Kinh tế

Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam

Thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 2017 đạt 93,7 tỷ USD nên đây vẫn là thị trường lớn nhất của Việt Nam. Theo TS. Đào Việt Anh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc, các doanh nghiệp (DN) trong nước cần chuyên nghiệp hơn nhằm kịp thời nắm bắt và mở rộng thị trường xuất khẩu này.

Thông tin từ Bộ Công thương, năm 2017 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc là 35,5 tỷ USD, tăng 61,5%, nhập khẩu 58,2 tỷ USD, tăng 16,4%. Như vậy, xuất khẩu sang thị trường này tăng mạnh và nhập khẩu có xu hướng giảm, kéo gần khoảng cách trong cán cân thương mại giữa 2 nước.

* THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU LỚN THỨ 3

 Năm 2017, xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Trung Quốc có những thuận lợi và khó khăn gì, thưa ông?

- Đánh giá trên tổng quan thì năm 2017 xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc có mức tăng trưởng rất cao, đạt đến 35,5 tỷ USD và tăng trưởng 61,5% so với năm 2016. Theo đó, Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của nước ta chỉ sau Hoa Kỳ và EU, song mức tăng trưởng của thị trường này cao nhất. Riêng kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng nông, lâm, thủy hải sản có kim ngạch xuất khẩu trên 8 tỷ USD chiếm tỷ trọng 35% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc. Nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc đã vượt 1 tỷ USD và có mức tăng trưởng hết sức ngoạn mục như nhóm hàng rau quả đạt kim ngạch xuất khẩu 2,65 tỷ USD, tăng 52,4%, các mặt hàng gạo, cao su, thủy sản, gỗ và sắn đều có kim ngạch xuất khẩu trên dưới 1 tỷ USD.

Tuy nhiên, xuất khẩu một số mặt hàng nông sản, thực phẩm vào thị trường Trung Quốc gặp một số khó khăn vì vướng các rào cản kỹ thuật. Đây cũng là điều tất yếu vì các nước đều phải đặt ra các tiêu chuẩn gia nhập thị trường để đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm theo các tiêu chí của từng nước.

 Theo ông, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc trong năm 2018 có còn giữ được mức tăng trưởng cao như năm trước?

- Theo dự báo của Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường trên trong năm nay sẽ tiếp tục giữ được mức tăng trưởng khả quan. Điều này được thể hiện ngay từ những tín hiệu lạc quan trong đầu năm với kim ngạch thương mại 2 chiều Việt Nam - Trung Quốc trong tháng 1-2018 đã đạt 9,47 tỷ USD, tăng 66,3%, đáng chú ý kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt mức kỷ lục với kim ngạch đạt 3,7 tỷ USD, tăng 106,6% so với cùng kỳ năm 2017. Đồng thời, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của nước ta và cũng là thị trường chịu nhập siêu lớn mặc dù hiện vị trí nhập siêu lớn nhất đã nhường cho thị trường Hàn Quốc. Gần đây, nhiều DN Trung Quốc đã dịch chuyển sản xuất một số lĩnh vực ra nước ngoài và Việt Nam là một trong những điểm đến được lựa chọn nhiều. Điều này sẽ giúp cho thương mại 2 chiều tăng lên và đặc biệt là xuất khẩu tăng nhanh và nhập khẩu sẽ chậm lại rút ngắn khoảng cách trong cán cân thương mại giữa 2 nước.

 Riêng xuất khẩu mặt hàng dệt may vào thị trường Trung Quốc năm nay có thể tạo ra sự đột phá khác biệt nào không?

- Hiện nay Việt Nam đang là một trong 5 nước xuất khẩu dệt may lớn nhất trên thế giới. Hàng dệt may của các DN trong nước đã xuất khẩu sang hơn 100 thị trường trên thế giới và được đánh giá cao về chất lượng. Các sản phẩm dệt may của Việt Nam đã vào được các thị trường khó tính như: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... nên vào được thị trường Trung Quốc là điều đương nhiên. Tham gia vào hội nhập, hàng hóa các nước lưu chuyển nhanh, nơi nào hàng giá cạnh tranh, chất lượng tốt thì các nhà nhập khẩu sẽ tìm đến. Hàng dệt may của Việt Nam chất lượng đảm bảo, mẫu mã phong phú, giá cạnh tranh nên đã được DN Trung Quốc chọn lựa. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm dệt may sang thị trường Trung Quốc đạt kim ngạch 1,1 tỷ USD với mức tăng trưởng khoảng 34%. Vì vậy, theo tôi năm 2018 xuất khẩu dệt may vào thị trường này sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao.

