra là nghiên cứu khoa học cần theo đơn đặt hàng xuất phát từ nhu cầu thực tế; thu hút được doanh nghiệp để sản xuất gắn kết với thị trường và nghiên cứu khoa học, được nông dân hào hứng đón nhận.

* Vẫn ứng dụng trong phạm vi nhỏ

Ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai, cho biết đầu tư 1 hécta nhà màng trồng dưa lưới ít nhất phải đạt doanh thu 2 tỷ/năm thì mới thu hút được nông dân. Và để đạt được điều đó thì phải đảm bảo được đầu ra cho sản phẩm. Hiện đã có doanh nghiệp đầu tư mở rộng diện tích trồng dưa lưới tại trung tâm. Doanh nghiệp có đầu ra tốt nên dự kiến tiếp tục mở rộng diện tích. Đây sẽ là khu vực trồng dưa lưới trong nhà màng lớn nhất nước.

Theo báo cáo của Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai (huyện Cẩm Mỹ), đơn vị được thành lập với chức năng nghiên cứu, ứng dụng, triển khai áp dụng thành tựu công nghệ sinh học vào thực tiễn sản xuất... Trên cơ sở đó, giai đoạn 2010-2016 trung tâm đã tiếp nhận 30 kết quả đề tài, dự án khoa học - công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp từ Sở Khoa học - công nghệ. Thông qua các đề tài, dự án trên, Trung tâm đã triển khai, duy trì 14 mô hình là điểm trình diễn khoa học - công nghệ.

Tuy nhiên, hiện chỉ mới có 9 đề tài được chuyển giao và nhân rộng vào thực tế, nhưng kết quả cũng khá khiêm tốn. Cụ thể, đề tài được chọn làm điểm là sản xuất dưa lê, dưa leo trong nhà màng theo hướng VietGAP tại huyện Cẩm Mỹ chỉ mới chuyển giao được cho một doanh nghiệp đầu tư tại Đồng Nai và một nông dân ở tỉnh Bình Thuận. Đề tài xây dựng mô hình sản xuất thử nghiệm trồng lan mokara cắt cành cũng chỉ mới chuyển giao quy trình, đào tạo và giống cho Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ Nghệ An và một số nông hộ ở huyện Long Thành, TP.Biên Hòa.

Với 16 đề tài nghiên cứu Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn tiếp nhận từ Sở Khoa học - công nghệ đã được triển khai ứng dụng vào thực tế, tuy nhiên việc nhân rộng vẫn ở phạm vi hẹp. Cụ thể, đề tài triển khai hiệu quả là phục hồi vườn cà phê tuy đã thực hiện chuyển giao cho các huyện: Thống Nhất, Định Quán, Cẩm Mỹ, Tân Phú và TX.Long Khánh với 323 điểm hỗ trợ đầu tư giống, vật tư, phân bón, hệ thống tưới, nhưng diện tích mở rộng chỉ đạt 50 hécta.

Ông Đặng Hồng Tăng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông nghiệp, nhận xét: tuổi thọ nhiều đề tài nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp còn ngắn, thậm chí chết yểu vì chưa gắn với yêu cầu thực tế. Thời gian tới, đơn vị sẽ chủ động đặt hàng đề tài nghiên cứu khoa học trên lĩnh vực của mình. Tỉnh cũng phải có chính sách hỗ trợ để nông dân mạnh dạn ứng dụng khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất.

* Cần kết nối với thị trường

Trong buổi làm việc với đoàn giám sát của Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh về kết quả triển khai việc nhân rộng và ứng dụng vào thực tế các đề tài, dự án khoa học - công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, PGS.TS Phạm Văn Sáng, Giám đốc Sở Khoa học - công nghệ, chia sẻ: “Sở và Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai chỉ làm về kỹ thuật với mục đích chính là chuyển giao kỹ thuật cho doanh nghiệp và nông dân. Nhiều đề tài, dự án gặp khó khăn trong việc chuyển giao, nhân rộng ra dân vì chúng tôi chưa trả lời được câu hỏi về thị trường”.

Nghiên cứu phải gắn với kết nối được thị trường đầu ra cho nông sản cũng là yếu tố quyết định để các đề tài khoa học đi vào thực tế. Ông Nguyễn Thế Bảo, Giám đốc Hợp tác xã xoài Suối Lớn (huyện Xuân Lộc), cho hay: “Đề tài xây dựng mô hình sản xuất trái cây theo chuẩn ASEAN GAP đã hỗ trợ cho hợp tác xã là đơn vị tiên phong của tỉnh được cấp chứng nhận xoài VietGAP và Global GAP. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong việc xây dựng thương hiệu xoài Suối Lớn tại cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu. Hợp tác xã cũng đã xuất khẩu thử nghiệm đơn hàng xoài vào thị trường Úc và thử chào hàng vào một số nước. Nhưng thực sự đến nay vẫn chưa có đơn hàng xuất khẩu chính thức nào”. Cái khó của hợp tác xã hiện nay là chưa kết nối được ở khâu thị trường; vẫn mù mờ thông tin về từng thị trường cụ thể, nên khi có khách đặt hàng, đơn vị không đáp ứng được cả yêu cầu về sản lượng và chất lượng.

Cùng quan điểm, ông Phùng Thanh Tâm, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp, dịch vụ, thương mại Bình Lộc (TX.Long Khánh), chia sẻ: “Sản phẩm chôm chôm VietGAHP đã có đơn hàng vào siêu thị nhưng chủ yếu vẫn bán cho thương lái nên giá chỉ nhỉnh hơn một chút so với hàng không chứng nhận. Trái chôm chôm sạch vẫn khó về đầu ra là nguyên nhân chính khiến nông dân không mấy hào hứng tham gia”.

Bình Nguyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,127,866       1/825