Kinh tế

Hơn 40 năm giữ nghề điêu khắc đá

Nghề điêu khắc đá ở Biên Hòa nổi danh cả trăm năm nay. Tuy nhiên những năm gần đây, nghề này dường như đang bị mai một. Mặc dù vậy, ông Ôn Văn Xuân (ở KP.3, phường Bửu Long, TP.Biên Hòa). Một trong số ít thợ giỏi điêu khắc đá đã theo nghề hơn 40 năm, vẫn khắc khoải mong muốn giữ và truyền nghề.

Ông Ôn Văn Xuân (KP.3, phường Bửu Long TP.Biên Hòa) đang tạo hình cho đá. Ảnh: H. Giang
Ông Ôn Văn Xuân (KP.3, phường Bửu Long TP.Biên Hòa) đang tạo hình cho đá. Ảnh: H. Giang

Theo lời ông Xuân, gia đình ông có đến 3 đời làm nghề điêu khắc đá, bắt đầu từ ông nội rồi đến cha và truyền lại cho ông. Năm ông 14 tuổi đã bắt đầu tay búa, tay đục theo cha đi điêu khắc đá cho các đình, chùa và những gia đình mê đá cảnh. Vốn có đôi bàn tay khéo léo cộng với niềm đam mê tạo hình từ đá, chỉ sau 3 năm ông Xuân thành thục với nghề và có thể tự mình làm ra những tác phẩm từ đá như: tạo tượng các loại, tạo hình và khắc chữ thư pháp...

Ông Xuân cho hay: “Nghề điêu khắc đá rất cực, chỉ những ai yêu nghề mới sống cùng nghề được. Hiện nay, rất ít người trẻ muốn theo nghề vì thu nhập không cao, môi trường làm việc khắc nghiệt, ngày ngày phải chịu bụi đá mịt mù. Những năm gần đây, nghề điêu khắc đá đã có máy móc làm thay một số công đoạn nên giảm được công lao động nhưng nhiều khâu vẫn phải làm thủ công thì sản phẩm mới giữ nét tinh xảo riêng”.

Trong cuộc đời làm nghề của mình, ông Xuân tạo ra hàng ngàn tác phẩm khác nhau, mỗi tác phẩm đá đều được ông “thổi” hồn tạo ra những nét đặc trưng riêng chỉ có ở làng nghề điêu khắc đá Bửu Long. Tuy không nhớ hết được những tác phẩm mình đã làm, nhưng mỗi tác phẩm khi thực hiện ông đều dồn hết tâm tư và tài hoa của mình vào trong đó. Nhiều người tìm đến ông là vì ngưỡng mộ muốn có một tác phẩm điêu khắc đá Bửu Long để trưng trong nhà thờ tổ, trong sân vườn, trước nhà, trước cổng... Ông Xuân chia sẻ: “Mỗi lần hoàn thành tác phẩm và giao cho khách, thấy họ hài lòng tôi rất phấn chấn. Bởi mình đã góp sức giữ lại nghề truyền thống và làm cho những người mê điêu khắc đá Bửu Long thỏa trí”.

Trong cuộc đời làm nghề, ông Xuân tâm đắc nhất là tác phẩm 18 vị La Hán làm cho chùa Bửu Phước (ở xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu). Phải đến tận nơi chiêm ngưỡng từng bức tượng mới thấy hết được nét đặc sắc trong tạo hình của ông.

Dù đã đến tuổi có thể nghỉ ngơi, nhưng ông Xuân vẫn ngày ngày gắn bó với nghề. Ông cho biết: “Chỉ khi nào không còn sức khỏe để làm tôi mới nghỉ”. Ông sẵn sàng truyền nghề cho những ai muốn học hỏi và trở thành thợ điêu khắc đá. Năm 2012, ông đã vinh dự được tỉnh tặng danh hiệu Thợ giỏi điêu khắc đá. Đây vừa là niềm tự hào cũng chính là sự ghi nhận ông Xuân là một trong những người đã có công giữ lại nghề truyền thống với những nét văn hóa của Biên Hòa với bề dày lịch sử 320 năm.

Hương Giang

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,133,462       1/825