Kinh tế

Ông chủ "mê" nghề cơ khí

Tốt nghiệp ngành cơ khí chế tạo, ông Nguyễn Văn Huynh, Giám đốc Công ty TNHH Tam Long Hưng Phát (phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) vào làm việc cho một công ty Nhật Bản tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2 với mức lương khá tốt.

Gắn bó với công ty 5 năm, lên đến vị trí trưởng ca nhưng ông vẫn xin nghỉ để thực hiện ước mơ khởi nghiệp của riêng mình.

Ông Nguyễn Văn Huynh kiểm tra van bơm chuẩn bị ráp cho khách hàng.
Ông Nguyễn Văn Huynh kiểm tra van bơm chuẩn bị ráp cho khách hàng.

Sau khi nghỉ việc, 1 năm sau, ông Huynh bước vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, ngành cơ khí.

* Lấy công làm lãi

Năm 2012, ông Huynh cùng 2 người bạn thành lập doanh nghiệp kinh doanh thiết bị và lắp ráp hệ thống máy thủy lực và máy nén khí cho các nhà máy sản xuất. Một kỷ niệm khiến ông Huynh khó quên được là vào giữa năm 2016, một công ty ép mousse ở huyện Nhơn Trạch bị hỏng máy ép, ông cùng nhân viên đến khảo sát. Ấn tượng đầu tiên của ông là lượng mousse nguyên liệu chất cao gần chạm nóc xưởng. Chủ doanh nghiệp cho biết do vào mùa cao điểm sản xuất, máy bị hỏng đột xuất không sản xuất được nên lượng hàng về bị dồn lại quá nhiều. Sau khi kiểm tra xong máy là 19 giờ, chỉ ăn qua loa ổ bánh mì, ông quyết định cùng thợ sửa chữa ngay trong đêm mà không đợi đến ngày hôm sau.

Khá đông khách hàng của công ty ông là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Theo ông Huynh, được làm việc cho các doanh nghiệp này đã giúp cho công ty ông học được tác phong chuyên nghiệp. Ông Huynh kể: “Khi bảo trì máy cho Công ty Pepsico Việt Nam (Khu công nghiệp Amata), họ cho đúng 4 giờ đồng hồ không hơn không kém. Với một lượng việc khổng lồ, chúng tôi phải tính toán và chuẩn bị rất kỹ mới thực hiện kịp. Các công ty của Nhật Bản cũng vậy, giờ làm chuẩn xác và rất nghiêm ngặt, luôn đòi hỏi công nhân đến bảo trì phải có bảo hộ an toàn cao”.

* Gia tăng giá trị

Công ty ông Huynh tập trung lắp ráp, sửa chữa và nhận bảo trì các loại máy nén khí, hệ thống thủy lực của các máy sản xuất; cung cấp thiết bị cho các loại máy này. Tuy doanh thu mỗi năm đạt khoảng 20 tỷ đồng, nhưng theo ông Huynh thì lợi nhuận của ngành này rất thấp. Phần lớn số tiền vào chi phí thiết bị rất cao do công ty ông chưa sản xuất được linh kiện, phải nhập khẩu nên lợi nhuận ở mức thấp.

Theo ông Huynh, về lâu dài ông sẽ đầu tư sản xuất một số linh kiện để gia tăng thêm giá trị. Hiện tại, doanh nghiệp ông vẫn chỉ thực hiện công việc lắp ráp là chính, nên gần như giá trị mang lại không cao. “Một số khách hàng muốn thay đổi thiết kế máy và các dây chuyền sản xuất cho phù hợp. Các trường hợp này nếu doanh nghiệp chúng tôi có vốn đầu tư sâu để sản xuất, gia công được các linh kiện sẽ rất có lợi, lúc đó giá trị chất xám mới được phát huy” - ông Huynh nói.

Đánh giá tiềm năng để đầu tư, ông Huynh cho rằng dư địa của lĩnh vực này còn rất lớn. Hiện tại phần lớn các phụ tùng, thiết bị của ngành công nghiệp này là nhập khẩu. Trong khi đó, Việt Nam lại đang phát triển mạnh về công nghiệp nên ngành công nghiệp cơ khí phụ trợ vẫn có chỗ đứng tốt trong tương lai.

Vân Nam

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,093,219       1/951