Kinh tế

Ì ạch dự án nhà ở xã hội

Kế hoạch của tỉnh đặt ra trong giai đoạn 2016-2020 là sẽ hoàn thành 20 ngàn căn nhà ở xã hội, nhưng đến đầu năm 2018 mới đạt hơn 2.700 căn. Như vậy, trong gần 3 năm tới phải hoàn thành gần 17.300 căn nữa...

Kế hoạch của tỉnh đặt ra là trong giai đoạn 2016-2020 sẽ hoàn thành 20 ngàn căn nhà ở xã hội, nhưng đến đầu năm 2018 mới đạt hơn 2.700 căn. Như vậy trong gần 3 năm tới phải hoàn thành gần 17.300 căn nữa mới đạt kế hoạch đề ra. Nguyên nhân khiến các dự án nhà ở xã hội ì ạch là vì thiếu vốn đầu tư.

Khu nhà ở xã hội tại phường Bửu Long (TP.Biên Hòa).
Khu nhà ở xã hội tại phường Bửu Long (TP.Biên Hòa).

Theo Ban Chỉ đạo chính sách nhà ở và thị trường bất động sản tỉnh, Đồng Nai quy hoạch 90 dự án nhà ở xã hội song đến nay mới có 29 dự án hoàn thành, 38 dự án đang triển khai. Tỉnh cũng đã chuẩn bị 237 hécta đất công để giới thiệu cho nhà đầu tư làm nhà ở xã hội. Nếu thu hút được các doanh nghiệp đầu tư hiệu quả thì đến năm 2025 có thể đáp ứng nhu cầu nhà ở cho khoảng 300 ngàn người.

* Triển khai chậm chạp

Từ đầu năm 2017, các dự án nhà ở xã hội đang triển khai đều chựng lại vì Chính phủ chấm dứt gói vay ưu đãi 30 ngàn tỷ đồng, sau đó chuyển qua gói vay ưu đãi khác từ ngân hàng chính sách xã hội. Tuy nhiên, đến nay nguồn vốn cho ngân hàng chính sách xã hội vẫn chưa được phân bổ nên các doanh nghiệp đang đầu tư nhà ở xã hội đành phải chậm tiến độ, vì thiếu vốn đầu tư. Những doanh nghiệp đủ tiềm lực để thực hiện lại lo lắng nhà xây dựng xong, người lao động không được vay vốn ưu đãi để mua nhà thì nhà đầu tư cũng rất khó tiêu thụ sản phẩm.

Ở Đồng Nai, người lao động đến từ các tỉnh làm việc chủ yếu trong các khu công nghiệp của TP.Biên Hòa, các huyện Long Thành, Trảng Bom và Nhơn Trạch. Đây cũng là 4 khu vực có nhu cầu về nhà ở xã hội cao nhất. Bên cạnh đó, còn những đối tượng thu nhập thấp khác là cán bộ, nhân viên trong các cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang... cũng có nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn.

Ông Lại Thế Thông, Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh, cho biết: “Giữa năm 2017, Ban Kinh tế - ngân sách đi khảo sát tình hình nhà ở xã hội, đến nay đã hơn nửa năm nhưng những vướng mắc của doanh nghiệp đầu tư, địa phương căn bản vẫn chưa được giải quyết. Trong đó có nhiều địa phương vẫn chưa báo cáo được nhu cầu về nhà ở xã hội. Tuy nhà ở xã hội rất thiếu nhưng có một số doanh nghiệp đầu tư xong lại chưa thu hút được người lao động vào ở”.

Cũng theo ông Thông, sau 9 năm triển khai nhà ở xã hội nhưng đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa tổng hợp được số liệu cần thiết như làm được tất cả bao nhiêu căn, đáp ứng được bao nhiêu.

Ông Đỗ Thành Phương, Phó giám đốc Sở Xây dựng, cho hay: “Doanh nghiệp ngại tham gia các dự án nhà ở xã hội là vì vốn đầu tư lớn, khả năng thu hồi vốn chậm, hiệu quả đầu tư không cao, việc tiếp cận vốn ngân hàng khó khăn. Bên cạnh đó, do vốn ngân sách có hạn nên việc triển khai hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho dự án nhà ở xã hội chưa thực hiện cũng khiến nhà đầu tư gặp trở ngại”.

Đại diện nhiều địa phương trong tỉnh cũng cho biết quỹ đất công cho làm nhà ở xã hội đã có sẵn nhưng việc thu hút đầu tư rất khó vì không có nguồn vốn vay ưu đãi cho doanh nghiệp, từ đó đề nghị Chính phủ sớm phân bổ nguồn vốn vay ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư và người được xét mua nhà ở xã hội.

* Tìm cách gỡ khó

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, vướng mắc lớn nhất trong triển khai xây dựng nhà ở xã hội là thiếu nguồn vốn vay ưu đãi cho chủ đầu tư và người mua nhà. Vì thế các chủ đầu tư không mặn mà với dự án nhà ở xã hội. Vừa qua, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam có chính sách hỗ trợ vốn cho việc xây dựng nhà ở cho công nhân (một trong những đối tượng của nhà ở xã hội), tuy nhiên đến nay Liên đoàn Lao động tỉnh vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn này để triển khai vì chưa tìm được vị trí phù hợp để xây dựng. UBND tỉnh đã yêu cầu Liên đoàn Lao động tỉnh nhanh chóng tìm vị trí đất phù hợp tiến hành dự án nhà ở cho công nhân để tận dụng nguồn vốn hỗ trợ.

Theo đại diện của Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Đồng Nai, phía ngân hàng đã tập huấn sẵn cho cán bộ, nhân viên, chỉ còn chờ đợi nguồn vốn Trung ương rót về sẽ tiến hành cho doanh nghiệp, người lao động thu nhập thấp vay. Tuy nhiên, có khả năng nguồn vốn năm nay được bố trí không nhiều, chỉ vài chục tỷ đồng, trong khi nhu cầu vay vốn rất nhiều. Hiện nay, Đồng Nai đang có khoảng 300 tỷ đồng trong quỹ đầu tư phát triển nhà ở nhưng lại chưa cho vay được vì vướng về quy định.

“Các sở, ngành liên quan phải rà soát lại xem vì sao có sẵn 300 tỷ đồng nhưng lại không thể cho vay làm nhà ở xã hội được; tổng hợp nhanh tất cả những vướng mắc trình UBND tỉnh để xem xét xử lý, nếu thẩm quyền vượt quá khả năng của tỉnh thì sẽ trình Chính phủ tháo gỡ để sớm đưa nguồn vốn này vào hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người lao động có thu nhập thấp” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh chỉ đạo.

Nếu bài toán về vốn vay ưu đãi cho các dự án nhà ở xã hội gỡ được thì các dự án mới có thể đẩy nhanh tiến độ.

Hương Giang

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,003,155       1/566