Kinh tế

Tôi muốn đóng góp chút gì đó cho nông nghiệp

Cách đây 10 năm, Nguyễn Hồng Đăng Khoa làm việc ở một tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực tấm lợp và nhà thép tiền chế. Sau một chuyến công tác ở các nước có nền nông nghiệp phát triển, ông thấy Việt Nam cần phát triển lĩnh vực công nghiệp phụ trợ trước một bước thì nền nông nghiệp mới phát triển.

Từ đó, ông quyết định chuyển hẳn sang lĩnh vực cung cấp giải pháp cho các dự án nông nghiệp kỹ thuật cao vào năm 2010 khi thị trường Việt Nam còn khá xa lạ với khái niệm này.

Trên thị trường nông nghiệp kỹ thuật cao, Nhà Nguyễn là doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam cung cấp giải pháp trọn gói nhà màng (Poly Greenhouses) đạt tiêu chí nông nghiệp kỹ thuật cao với quy mô lớn tại Đông Nam Á. Đây cũng là đơn vị tiên phong cung cấp giải pháp nhà màng nuôi tôm hiện đại đến nhiều doanh nghiệp lớn trong cả nước. Các đối tác sử dụng công nghệ nhà màng trong trồng trọt của Nhà Nguyễn, như: Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật nông nghiệp Lâm Đồng, Công ty TNHH Agrivina - Dalat Hasfarm, Công ty cổ phần nông trại sinh thái (ECOFARM), Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai, Công ty giống Chánh Phong, Skyfarm, Phong Thúy...

Đi con đường hiếm ai đi

 Vì sao ông chọn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp kỹ thuật cao khi đang “yên ấm” trong một tập đoàn đa quốc gia?

- Nhà Nguyễn thành lập vào 7-2010, trước đó tôi làm việc ở bộ phận R&D của một tập đoàn đa quốc gia. Trước khi thành lập công ty, tôi có 3 năm nghiên cứu thị trường này. Chọn nông nghiệp kỹ thuật cao là vì tôi đi nhiều nước, thấy lĩnh vực xây dựng và cung cấp giải pháp cho nông nghiệp kỹ thuật cao rất phát triển. Nói nôm na là để có một nền nông nghiệp kỹ thuật cao thì cần cả một hệ thống công nghiệp phụ trợ trong lĩnh vực này phát triển trước một bước, bao gồm: cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, kỹ thuật nuôi trồng, các giải pháp điều khiển vi khí hậu, điều khiển dinh dưỡng và nhiều giải pháp khác.

Tại Việt Nam, thời điểm Nhà Nguyễn mới thành lập, chúng tôi gần như đơn độc, không có đối thủ cạnh tranh trong nước nhưng cũng rất hiếm khách hàng. Bởi Việt Nam lúc đó chưa quan tâm đến nông nghiệp kỹ thuật cao ngoài một số doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, còn lại phần lớn nuôi trồng theo dạng truyền thống.

Tôi xuất thân từ một kỹ sư xây dựng, nhưng tôi nghĩ mình có “máu nông nghiệp” trong người nên đi đâu, làm gì tôi cũng nhìn ngó, quan tâm đến nông nghiệp và luôn đau đáu câu hỏi: vì sao nông nghiệp Việt Nam quá chậm tiến so với các nước khác? Có lẽ từ câu hỏi đó mà tôi đeo đuổi đến ngày hôm nay. Thời điểm khởi nghiệp, có rất nhiều lời ngăn cản vì cho rằng tôi đầu tư vào một lĩnh vực “khó ra tiền”. Tôi cũng thấy mình hơi liều, nhưng lúc đó mê quá nên quyết làm, quyết theo đuổi cho bằng được.

Chọn một hướng đi quá mới vào thời điểm nông nghiệp kỹ thuật cao vẫn là một khái niệm khá mơ hồ, ông đã gặp những thách thức nào?

