Kinh tế

Doanh nghiệp vẫn "đói" thông tin

Mới đây, hơn 60 tham tán thương mại Việt Nam ở những thị trường trọng điểm trên thế giới đã về Việt Nam gặp gỡ DN trong nước để hỗ trợ những thông tin cần thiết về thị trường nước ngoài.

Các tham tán thương mại ở thị trường châu Á trao đổi với các doanh nghiệp.
Các tham tán thương mại ở thị trường châu Á trao đổi với các doanh nghiệp.

Đồng thời, các tham tán thương mại cũng tích cực làm cầu nối hỗ trợ các DN xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá sản phẩm để mở rộng thị trường xuất khẩu.

* Muốn cập nhật chính sách mới

Vấn đề các DN Việt trong ngành xuất, nhập khẩu hàng hóa quan tâm nhất là những chính sách mới, hàng rào kỹ thuật của quốc gia đang có giao dịch thương mại. Bởi những chính sách mới nếu liên quan đến xuất nhập khẩu mà không kịp thời nắm rõ để điều chỉnh sản xuất đáp ứng, hàng có thể sẽ bị trả lại gây thiệt hại nặng nề. Thời gian qua, không ít DN gặp khó khăn trong xuất khẩu hàng hóa vì không kịp thời biết những chính sách mới ban hành của nước sở tại để điều chỉnh.

Năm 2017, xuất nhập khẩu cả nước đạt hơn 425 tỷ USD, tăng 21% so với năm 2016 và gấp 3 lần so với chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra. Trong đó có 28 thị trường có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Năm 2018, dự kiến kim ngạch xuất khẩu tăng 7-8% so với năm trước đó. Các chuyên gia kinh tế nhận định năm nay xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục có mức tăng trưởng khá vì thị trường tiếp tục được mở rộng.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai, cho biết: “Nếu Thương vụ Việt Nam ở các nước cập nhật thông tin nhanh và thông báo cho DN, giúp có sự chuẩn bị trước thì khi xuất khẩu thuận lợi hơn”.

Trong hội nghị Tham tán thương mại các nước năm 2018  vào ngày 26-2, đại diện nhiều tỉnh, thành và các hiệp hội ngành hàng trong cả nước cũng đề xuất, khi có những chính sách mới sắp và đã ban hành các thương vụ nên sớm thông báo trên website của Bộ Công thương, các tỉnh, thành, truyền thông trong nước để DN biết sẽ tránh được nhiều tổn thất.

Ông Bùi Hữu Thêm, đại diện Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.Hồ Chí Minh, cho hay: “Hiệp hội có hơn 400 thành viên nằm ở các tỉnh, thành phía Nam. Mặt hàng gỗ đã xuất sang hầu hết những nước ở châu Âu, châu Á, châu Mỹ. Vấn đề DN cần nhất ở các thương vụ là dự báo thị trường ngắn hạn, dài hạn, những chính sách mới, rào cản của từng ngành hàng, sau đó mới đến hỗ trợ giới thiệu sản phẩm để mở rộng thị trường”.

Đại diện Hiệp hội Điều Việt Nam cho biết xuất khẩu điều của Việt Nam đứng thứ nhất trên thế giới và chiếm khoảng 60% giá trị xuất khẩu điều của toàn cầu. Tuy nhiên vướng mắc lớn của ngành điều vẫn là khó nắm được thông tin về các hàng rào kỹ thuật, chính sách mới ban hành và dự báo thị trường.

* Giao thương rộng khắp

Theo Bộ Công thương, Việt Nam đã giao dịch thương mại với hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, những thị trường Việt Nam có ký các hiệp định song phương, đa phương đều có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh. Năm 2017, lần đầu tiên xuất khẩu của Việt Nam vượt ngưỡng 200 tỷ USD. Điều này được đánh giá là có sự đóng góp rất lớn của các tham tán thương mại.

“Các tham tán thương mại không chỉ làm đầu mối kết nối thị trường cho các DN ở nước ngoài mà còn là vai trò đầu mối thông tin để tham mưu cho Chính phủ về xu hướng thương mại, liên kết kinh tế khu vực. Trong những cuộc đàm phán hiệp định thương mại, các thương vụ đã góp sức  để đàm phán để có lợi nhất cho đất nước và hỗ trợ DN khai thác lợi ích từ những hiệp định này”- Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho hay. Tuy nhiên, những mong đợi và kỳ vọng của DN với các thương vụ còn nhiều hơn nữa.

Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, cho rằng các thương vụ Việt Nam ngày càng chủ động nghiên cứu các ngành hàng để nắm bắt những thay đổi thông báo cho DN trong nước; với những thị trường lớn còn mời chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam trao đổi với DN về những quy định mới trong xuất nhập khẩu. Đưa các DN nước ngoài về Việt Nam kết nối với DN trong nước để quảng bá, mở rộng thị trường xuất khẩu. Do đó, xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu, châu Mỹ trong năm 2017 và 2 tháng đầu năm 2018 có mức tăng trưởng rất cao.

Giám đốc Sở Công thương Đồng Nai Dương Minh Dũng chia sẻ: “Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai đạt gần 17 tỷ USD, nhập khẩu gần 14,8 tỷ USD và xuất siêu gần 2,2 tỷ USD, bằng 80% xuất siêu của cả nước. Có được kết quả trên là do Đồng Nai làm tốt công tác xúc tiến thương mại ở những thị trường trọng điểm và liên tục mở rộng thị trường sang các nước mới để hàng hóa không bị lệ thuộc vào một vài thị trường lớn”. Hàng năm, Đồng Nai đều mời các tham tán thương mại từ những thị trường lớn và thị trường tiềm năng về gặp gỡ DN để trao đổi về những chính sách trong xuất nhập khẩu. Ngoài ra còn đưa các DN nước ngoài đang có nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam về gặp gỡ DN trong nước để hợp tác.

Hương Giang

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,999,808       1/1,803