Kinh tế

Xuất heo đi Campuchia: Cánh cửa hẹp

Hơn 2 tháng trở lại đây, trung bình mỗi ngày Đồng Nai xuất khoảng 2 ngàn con heo sang thị trường Campuchia. Đây là con số rất đáng quan tâm trong giai đoạn thị trường thịt heo vẫn trong giai đoạn khủng hoảng thừa.

Người chăn nuôi cần quan tâm xây dựng thương hiệu bằng uy tín chất lượng để có cơ hội tham gia vào thị trường xuất khẩu,  (ảnh chụp tại trang trại ở TX. Long Khánh).
Người chăn nuôi cần quan tâm xây dựng thương hiệu bằng uy tín chất lượng để có cơ hội tham gia vào thị trường xuất khẩu, (ảnh chụp tại trang trại ở TX. Long Khánh).

Tuy nhiên, lượng heo xuất sang Campuchia chủ yếu từ các công ty lớn, còn thương lái kém mặn mà.

* Thị trường thời vụ

Theo báo cáo của Sở Công thương, trung bình mỗi tuần Đồng Nai tiêu thụ được trên 69 ngàn con heo, trong đó trên 80% là xuất đi ngoại tỉnh. Ngoài thị trường chính là TP.Hồ Chí Minh thì một số tỉnh giáp biên giới Campuchia cũng đang tiêu thụ heo tốt. Cụ thể, trung bình mỗi tuần tỉnh Long An tiêu thụ trên 6,3 ngàn con, Đồng Tháp trên 3 ngàn con, Tây Ninh trên 2,2 ngàn con... Heo của Đồng Nai về các tỉnh này chủ yếu là xuất sang thị trường Campuchia.

Tuy nhiên, thị trường Campuchia lại ít thu hút được thương lái quan tâm vì chỉ mang tính thời vụ, giá xuất heo thường ở mức thấp. Bà Vũ Thị Thu Thủy, thương lái thu mua heo tại xã Quang Trung (huyện Thống Nhất), nhận xét: “Những năm qua, Campuchia vẫn nhập heo của Việt Nam, nhưng không mấy thu hút thương lái vì thị trường này chỉ mang tính thời vụ được vài tháng trong năm. Campuchia chỉ chuộng heo trọng lượng thấp từ 80-90 kg/con, giá thường đứng ở mức thấp nên lợi nhuận không bao nhiêu”.

Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) là một trong những doanh nghiệp chủ lực tham gia xuất khẩu heo đi Campuchia. Nhận xét về tiềm năng của thị trường này, ông Kiều Minh Lực, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam, cho biết: “Thời gian qua, Campuchia có tiêu thụ heo hơi của Việt Nam nhưng tiềm năng không lớn vì chỉ mang tính thời vụ. Vào mùa mưa, việc vận chuyển heo xuất sang Campuchia gặp nhiều khó khăn, chi phí cao nên thị trường này càng không được kỳ vọng nhiều”.  

* Tiêu chuẩn xuất khẩu ngày càng cao

Theo ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai, hơn 2 tháng qua lượng heo xuất đi Campuchia khá đều. Tuy đây là thị trường nhỏ nhưng là kênh tiêu thụ rất đáng quan tâm trong giai đoạn khó khăn về đầu ra như hiện nay. Khoảng 2 tuần trở lại đây, Đồng Nai cũng bắt đầu có heo xuất đi thị trường phía Bắc. “Tuy nhiên, cả thị trường Campuchia và Trung Quốc hiện đều ưu tiên chọn heo từ các công ty lớn, đảm bảo về chất lượng. Thị trường xuất khẩu heo hơi nếu có khởi sắc cũng sẽ siết chặt hơn về tiêu chuẩn. Trong đó, heo có thương hiệu về uy tín chất lượng sẽ có nhiều ưu thế hơn trong việc cạnh tranh” - ông Quang nói.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho hay: “Các trại chăn nuôi tư nhân nhỏ lẻ hầu như chưa tham gia vào thị trường xuất heo đi Campuchia. Gần đây, bắt đầu có một vài xe chở heo cung cấp về các tỉnh phía Bắc nhưng chủ yếu cũng lấy nguồn từ các công ty lớn.  Tuy nhiên, các tỉnh miền Tây tập trung xuất heo đi Campuchia vẫn có lợi cho người chăn nuôi Đồng Nai vì áp lực cạnh tranh đưa heo vào thị trường TP.Hồ Chí Minh có giảm. Theo đó, giá heo hơi có  nhích lên một ít so với vài tuần trước”.

Ông Kiều Minh Lực chia sẻ thêm: “Việc xuất heo hơi qua biên giới rủi ro lớn nhất là dịch bệnh. Heo có thương hiệu, đảm bảo chất lượng sẽ được ưu tiên lựa chọn. Việt Nam đã kiểm soát được dịch tả và dịch lở mồm long móng. Giai đoạn khó khăn này, cả cơ quan chức năng và người chăn nuôi không nên lơ là trong công tác phòng chống dịch bệnh, vì dịch bệnh xảy ra sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành chăn nuôi của cả nước. Đây cũng là một trong những tiêu chuẩn được xem xét đầu tiên để được tham gia vào thị trường xuất khẩu”.

Bình Nguyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,122,126       2/1,027