Bà Trần Thị Sáu ở KP.3, phường Hố Nai (TP.Biên Hòa) là một trong ít người ở khu vực này còn giữ được nghề làm sợi hủ tiếu khô theo phương pháp truyền thống. Nghề làm sợi hủ tiếu khô ngày xưa ở phường Hố Nai khá phổ biến, nhiều gia đình sinh sống nhờ vào nghề này.
Bà Trần Thị Sáu (phường Hố Nai, TP.Biên Hòa) đang phơi sợi hủ tiếu. |
Tuy nhiên sau này do vất vả, thu nhập lại không cao nên nhiều người đã bỏ nghề để tìm công việc khác nhàn nhã và cho thu nhập cao hơn. Vì vậy, nghề làm sợi hủ tiếu khô dần mai một, những hộ còn giữ nghề dần thay đổi bằng cách đưa máy móc vào sản xuất, giảm công lao động, tăng năng suất và hạ giá thành. Những người còn giữ lại phương pháp làm sợi hủ tiếu khô truyền thống không còn nhiều.
Bà Sáu kể bà học và biết làm sợi hủ tiếu khô từ năm 9 tuổi, đến nay được gần 60 năm. Nghề này do bà và mẹ truyền lại cho, nên khi lập gia đình bà chọn làm kế sinh nhai. Làm sợi hủ tiếu theo phương pháp truyền thống phải thức từ lúc 2 giờ sáng để tráng bánh, đến 6 giờ sáng kịp mang ra phơi nắng ban mai. Đến 9-10 giờ thì thu bánh vào vẩy nước, ủ khoảng 1 giờ cho bánh mềm lại rồi mới thái thành sợi và đem phơi tiếp khoảng 3 tiếng là được. Lúc này, người làm mới thu sợi hủ tiếu lại, đóng gói và giao cho khách. Vào những ngày trời nắng, sợi hủ tiếu làm ra sẽ dai và ngon hơn. Ngày mưa không phơi được, có ngày bà Sáu phải bỏ đến vài chục ký hủ tiếu. Theo bà Sáu, sợi hủ tiếu làm theo cách truyền thống ngon hơn nhiều so với làm bằng máy móc nên thường được các đại lý, nhà hàng đặt hàng trước, đầu ra rất thuận lợi. Vào dịp tết, nhiều đại lý sẵn sàng trả với giá cao hơn so với sợi hủ tiếu làm bằng máy móc để có hàng.
Bà Sáu cho hay: “Có những khách hàng gắn bó với tôi 40-50 năm, từ thời họ rồi đến con cháu họ vẫn lấy hàng của tôi để bán. Nghề này tuy vất vả, thu nhập chỉ hơn 100 ngàn đồng/ngày nhưng tôi vẫn muốn làm vì gắn bó với tôi từ nhỏ. Tuy không cho gia đình tôi được cuộc sống khá giả nhưng cũng giúp tôi ổn định”.
Bà Sáu giữ nghề còn vì ký ức về tuổi thơ của bà đều tràn ngập những kỷ niệm theo bà, mẹ dậy sớm đốt lò, quấy bột, tráng bánh, phơi bánh trong ánh nắng tinh khôi của buổi sớm và phơi sợi hủ tiếu giữa cái nắng gay gắt của buổi trưa. Bà Sáu cho biết khi còn sức khỏe, bà vẫn tiếp tục làm nghề này và sẽ giữ nguyên cách làm thủ công để cho ra lò những mẻ sợi hủ tiếu thơm ngon. Bà tự hào kể sợi hủ tiếu do mình làm đã nhiều lần được khách về mua đưa ra nước ngoài. Đây là một trong những niềm vui nho nhỏ giúp bà gắn bó với nghề hơn.
Khánh Minh