Kinh tế

Dự án "đuối" vì bồi thường chậm

Trong 5 năm qua, Đồng Nai đã thực hiện 1.071 dự án với tổng diện tích hơn 11.400 hécta, trong đó có 851 dự án hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, còn lại 320 dự án đang thực hiện bồi thường.

Việc bồi thường giải phóng mặt bằng chậm đã khiến nhiều dự án bị kéo dài.

Huyện Long Thành đã làm trước khu tái định cư cho các dự án hạ tầng giao thông để đẩy nhanh tiến độ bồi thường, tái định cư.
Huyện Long Thành đã làm trước khu tái định cư cho các dự án hạ tầng giao thông để đẩy nhanh tiến độ bồi thường, tái định cư.

Theo Sở Tài nguyên - môi trường, trong thời gian tới để thực hiện những dự án lớn về hạ tầng giao thông của trung ương và địa phương, Đồng Nai sẽ có trên 10 ngàn hộ dân bị thu hồi đất. Thời gian thực hiện bồi thường, thu hồi đất, bố trí tái định cư nhanh là 2-3 năm. Có những dự án công tác bồi thường kéo dài hơn 10 năm chưa hoàn thành.

* Khiếu nại nhiều nhất

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái, Đồng Nai có rất nhiều dự án lớn sắp triển khai. Vì thế, Sở Tài nguyên - môi trường cần xem lại những bất hợp lý trong thu hồi đất, như: giá đất nếu không thuộc thẩm quyền của tỉnh thì kiến nghị trung ương có sửa đổi cho phù hợp; xem lại phân cấp trong giải quyết công tác bồi thường cho phù hợp, bộ máy làm công tác bồi thường phải có chuyên môn, năng lực để triển khai nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để giúp tiến độ các dự án được đảm bảo.

Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Đặng Minh Đức cho biết: “Sau năm 2013, khiếu nại của người dân về lĩnh vực đất đai đa số liên quan đến giá bồi thường đất khi bị thu hồi. Thời gian làm công tác bồi thường cho các dự án không phức tạp đã giảm được gần một nửa so với trước đây và chủ yếu rút ngắn thời gian ở khâu thực hiện hồ sơ. Tuy nhiên trong bồi thường, tái định cư còn nhiều yếu tố dẫn đến thời gian thực hiện bị kéo dài”. Bồi thường, tái định cư kéo dài còn do những nguyên nhân khác, như: đầu tư các khu tái định cư chậm, nhà đầu tư thiếu tiền trả cho người bị thu hồi đất, chính sách về bồi thường, tái định cư hay thay đổi, phối hợp giữa các đơn vị để thực hiện chưa nhịp nhàng nên mất nhiều thời gian...

Ông Lâm Văn Nghĩa, Bí thư huyện Vĩnh Cửu, cho hay: “Gần 90% đơn khiếu nại của huyện là về giá đất bồi thường. Do đó các sở, ngành liên quan nên nghiên cứu lại những bất cập của giá đất để điều chỉnh cho phù hợp. Việc xác định giá đất trong bồi thường phải có cơ chế giám sát, khi người dân không đồng ý nên tổ chức đối thoại, có cả đơn vị tư vấn để giải thích. Người dân bị thu hồi đất đồng thuận thì thời gian thực hiện bồi thường sẽ nhanh hơn”.

Những năm qua, ở Đồng Nai có những dự án kéo dài đến hơn 10 năm chưa thực hiện xong là do công tác bồi thường. “Dự án Khu du lịch Sơn Tiên (xã An Hòa, TP.Biên Hòa) chậm so với tiến độ là do công tác bồi thường. Công tác bồi thường lâu còn gây khó khăn cho doanh nghiệp. Bởi số tiền bồi thường cho hơn 60 hộ còn lại, nếu làm nhanh cách đây hơn 3 năm chỉ hơn 70 tỷ đồng, nhưng đến thời điểm này đã đội lên hơn 300 tỷ đồng” - ông Nguyễn Tuấn Anh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thành phố du lịch sinh thái Sơn Tiên, nói.

* Chưa đáp ứng được nhu cầu

Lãnh đạo một số huyện trong tỉnh than phiền về năng lực chuyên môn của nhân viên làm công tác bồi thường dẫn đến hồ sơ có nhiều sai sót, kéo dài thêm công thời gian làm công tác bồi thường.

Ông Hồ Văn Hà, Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc, đề xuất: “Tỉnh nên cho rà soát lại đội ngũ nhân viên làm công tác bồi thường ở các chi nhánh của trung tâm phát triển quỹ đất, nếu không đáp ứng được nên chấm dứt hợp đồng, tuyển dụng những cán bộ, nhân viên có chuyên môn, năng lực thực sự để làm việc. Như vậy, tránh được sai sót trong bồi thường khiến người dân khiếu nại làm dự án mất thời gian chờ đợi”.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh nhận định: “Đồng Nai đang triển khai nhiều công trình hạ tầng nhưng tiến độ rất chậm. Một trong những nguyên nhân dẫn đến chậm là do công tác quản lý đất đai chưa tốt, bồi thường kéo dài, từ khi thay đổi trung tâm phát triển quỹ đất về ngành dọc phối hợp chưa tốt”.

Thực tế cho thấy công tác bồi thường càng kéo dài, dự án càng khó thực hiện vì vốn đầu tư có thể bị đẩy tăng gấp nhiều lần so với kế hoạch ban đầu của nhà đầu tư. Cụ thể, như Khu công nghiệp Hố Nai (huyện Trảng Bom) việc bồi thường kéo dài gần 15 năm chưa xong khiến nhà đầu tư gặp khó khăn trong xây dựng hoàn thiện hạ tầng.

Hương Giang

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,094,880       3/929