Kinh tế

Đồng hành với nông dân trong hội nhập

Kết quả nổi bật của nhiệm kỳ qua, Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo, lãnh đạo Hội Nông dân các cấp triển khai đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương...

TIN LIÊN QUAN
hong trào do Hội Nông dân các cấp phát động phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, có sức lan tỏa lớn.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của Đồng Nai tại đại hội.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của Đồng Nai tại đại hội.

Trong nhiệm kỳ mới, nông dân tiếp tục là chủ thể trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Nhiều mục tiêu, kỳ vọng được đặt ra trong nhiệm kỳ mới đều tập trung vào nội dung đồng hành cùng nông dân bước vào hội nhập.

* Bà Hoàng Thị Bích Hằng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh: Hỗ trợ nông dân chủ động hội nhập

Với tinh thần đoàn kết, hợp tác, hội nhập và phát triển, nhiệm vụ đề ra trong nhiệm kỳ mới là xây dựng Hội Nông dân tỉnh ngày càng vững mạnh. Hội Nông dân các cấp sẽ tập trung củng cố bộ máy, nâng cao trình độ cán bộ hội nhằm đáp ứng được những yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Trong công tác Hội chú trọng phối hợp với 4 nhà: nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và ngân hàng để có nhiều hoạt động hỗ trợ cho nông dân trong sản xuất như: tăng cường công tác phối hợp và chuyển giao khoa học - kỹ thuật; hỗ trợ về vốn; liên kết với doanh nghiệp hỗ trợ nông dân sản xuất an toàn gắn với tiêu thụ hướng đến thị trường xuất khẩu... Hội cũng chú trọng đổi mới nội dung, phương thức sinh hoạt tại chi, tổ, Hội theo hướng gắn với nhu cầu thực tế của nông dân nhằm tập hợp được nhiều nông dân tham gia tổ chức Hội. Tăng cường công tác giám sát và phản biện xã hội để bảo vệ quyền và lợi ích của bà con nông dân.

Bà Lương Thị Cẩm Nhung, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Hòa (TP.Biên Hòa): Phát triển nông nghiệp đô thị

Sản xuất nông nghiệp tại thành phố lớn gặp nhiều khó khăn do nông dân không có đất lập vườn, không được chăn nuôi trong khu dân cư. Chuyển đổi nghề cũng không đơn giản vì hiện đa số nông dân là lớp người lớn tuổi, chủ yếu là sản xuất nhỏ lẻ.

Trong nhiệm kỳ mới, Hội sẽ tập trung giới thiệu đến nông dân những mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị như: mô hình trồng lan, bonsai, trồng nấm, rau sạch hoặc mô hình chăn nuôi không ô nhiễm môi trường như nuôi nhím, nuôi trồng thủy sản... Chúng tôi không áp đặt cho hội viên mà giới thiệu đa dạng các mô hình phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương để nông dân lựa chọn. Vai trò của Hội là tập trung hỗ trợ cho nông dân tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi; tiếp cận kỹ thuật mới trong sản xuất.

Ông Vũ Văn Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện Tân Phú: Chuyển đổi sản xuất đúng quy hoạch

Tân Phú đang chạy nước rút nhằm đạt mục tiêu huyện nông thôn mới trong năm 2018. Tuy là huyện miền núi còn nhiều khó khăn nhưng nông dân vẫn hết lòng ủng hộ phong trào xây dựng nông thôn mới chính nhờ sự nhiệt huyết của đội ngũ cán bộ Hội các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động. Nhiều xã vùng sâu như: Đắc Lua, Phú Xuân... nông dân vẫn hiến hàng chục ngàn mét vuông đất, hàng trăm triệu đồng... để làm đường nông thôn và nhiều công trình khác. Về chuyển đổi sản xuất cũng đã có những thay đổi rõ rệt. Cụ thể, những vùng trồng lúa kém hiệu quả được chuyển đổi hình thành vùng trồng dâu nuôi tằm, trồng các loại cây đặc sản như: sầu riêng, bưởi da xanh...

Nhiệm kỳ mới, Hội Nông dân huyện chỉ đạo cho các cấp cơ sở tập trung tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi cây trồng phải đúng theo quy hoạch. Hỗ trợ nông dân tiếp cận khoa khọc - kỹ thuật mới; đưa máy móc vào thay cho sức người trong sản xuất; xây dựng chuỗi liên kết bao tiêu nông sản cho nông dân...

