Kinh tế

Bò "nội" chiếm lĩnh thị trường tết

Theo một số doanh nghiệp nhập khẩu bò Úc, tình hình nhập khẩu bò Úc nguyên con về vỗ béo, giết mổ rồi tiêu thụ đang giảm mạnh vì giá bò ngoại ngày càng tăng cao. Nhiều doanh nghiệp chuyển hướng mua bò nội địa vỗ béo thay cho bò nhập.

Trang trại vỗ béo bò Úc tại huyện Cẩm Mỹ của Công ty TNHH một thành viên Sơn Thủy Hà đang chuyển dần sang vỗ béo giống bò nội địa.
Trang trại vỗ béo bò Úc tại huyện Cẩm Mỹ của Công ty TNHH một thành viên Sơn Thủy Hà đang chuyển dần sang vỗ béo giống bò nội địa.

Một số trang trại lớn đang mạnh dạn đầu tư nuôi bò theo hướng bán công nghiệp với mục tiêu tăng sức cạnh tranh cho bò nội khi thị trường bò nhập khẩu nguyên con không còn nhiều lợi thế như trước.

* Bò Nhập khẩu giảm mạnh

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, năm 2017 tổng đàn bò của Đồng Nai đạt khoảng 71.200 con. Sản lượng thịt bò cung cấp ra thị trường gần 6 ngàn tấn, không biến động nhiều so với năm 2016. Ngành chăn nuôi của tỉnh đang chuyển hướng theo quy mô trang trại, chăn nuôi bán công nghiệp và công nghiệp.

Năm 2012, cả nước chỉ có 4 doanh nghiệp nhập khẩu bò Úc thì đến năm 2015 có hàng chục doanh nghiệp tham gia và đạt số lượng khoảng 360 ngàn con. Nhưng bắt đầu từ năm 2016, số lượng bò Úc nguyên con nhập khẩu giảm mạnh còn chưa đến 200 ngàn con, và con số này tiếp tục giảm vào năm 2017.

Công ty TNHH một thành viên Sơn Thủy Hà (tỉnh Long An, có trang trại tại huyện Cẩm Mỹ) là doanh nghiệp có cả chục trang trại vỗ béo bò Úc và nuôi bò sinh sản trên cả nước. Năm nay doanh nghiệp cũng giảm mạnh sản lượng bò Úc nhập khẩu. Ông Lưu Sơn Thủy, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Sơn Thủy Hà, so sánh: “Giai đoạn 2013-2015, thị trường bò Úc tăng trưởng nóng với sản lượng nhập khẩu tăng dù lúc đó thuế nhập khẩu mặt hàng này là 5%. Giai đoạn 2016 -2017, dù thuế nhập khẩu về 0% nhưng sản lượng bò Úc nhập khẩu không ngừng giảm mạnh. Nhiều doanh nghiệp không nhập khẩu nổi do giá bò Úc tăng quá cao. Số lượng bò Úc nhập khẩu năm 2017 chỉ còn khoảng 105.850 con, giảm hơn rất nhiều so với những năm trước đó”.

Ông Nguyễn Văn Cảnh là chủ trang trại tổng hợp Nguyễn Văn Cảnh (huyện Xuân Lộc) với quy mô nuôi gần 600 con bò thịt. Trang trại cũng đầu tư lò giết mổ. Ngoài số lượng bò tự nuôi, trang trại cũng nhập thêm bò Úc về giết mổ cung cấp ra thị trường. Ông Cảnh cho biết: “Những năm trước tôi mua bò Úc về giết mổ rất nhiều. Nhưng năm nay trang trại của tôi ưu tiên mua bò nội địa về vỗ béo rồi giết mổ, tính ra làm theo hướng này cho lợi nhuận hơn hẳn do bò Úc tăng giá quá cao”. 

* Vỗ béo bò nội

Cùng chung quan điểm bò nội được đầu tư vỗ béo cho lợi nhuận cao hơn hẳn bò nhập khẩu, năm 2016 Công ty TNHH một thành viên Sơn Thủy Hà vẫn tiếp tục mở rộng quy mô các trang trại và mua thêm bò nội địa về vỗ béo. Doanh nghiệp tổ chức hẳn chương trình “giải cứu” bò ốm trong dân. Bò nội địa do người dân nuôi theo kiểu thả tự do trên đồng thường chỉ đạt đến khoảng 300kg. Loại bò này nếu được đưa về nuôi dưỡng theo chế độ vỗ béo, trọng lượng sẽ tăng rất nhanh và cho lợi nhuận cao hơn hẳn so với nhập bò Úc.

Ông Lê Chí Công, quản lý trang trại bò Úc của Công ty TNHH một thành viên Sơn Thủy Hà, cho hay: “Ngoài trang trại vỗ béo bò Úc, chúng tôi đã mở thêm trang trại chuyên vỗ béo bò nội địa, nâng quy mô tổng đàn ở khu vực huyện Cẩm Mỹ lên gần gấp đôi với khoảng 7 ngàn con bò thịt. Hiện bò nội địa được vỗ béo tại trang trại chiếm khoảng 90% tổng đàn và chúng tôi đang chuyển hoàn toàn sang bò nội địa. Khó khăn hiện nay của chúng tôi là thiếu nguồn thức ăn cho đàn bò nên mong các dự án cánh đồng lớn tiếp tục được nhân rộng cây bắp tại địa phương và chúng tôi sẵn sàng bao tiêu với giá tốt cho nông dân”.

Khảo sát trên thị trường, tuy vào mùa tiêu thụ cuối năm nhưng hiện giá bò nội địa đang giảm nhẹ so với 1 tháng trước đó và cũng rẻ hơn đôi ba ngàn đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Một số người nuôi bò cho rằng giá bò giảm là do các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đồng loạt bán bò khiến nguồn cung dồi dào. Vài năm trở lại đây, phong trào nuôi bò giống ngoại phát triển mạnh, nhưng giống bò này thật ra rất khó chăm, hiệu quả không như mong đợi. Tuy nhiên, tổng đàn bò vẫn ổn định do nhiều trang trại đang chuyển sang nuôi theo hướng bán công nghiệp để tăng sức cạnh tranh cho bò nội.

Bình Nguyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,023,362       2/1,156