Theo Tổng cục Thống kê, xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2017 của Việt Nam đạt gần 425 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 213,77 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước, nhập khẩu đạt 211,1 tỷ USD, tăng gần 21%. Việt Nam đã xuất siêu khoảng 2,7 tỷ USD. Riêng thị trường Trung Quốc thương mại 2 chiều là 93,7 tỷ USD. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.

Dù Trung Quốc là thị trường xuất, nhập khẩu lớn nhưng nhiều DN trong nước vẫn tỏ ra e ngại không yên tâm khi hợp tác làm ăn. Về việc này ông có đánh giá gì?

- Tôi nghĩ không riêng gì Trung Quốc mà trước khi ký kết làm ăn với đối tác ở quốc gia nào, DN Việt Nam cũng phải cẩn thận trong quá trình đàm phán và ký kết hợp đồng. Trước khi đi đến quyết định hợp tác, DN nên tìm hiểu kỹ thực lực, uy tín của đối phương trên thị trường. Nếu có khó khăn gì trong quá trình tìm hiểu thông tin có thể liên hệ với Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc. Khi soạn hợp đồng nên nhờ luật sư am hiểu về lĩnh vực mình đang kinh doanh soạn thảo văn bản để tránh những kẽ hở có thể gây thiệt hại lớn cho DN khi gặp phải đối tác không đàng hoàng.

Trong những năm gần đây, xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc tăng cao, nhưng số lượng các vụ tranh chấp không nhiều như các năm trước đây. Điều đó đã chứng tỏ các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng chuyên nghiệp, bài bản trong giao dịch với các doanh nghiệp Trung Quốc, qua đó giảm thiểu tối đa các rủi ro phát sinh, gây thiệt hại cho DN Việt Nam.  

* DOANH NGHIỆP ĐÃ NÂNG TẦM

 Nhận định của ông về năng lực xuất khẩu của DN Việt Nam vào thị trường Trung Quốc?

- Tôi thấy điều này được thể hiện khá rõ qua kim ngạch xuất khẩu của DN nước ta vào thị trường Trung Quốc. Kim ngạch xuất khẩu năm 2017 tăng  61,5% tương đương với hơn 35,5 tỷ USD cho thấy các DN Việt Nam đã khai thác hiệu quả lợi thế và tiềm năng của thị trường Trung Quốc, các sản phẩm hàng hóa Việt Nam ngày càng được khẳng định về chất lượng, đủ khả năng cạnh tranh với hàng của nước sở tại và những nước khác đang xuất hàng vào thị trường này. Tuy nhiên, các DN Việt Nam cần chú trọng công tác đăng ký thương hiệu tại thị trường Trung Quốc nhằm phục vụ công tác bảo vệ thương hiệu, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của DN Việt Nam tại thị trường Trung Quốc.

 Dù năng lực sản xuất hàng hóa và cạnh tranh của DN Việt đã được nâng tầm, nhưng theo ông, DN trong nước vẫn còn những điểm yếu gì cần phải thay đổi?

- Những năm gần đây, DN Việt hội nhập nhanh và khả năng sản xuất, kinh doanh cũng được nâng cao rõ rệt. Các DN lớn nắm bắt thị trường, giao dịch nhanh, ít gặp trở ngại nhưng những DN nhỏ vẫn còn một số khó khăn khi xuất nhập hàng từ thị trường trên là thiếu các quản lý, chuyên viên giỏi tiếng Trung Quốc nên gây cản trở lớn trong quá trình đàm phán giao dịch, liên hệ với khách hàng Trung Quốc. Do đó, theo tôi khi muốn đưa hàng hóa vào thị trường Trung Quốc các DN nên chú ý đào tạo những cán bộ, chuyên viên giỏi tiếng Trung Quốc để có trao đổi, giới thiệu hàng hóa với đối tác. Ngoài ra, trước khi muốn xuất khẩu hàng hóa vào nước này, các DN chú ý nghiên cứu thêm văn hóa, thị hiếu của họ cũng như các quy định về xuất nhập khẩu của Trung Quốc để khi bàn bạc hợp tác thuận lợi hơn.

 Nhiều DN, trang trại chăn nuôi trong nước cũng như  Đồng Nai rất trông đợi 2 nước sẽ ký kết để heo thịt Việt Nam có thể vào Trung Quốc theo đường chính ngạch. Việc này không biết đã tiến hành đến đâu?

- Thông tin tôi biết được đến thời điểm này thì 2 nước vẫn đang trong quá trình đàm phán nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc xuất khẩu heo thịt đáp ứng nhu cầu của thị trường này. Khi có những kết quả, những tín hiệu lạc quan trong việc đàm phán mở cửa thị trường đối với sản phẩm heo thịt xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc sẽ sớm thông tin để các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước được biết nhằm khai thác hiệu quả thị trường Trung Quốc.

 Xin cảm ơn ông!

Hương Giang (thực hiện)

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,003,776       1/566