Ông Phạm Thanh Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước An (huyện Nhơn Trạch): Đồng hành cùng nông dân nuôi tôm công nghệ cao

Khoảng 2 năm trở lại đây, mô hình nuôi tôm công nghệ cao phủ bạt đáy ao, phủ lưới mặt ao mới bắt đầu được nhân rộng trong xã Phước An. Điều thuận lợi là người đi đầu ứng dụng mô hình này là một cán bộ Chi hội Nông dân tại địa phương; doanh nghiệp cũng quan tâm công tác chuyển giao kỹ thuật mới cho nông dân... Nhờ đó, từ vài hộ tham gia, qua một thời gian ngắn, Phước An đã có khoảng 20 hộ ứng dụng kỹ thuật nuôi tôm công nghệ cao.

Thuộc lớp cán bộ trẻ của Hội Nông dân, tôi cũng gặp khó khăn vì không dễ tạo được niềm tin khi tiếp cận với lớp nông dân lớn tuổi. Nhưng với sự năng động, chịu khó bám cơ sở, tiếp cận và giới thiệu đến nông dân những kỹ thuật mới, mô hình hay thì nông dân sẽ tin theo.

Xã Phước An nằm trong quy hoạch phát triển dự án nuôi tôm công nghệ cao. Có thể thấy, vai trò của Hội thể hiện rõ nhất trong công tác vận động nông dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và làm cầu nối giúp nông dân tiếp cận công nghệ, kỹ thuật mới; tiếp cận được nguồn vốn để chuyển đổi đầu tư…

Ông Phan Văn Minh, chủ trang trại tại xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu): Mong được hỗ trợ làm chứng nhận cho nông sản sạch

Trang trại rộng 15 hécta trồng nhiều loại trái cây đặc sản như: quýt đường, cam sành, bưởi da xanh, sầu riêng…của tôi được tổ chức sản xuất, kiểm soát chặt chẽ theo mô hình trang trại xanh của các nước hiện đại. Tôi là người đam mê sáng chế nên tự chế tạo, cải tiến nhiều loại máy móc, dụng cụ nông nghiệp. Mô hình độc, lạ của trang trại được tôi xây dựng là hệ thống tưới nước tự động dùng cối xay gió; nuôi dơi lấy phân bón cho cây trồng.

Thời gian qua, Hội Nông dân làm được nhiều điều cho nông dân. Trong đó, tôi đánh giá cao là gần đây, Hội Nông dân tổ chức cho nông dân đi nước ngoài để học tập, tiếp cận công nghệ, kỹ thuật mới trong sản xuất; tham quan chợ đầu mối để học quy trình tiêu thụ nông sản của các nước.

Kỳ vọng về hoạt động Hội trong nhiệm kỳ mới, nông dân chúng tôi mong được hỗ trợ để sản phẩm nông nghiệp an toàn truy xuất được nguồn gốc, xây dựng được thương hiệu để có thể cạnh tranh được với nông sản các nước cả ở thị trường nội địa và xuất khẩu.

TS.Nguyễn Hữu Trí, Trưởng phòng Nghiên cứu Công ty cổ phần phát triển nông nghiệp công nghệ cao Nấm Vàng (TP.Hồ Chí Minh): Liên kết nông dân trồng nấm dược liệu

Thị trường Việt Nam còn sơ khai với dòng sản phẩm nấm dược liệu có giá trị kinh tế cao. Đồng Nai nằm cạnh TP.Hồ Chí Minh, lại có những vùng trồng nấm truyền thống là nền tảng rất tốt để đầu tư nuôi trồng và phát triển thị trường cho dòng nấm dược liệu. Doanh nghiệp mong muốn mở rộng hợp tác với nông dân địa phương trong phát triển dòng sản phẩm này. Chúng tôi sẵn sàng chuyển giao cho nông dân về giống, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, hỗ trợ nông dân trong tiêu thụ.

Tuy nhiên, thị trường của dòng nấm dược liệu này là ở phân khúc trung, cao cấp nên phải ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để tạo ra sản phẩm đạt chuẩn về chất lượng. Nông dân muốn đầu tư cần chuẩn bị về nguồn vốn và nhất là phải trang bị đầy đủ kiến thức sản xuất chuyên sâu chứ không nên chạy theo phong trào.

Bình Nguyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,138,097       5/1,200