Kinh tế

Dệt may Việt Nam đã được nâng tầm

Những tháng đầu năm 2017, ngành dệt may trong nước có những bứt phá mạnh mẽ, tiếp tục giữ được mức tăng trưởng khá. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, khẳng định có được kết quả trên là do doanh nghiệp (DN) dệt may đã có nhiều đầu tư vào công nghệ, quản trị để nâng cao năng suất, chất lượng và mở rộng thị trường.

Kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2017 dự đoán sẽ đạt hơn 30 tỷ USD, tăng 13-14% so với năm trước.

Đầu năm 2017 một số chuyên gia kinh tế dự báo việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ khiến ngành dệt may của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề vì mất đi nhiều cơ hội kêu gọi đầu tư và xuất khẩu vào thị trường này. Thế nhưng, dệt may của Việt Nam 8 tháng của năm kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt trên 20 tỷ USD, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2016. Hiện tại nhiều DN dệt may đã nhận được đơn hàng lớn đến giữa năm 2018.

* Cạnh tranh gay gắt hơn

* Hội nhập sâu đem lại cho ngành dệt may những thuận lợi, khó khăn gì, thưa ông?

- Từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thị trường của ngành dệt may trong nước được mở rộng sang nhiều quốc gia trên thế giới. Mức tăng trưởng của ngành dệt may hàng năm là 12-14%, cá  biệt có những năm tăng đến 18%. Đây là một trong 2 ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Thị trường xuất khẩu dệt may của Việt Nam khá đa dạng, hàng đã qua được hơn 100 quốc gia, song thị trường chiếm tỷ trọng lớn là Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... Hiện nay, Việt Nam đang nằm trong tốp đầu  thế giới về xuất khẩu dệt may và sản phẩm được nhiều khách hàng khó tính tin tưởng sử dụng. Ngành dệt may tạo việc làm cho nhiều lao động trong nước với mức lương khá ổn định.

Tuy nhiên vào hội nhập sâu, các DN dệt may cũng phải đối mặt với những khó khăn như: thuế chống bán phá giá, trong đó có áp lực từ thuế chống bán phá giá sợi của Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ. Nhưng nhờ nỗ lực của các DN ngành dệt may đã vượt qua và vẫn giữ được mức tăng trưởng khá cao.

* Mỹ rời khỏi TPP, ngành dệt may Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng gì khi đây là thị trường xuất khẩu lớn nhất?

Điều mà tôi cho rằng DN dệt may Việt Nam có những bước tiến khá mạnh mẽ là sản phẩm đã xuất khẩu được số lượng lớn vào được thị trường của Ấn Độ, Trung Quốc (đây là 2 quốc gia hùng mạnh của thế giới về dệt may). Điều này khẳng định các DN dệt may Việt Nam đang ngày một lớn mạnh, đủ sức cạnh tranh với dệt may của các nước trên thế giới. Gần đây, không ít DN Trung Quốc, vùng lãnh thổ Đài Loan cũng đã sang Việt Nam đầu tư vào ngành dệt may để xuất khẩu.

- Thực tế rất nhiều DN ngành dệt may trông đợi vào TPP vì nếu hiệp định này được ký kết, ngay sau khi có hiệu lực tất cả thuế xuất, nhập khẩu hàng dệt may vào Mỹ sẽ giảm về 0%, như vậy sức cạnh tranh của hàng dệt may Việt Nam sẽ tăng lên. Dự tính ngành dệt may của Việt Nam sẽ đạt những kỷ lục mới trong xuất khẩu mặt hàng này vào Mỹ và các nước cùng tham gia TPP.

Nhưng đó chỉ là cơ hội trong tương lai bị giảm sút, còn thực tế các DN vẫn chưa được bất kỳ lợi thế nào từ TPP nên không thể nói ảnh hưởng trực tiếp đến ngành dệt may trong nước. Dù Mỹ rút khỏi TPP nhưng xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào thị trường trên vẫn tăng trưởng cao, khoảng 51% hàng dệt may của Việt Nam vẫn xuất vào Mỹ. Tuy không có TPP nhưng Việt Nam vẫn là thành viên trong WTO và các dòng thuế của dệt may vào thị trường này vẫn đang giảm dần theo lộ trình. Đặc biệt Việt Nam là nước nhập khẩu bông lớn nhất của Mỹ nên khi xuất khẩu hàng dệt may vào nước này được ưu ái hơn.

* Ông đánh giá gì về sức cạnh tranh của hàng dệt may Việt Nam so với các nước nằm trong tốp đầu về xuất khẩu dệt may?

- Tôi có thể khẳng định hàng dệt may của Việt Nam xuất khẩu đi các thị trường lớn như: châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga... có sức cạnh tranh khá tốt. Hàng của chúng ta so về chất lượng, giá cả đều tốt hơn, việc đó được thể hiện qua những năm gần đây kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may vẫn giữ được mức tăng trưởng khá. Tuy nhiên có những giai đoạn dệt may Việt Nam cũng gặp một số trở ngại về chống bán phá giá nhưng DN trong nước vẫn vượt qua và tiếp tục mở rộng thị trường sang nhiều nước khác để không bị lệ thuộc vào một số thị trường lớn.