- Những khó khăn ban đầu thì tất nhiên chúng tôi gặp nhiều như bao doanh nghiệp khác. Vốn ít, khách hàng chưa có, có những giai đoạn chỉ cố gắng tồn tại, quy mô doanh nghiệp chỉ còn lại mình tôi là giám đốc với vài nhân viên. Giai đoạn 2007-2010, khi tôi nhen nhóm Nhà Nguyễn thì thị trường lúc đó gần như chưa có doanh nghiệp nào đầu tư dự án nông nghiệp kỹ thuật cao, trừ Dalat Hasfarm ở Lâm Đồng, và theo tôi tìm hiểu thì họ nhập khẩu hoàn toàn các giải pháp công nghệ cao từ châu Âu, gồm: nhà màng, thiết bị phun tưới, các giải pháp công nghệ thông tin và công nghệ sinh học... Tôi cũng có chút may mắn là từng thi công cho Dalat Hasfarm vào năm 2010 nên có thời gian và điều kiện tìm hiểu thực tế vận hành của một dự án nông nghiệp kỹ thuật cao.

Rồi chúng tôi nhận được hợp đồng đầu tiên, một dự án nông nghiệp kỹ thuật cao ở Đà Lạt theo dạng “chìa khóa trao tay”, nghĩa là làm từ khi san lấp mặt bằng đến khi hoàn thiện. Nhưng sau dự án đó thì công ty gần như phá sản vì không đủ vốn đề tồn tại, khách hàng trả chậm, hợp đồng mới chưa có...

 Cho đến lúc này, những doanh nghiệp trong nước chuyên cung ứng giải pháp cho các nông trại nông nghiệp kỹ thuật cao đã nhiều chưa?

- Sau một thời gian gần như phá sản, Nhà Nguyễn bắt đầu nhận được những hợp đồng đầu tiên, thi công có, chìa khóa trao tay có... Chúng tôi dần có chút vốn để xoay xở, nâng cao tay nghề, mở rộng nhà máy sản xuất, rồi có thêm khách hàng... Nhà Nguyễn cung cấp giải pháp trọn gói cho các dự án nông nghiệp kỹ thuật cao, từ cơ sở hạ tầng kỹ thuật đến các giải pháp công nghệ thông tin, vận hành nhà màng phù hợp với từng loại cây trồng, vật nuôi khác nhau. Những thiết bị nào có thể nội địa hóa thì chúng tôi tự làm trong nhà máy của công ty, thiết bị nào chưa sản xuất được thì nhập khẩu từ châu Âu. Cho đến giờ này, chúng tôi tự sản xuất thiết bị được khoảng 70% và khá tự tin với tay nghề, kinh nghiệm của mình.

 Thị trường “công nghiệp phụ trợ” cho nông nghiệp kỹ thuật cao đã có nhiều cạnh tranh hơn giai đoạn trước?

- Cuối năm 2012, nông nghiệp kỹ thuật cao bắt đầu khởi sắc, có khách hàng, có dự án. Lúc đó chúng tôi gần như là doanh nghiệp duy nhất trong nước có khả năng thực hiện trọn gói các giải pháp cho những dự án nông nghiệp kỹ thuật cao nên nhiều khách hàng tìm đến. Tôi nhận thấy không phải mình quá giỏi giang, mà về cơ bản kinh doanh cần có “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Nếu không có sự quan tâm chung của Nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng... đến các dự án nông nghiệp kỹ thuật cao thì Nhà Nguyễn cũng khó có cơ hội phát triển.

Hiện tại đã có khá nhiều doanh nghiệp nước ngoài cung cấp các giải pháp nông nghiệp kỹ thuật cao và một số doanh nghiệp trong nước cũng bắt đầu quan tâm tới lĩnh vực này. Chúng tôi cũng luôn phải tự cải thiện để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Tuy nhiên, chính sách thuế cũng cần được điều chỉnh để khuyến khích sản xuất trong nước với những sản phẩm trong nước chủ động sản xuất được nhằm giảm tình trạng mất ngoại tệ, việc làm và khuyến khích thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ.

Làm tốt việc mình trước

 Là một người trẻ (sinh năm 1981), chọn một ngành kinh doanh cũng rất trẻ, song doanh nghiệp của ông đã trở thành một tên tuổi lớn, uy tín trong ngành. Đó là sự tự hào hay một áp lực với một doanh nhân trẻ?

