Kinh tế

Heo sạch bí đầu ra

Người chăn nuôi heo VietGAP (heo đạt chứng nhận thực hành sản xuất tốt) của Đồng Nai đang rơi vào cảnh tồn hàng vì không có nơi tiêu thụ.

Trại nuôi heo VietGAHP tại xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất.
Trại nuôi heo VietGAHP tại xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất.

Tuy không thiếu doanh nghiệp (DN) ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm heo được cấp chứng nhận an toàn, nhưng người chăn nuôi  hiện vẫn bán trôi nổi ngoài thị trường vì việc cam kết bao tiêu này vẫn chỉ nằm trên giấy.

* Bán trôi nổi là chính

Chỉ tính riêng chăn nuôi nông hộ, Đồng Nai đã có hơn 400 hộ chăn nuôi thuộc 23 tổ hợp tác được cấp chứng nhận heo VietGAHP (chứng nhận thực hành chăn nuôi tốt cho chăn nuôi heo) với sản lượng hàng chục ngàn con heo. Đồng Nai đang tiếp tục đẩy mạnh việc cấp chứng nhận cho hàng chục tổ chăn nuôi thuộc dự án Lifsap (dự án nâng cao năng lực cạnh tranh và an toàn thực phẩm ngành chăn nuôi).

Thời gian qua, Đồng Nai đã tổ chức rất nhiều chương trình kết nối, thu hút DN về bao tiêu heo VietGAHP cho nông dân với mục tiêu xây dựng chuỗi liên kết, tạo đầu ra bền vững cho sản phẩm thịt an toàn. Trong đó, gần nhất là Công ty TNHH Mega Mart Việt Nam (siêu thị Metro cũ) cam kết bao tiêu heo VietGAHP cho các nông hộ chăn nuôi tại Đồng Nai. Hoạt động thu mua này được thực hiện bởi Công ty TNHH Thy Thọ (DN đầu tư lò mổ Lifsap tại TX.Long Khánh). Tuy nhiên, trong thực tế heo VietGAHP vẫn phải bán trôi nổi ngoài thị trường bằng với giá heo không được chứng nhận.

Bà Nguyễn Thị Kim Cúc, Tổ trưởng Tổ hợp tác GAHP 1 Hưng Lộc (huyện Thống Nhất), chia sẻ: “Tháng trước, tổ hợp tác tồn 100 con heo, tháng này tồn thêm 300 con. Tuy tổ hợp tác đã ký hợp đồng cam kết bao tiêu heo VietGAHP với vài DN nhưng thực chỉ có 1 DN thực hiện. Trước đây, DN này bao tiêu được khoảng 300 con heo/tháng, nay giảm còn chưa đến một nửa, thậm chí tuần vừa qua chỉ bắt hơn 20 con nên người chăn nuôi buộc phải bán cho thương lái với giá heo thường”.

Cùng nỗi lo trên, ông Phạm Như Hi, Tổ trưởng Tổ 1 heo VietGAHP xã Quang Trung (huyện Thống Nhất), cho hay: “Tuy ký nhiều hợp đồng bao tiêu với DN, nhưng đến nay toàn bộ heo VietGAHP vẫn bán trôi nổi ngoài thị trường. Chúng tôi nhiều lần liên hệ với phía DN nhưng không hề nhận được thông tin phản hồi nào về nguyên nhân không thực hiện theo cam kết. Các tổ viên đành tự xoay xở bán hàng cho thương lái và chấp nhận bán heo sạch với giá hàng thường”.

* Chờ vào chuỗi liên kết

Theo các tổ hợp tác heo VietGAHP, tình trạng giết mổ heo tự phát bán tràn lan với giá rẻ tạo nên cảnh vàng thau lẫn lộn trên thị trường. Điều này càng khiến cho heo VietGAHP gặp khó khăn về đầu ra. Bà Cúc bức xúc: “Heo VietGAHP nuôi tại trại bán không được, nhưng ra thị trường đâu đâu cũng ra bán heo sạch. Các cơ quan chức năng cần siết chặt khâu quản lý, đảm bảo người tiêu dùng thực sự mua được sản phẩm thịt sạch thì người chăn nuôi mới an tâm làm theo quy trình sạch”.

Ông Lương Hồng Đoán, Tổ trưởng Tổ heo VietGAHP xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc), khẳng định: “Trước khi ký hợp đồng, DN bao tiêu heo VietGAHP về tận các trại chăn nuôi và kiểm tra rất kỹ, nhưng đến nay phía DN vẫn chưa thực hiện việc tiêu thụ heo như cam kết. Để giảm lỗ, nhiều tổ viên đã mạnh tay giảm đàn. Nhưng các thành viên trong tổ vẫn tuân thủ chặt chẽ các quy trình chăn nuôi an toàn, chuẩn bị sẵn sàng chờ tham gia vào chuỗi liên kết của DN với kỳ vọng thịt sạch sẽ có đầu ra ổn định”.

Bình Nguyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,125,150       17/852