* Chưa chủ động nguyên liệu

* Xơ, sợi dệt, may mặc có kim ngạch xuất khẩu lớn nhưng nguyên liệu vải phần lớn lại nhập khẩu. Đây có phải ngành dệt may trong nước đang để hổng một mắt xích chưa tạo thành chuỗi?

- Đúng là may mặc của Việt Nam đang phải nhập khẩu một số lượng lớn vải từ Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc về để sản xuất trong khi xơ, sợi dệt của Việt Nam đang xuất khẩu với số lượng lớn sang nhiều quốc gia. Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng đã sớm nhìn ra vấn đề chưa hợp lý này và đã có định hướng phát triển dệt nhuộm để DN có thể chủ động từ khâu sản xuất sợi, dệt vải, may mặc và xuất khẩu sản phẩm hoàn chỉnh để tăng giá trị gia tăng cho ngành.

Gần đây, nguồn nguyên liệu vải sản xuất trong nước đã tăng lên dần đáp ứng được các nhu cầu của DN may mặc tại Việt Nam. Cụ thể có đơn hàng may mặc nguyên liệu vải trong nước đã đáp ứng được 50-80%. Trong thời gian tới, ngành dệt may sẽ tiếp tục kiến nghị Chính phủ có những cơ chế chính sách phù hợp để thu hút DN đầu tư vào sản xuất vải để tăng tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm dệt may. Tôi nghĩ trong tương lai gần ngành dệt may Việt Nam sẽ làm được vì so về công nghệ, con người chúng ta không thua kém bao nhiêu so với những nước có dệt may phát triển.

* Thưa ông, kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2018 sẽ tiếp tục giữ mức tăng trưởng cao hay sẽ chậm lại?

- Theo kinh nghiệm của tôi, thị trường xuất khẩu dệt may 2018 vẫn giữ được mức tăng trưởng cao vì DN Việt Nam vẫn đang có những lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết có hiệu lực. Bên cạnh đó, những thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ sẽ tiếp tục được mở rộng do phần lớn nguyên liệu bông để sản xuất sợi, vải của Việt Nam đều nhập khẩu từ Mỹ. Hiệp hội Bông của Mỹ cũng đã kiến nghị Chính phủ nước này có những chính sách đặc thù cho DN Việt khi xuất khẩu mặt hàng dệt may vào thị trường này. Trong đó gồm đơn giản, rút ngắn một số hồ sơ, thủ tục xuất nhập khẩu giúp DN tiết kiệm được nhiều chi phí trong việc nhập nguyên liệu bông và xuất khẩu mặt hàng dệt may vào Mỹ. Như vậy, DN Việt sẽ nâng được sức cạnh tranh so với hàng cùng loại từ các nước vào Mỹ.

Ngoài ra, thị trường châu Âu thời gian tới sẽ tiếp tục được mở rộng khi Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - khối Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực thuế giảm dần về 0%. Thị trường châu Âu có 27 nước (không tính Anh) nhưng DN Việt mới chỉ tập trung xuất khẩu hàng dệt may vào 6-7 nước, còn những nước khác chưa được chú trọng. Vì vậy, nếu DN dệt may Việt Nam tận dụng những ưu thế mở rộng xuất khẩu dệt may vào tất cả các nước trong khối EU sẽ tăng được kim ngạch lên đáng kể. 

* Đâu là yếu tố chính giúp dệt may Việt Nam phát triển và có được mức tăng trưởng cao?

- Tôi thấy rằng ngành dệt may của Việt Nam đang từng bước vươn lên cạnh tranh được với các quốc gia đứng đầu về xuất khẩu dệt may là do DN rất chú trọng đến uy tín, chất lượng, mẫu mã và giá cạnh tranh của sản phẩm. Nhiều chuyên gia cho là dệt may của Việt Nam xuất khẩu tốt và tăng trưởng mạnh chủ yếu nhờ ưu thế về lao động giá rẻ nhưng tôi nhận thấy không hẳn là vậy. Vì khi DN nước ngoài, trong nước lựa chọn đầu tư vào dệt may xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau, như: chính sách, lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do, thị trường tiêu thụ... chứ không riêng là lao động giá rẻ. Nhiều DN dệt của Việt Nam hiện đã đầu tư công nghệ hiện đại giảm số lao động sử dụng xuống còn 40-50% so với trước đây, những năm tới ngành dệt may sẽ tiếp tục đưa các công nghệ mới vào để giảm lao động, tăng năng suất, chất lượng để đáp ứng các đơn hàng lớn, đồng thời năng suất lao động trong ngành cũng dần được cải thiện và nâng lên. Ngành dệt may Việt Nam sẽ tiếp tục được nâng tầm để phát triển ổn định và bền vững.

 Xin cảm ơn ông!

Hương Giang (thực hiện)

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,093,422       4/930