- Với tôi là cả hai. Từ năm 2012 đến nay, doanh số Nhà Nguyễn tăng gấp đôi mỗi năm, nhân sự và nhà máy sản xuất cũng mở rộng quy mô tương tự. Đến lúc này chỉ có một số vật tư là cần nhập khẩu từ Bỉ và Hà Lan..., còn lại chúng tôi xử lý được khá nhiều phần trong một gói giải pháp. Khách hàng của Nhà Nguyễn có từ Bắc vào Nam, một tháng chúng tôi cung cấp khoảng 7 hécta nhà màng công nghệ cao, với các yêu cầu về vi khí hậu, loại cây, giống... khác nhau. Khách hàng đưa loại cây nào thì chúng tôi cài đặt các chương trình và giải pháp vận hành riêng cho loại cây đó.

Bản thân Nhà Nguyễn cũng có trang trại Trí Nguyễn tại Khu công nghệ cao công nghệ sinh học Đồng Nai với diện tích 15,5 hécta. Trong đó, chúng tôi đã xây dựng được 5 hécta nhà màng để “chạy” các giải pháp nông nghiệp kỹ thuật cao, vừa trồng trọt ra sản phẩm và quan sát chất lượng, tiêu thụ của thị trường. Chúng tôi không thể cung cấp các giải pháp cho khách hàng nếu bản thân chưa sản xuất được những mặt hàng nông sản chất lượng tốt. Làm sao thuyết phục được khách hàng nếu bản thân sản phẩm mẫu của chúng tôi chưa được thị trường đón nhận? May mắn là cho đến lúc này, Nhà Nguyễn đang làm khá tốt. Chúng tôi thành lập riêng Công ty Trí Nguyễn để phân phối các sản phẩm nông nghiệp sạch, sản xuất theo quy trình công nghệ cao và được khách hàng ngày một quan tâm và tin tưởng về chất lượng, từ dưa lưới, chanh dây và đặc biệt là trái sung Mỹ được trồng tại trang trại Trí Nguyễn với quy mô lớn.

 Trong quan sát của ông, những hỗ trợ của Chính phủ cho nông nghiệp kỹ thuật cao liệu đã đi vào thực tế hay chưa?

- Về các giải pháp hỗ trợ nông nghiệp kỹ thuật cao, thực tế thì Chính phủ cũng mới chỉ có Nghị định 210 về nội dung này. Mỗi địa phương lại áp dụng khác nhau nên thành thật mà nói chúng tôi cũng chưa nhận được hỗ trợ gì khả thi. Tuy nhiên, xu hướng đầu tư nông nghiệp kỹ thuật cao theo tôi là xu hướng tất yếu, nên dù có hỗ trợ hay không doanh nghiệp vẫn phải làm, phải lăn xả và chấp nhận quy luật của nó. Do đó, chúng tôi cũng không thấy chạnh lòng khi các chính sách hỗ trợ chưa sát với nhu cầu thực tế.

 Mục tiêu dài hạn của ông với Nhà Nguyễn là gì? Ông có tìm được ý nghĩa nào đó cho riêng mình trong kinh doanh?

- Tôi chỉ là một doanh nghiệp vẫn đang vật lộn với thị trường, nên đầu tiên tôi mong doanh nghiệp mình lớn mạnh. Vì hơn cả chuyện tiền bạc hay lợi nhuận, doanh nghiệp là một “đứa con” với nhiều vui buồn, kỳ vọng mà chúng tôi chăm chút mỗi ngày. Xa hơn, tôi cũng muốn đóng góp chút gì đó cho nông nghiệp. Nói thì nghe chung chung, nhưng tôi yêu thích ngành này, yêu thích nông nghiệp kỹ thuật cao và sẵn sàng bỏ sức lực, thời gian để làm nó tốt hơn. Mỗi người chỉ cần cố gắng làm tốt việc của mình, mọi thứ sẽ dần được cải thiện. Điều đó với tôi không phải là một câu nói sáo rỗng, vì thực tế đã và sẽ diễn ra như vậy và tôi đã thấy sự tốt lên mỗi ngày này khi so sánh với chính bản thân mình, so với Nhà Nguyễn những ngày mới thành lập với hiện tại, và sẽ cố gắng để mọi thứ tốt hơn cho mai sau.

Chúng tôi đang có nhu cầu mở rộng trang trại ở các địa phương, để có đủ điều kiện khảo nghiệm các loại giống cây trồng khác nhau.

 Xin cảm ơn ông!

Kim Ngân (thực hiện)

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,118,811       5/1,007