Kinh tế

Thời trang Việt và những đối thủ lớn

H&M là một nhãn hàng thời trang bình dân tại Mỹ với chuỗi cửa hàng tại nhiều nước trên thế giới. Hãng này vừa có sự ra mắt ồn ã và hoành tráng tại TP.Hồ Chí Minh đầu tháng 9 vừa qua và nhanh chóng trở thành địa chỉ mua sắm quen thuộc của giới trẻ Việt Nam.

H&M là một nhãn hàng thời trang bình dân tại Mỹ với chuỗi cửa hàng tại nhiều nước trên thế giới. Hãng này vừa có sự ra mắt ồn ã và hoành tráng tại TP.Hồ Chí Minh đầu tháng 9 vừa qua và nhanh chóng trở thành địa chỉ mua sắm quen thuộc của giới trẻ Việt Nam. Được biết, Việt Nam là quốc gia thứ 5 tại Đông Nam Á mà H&M chọn để mở cửa hàng, sau Singapore, Malaysia, Indonesia và Thái Lan.

Trước đó, hàng loạt nhãn hàng đình đám trong giới thời trang giá bình dân, như: Zara, Stradivarius, Pull& Bear, Cosmo, TopShop... từ Tây Ban Nha, Anh, Mỹ cũng chọn Việt Nam làm điểm đến. Ngoài ra, Uniqlo và Forever 21 được cho rằng cũng đang “dòm ngó” thị trường Việt Nam. Không đơn giản chỉ là vài cửa hàng tại Việt Nam, những nhãn hàng này một khi quyết định mở cửa hàng tại quốc gia nào, nghĩa là đã có trong tay những đánh giá sát sao về quy mô, tốc độ tăng trưởng của thị trường đó, ít nhất trên lĩnh vực muốn kinh doanh. Sự có mặt của những đại gia lớn trong ngành thời trang vừa qua cho thấy đánh giá về sức mua trên lĩnh vực thời trang của Việt Nam rất tốt.

Các nhãn hiệu thời trang bình dân của thế giới như Zara hay Mango, được xếp vào một xu thế đã và đang lan nhanh của thế giới là “thời trang nhanh”, nghĩa là liên tục ra các bộ sưu tập và thiết kế mới với sự mô phỏng các nhãn hàng đắt đỏ của các nhà mốt lâu năm với chất liệu rẻ tiền hơn, sản xuất hàng loạt với giá bình dân. Đối tượng khách hàng của “thời trang nhanh” dĩ nhiên là giới trẻ thành thị, dân văn phòng - những người sẵn sàng chi tiêu nhiều nhất cho hàng thời trang. Đây là điều mà các nhãn hàng thời trang Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt nếu không muốn tụt hậu và lạc lõng. Đặc biệt hơn, “thời trang nhanh” đang làm mưa làm gió tại hàng loạt quốc gia trên thế giới với ưu thế đẹp, rẻ, phù hợp xu hướng, theo mùa… và đòi hỏi các công ty may mặc Việt Nam phải rất nhanh chóng cập nhật để liên tục cho ra các bộ sưu tập mới với giá phải chăng, nếu muốn cạnh tranh với họ.

Tại Việt Nam, mấy năm nay cũng có một số nhãn hàng thời trang nhanh được đầu tư có bài bản, liên tục cho các mùa, có đội ngũ marketing và hình ảnh quảng cáo chuyên nghiệp với giá cả tương đương các nhãn hàng của thế giới. Có thể kể đến: Ivy, Hnoss, Elise, N&M, Hagatini, Marc, Miki… các nhãn hàng này có giá từ 300 ngàn đến xấp xỉ 2 triệu đồng/sản phẩm, phát triển hệ thống cửa hàng ở khắp các tỉnh, thành. Tuy nhiên, hầu như mới chỉ có vài nhãn hàng trong số đó, như Ivy hay Elise là đều đặn cho ra các bộ sưu tập theo mùa, có show trình diễn thời trang với đội ngũ nhà thiết kế và người mẫu quảng cáo riêng, còn lại cũng mới chỉ dừng ở mức cơ bản, chưa thể cạnh tranh cùng các nhãn hàng lớn của thế giới đang ào ạt mở cửa hàng chính hãng tại Việt Nam.

Sẽ là khập khiễng nếu đem lên bàn cân tất cả các yếu tố của thời trang nhanh Việt Nam với thế giới, vì tiềm lực, kinh nghiệm, kiến thức... là rất vênh nhau giữa những tập đoàn thời trang tỷ USD với các doanh nghiệp may mặc nhỏ lẻ. Song, nắm bắt xu hướng vẫn là điều vô cùng cần thiết để tồn tại và phát triển đối với thời trang Việt Nam.

Vi Lâm

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,089,818       1/1,131