Kinh tế

Chung tay hạn chế rác thải nhựa

Vừa qua, nhiều siêu thị, cửa hàng đã sử dụng vật liệu dễ tiêu hủy hoặc tái chế, túi đựng và ly dùng nhiều lần hay thay các loại ống hút nhựa bằng ống hút cỏ bàng, ống hút giấy... để góp phần hạn chế rác thải.

Trong thời gian vừa qua, nhiều siêu thị, cửa hàng đã áp dụng các phong trào như: sử dụng vật liệu dễ tiêu hủy hoặc tái chế, túi đựng và ly dùng nhiều lần hay thay các loại ống hút nhựa bằng ống hút cỏ bàng, ống hút giấy... để góp phần hạn chế rác thải. Tuy nhiên, thực tế cho thấy phần lớn người tiêu dùng vẫn giữ thói quen sử dụng túi ny-lông và sản phẩm bao bì nhựa.

Khách hàng chọn mua rau được gói bằng lá chuối tại Co.opmart Biên Hòa. Ảnh: Hải Quân
Khách hàng chọn mua rau được gói bằng lá chuối tại Co.opmart Biên Hòa. Ảnh: Hải Quân

TIN LIÊN QUAN
Do đó, để xây dựng tư duy, thói quen “tiêu dùng xanh”, hạn chế rác thải nhựa cần một quá trình, kế hoạch dài hơi với sự chung tay từ cộng đồng, những doanh nghiệp, đơn vị, nhà bán lẻ... cũng như những chính sách khuyến khích của Chính phủ dành cho các đơn vị, cá nhân có ý thức bảo vệ môi trường, hạn chế nhựa và túi ny-lông...

* Không dễ thay đổi thói quen

Tại lễ ra quân toàn quốc chống rác thải nhựa do Bộ Tài nguyên - môi trường tổ chức vào đầu tháng 6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã kêu gọi nhà nhà hạn chế rác thải nhựa, người người phòng chống ô nhiễm rác thải nhựa; phấn đấu đến năm 2021 các cửa hàng, các chợ, siêu thị ở đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần; đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần.

Việc sử dụng túi ny-lông, các loại ly, ống hút nhựa... đang rất phổ biến hiện nay, đặc biệt là các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Đặc tính bền, khó phân hủy đã khiến cho rác thải từ các sản phẩm này đã và đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Rác thải nhựa đang tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.

Theo Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), tại Việt Nam ước tính có 1,8 triệu tấn chất thải nhựa được tạo ra mỗi năm, trong khi lượng nhựa tiêu thụ ước tăng 16-18%/năm. Các loại nhựa sử dụng một lần phổ biến nhất được tìm thấy trong môi trường là nắp - chai nhựa, giấy gói thực phẩm, túi, ống hút...

Tại Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng, việc sử dụng các sản phẩm từ nhựa, túi ny-lông rất nhiều. Đặc biệt trong mua sắm, phần lớn người tiêu dùng có thói quen sử dụng nhiều túi ny-lông và các bao bì làm từ nhựa bởi sự tiện lợi, giá thành rẻ...

Chị Tố Uyên (thị trấn Tân Phú, huyện Tân Phú) cho hay: “Khi đi chợ, tôi vẫn thường sử dụng các loại túi ny-lông thay cho giỏ xách để đựng đồ, kể cả đối với các loại thực phẩm tươi sống như: thịt, cá... vì tiện dụng, dễ treo ở xe máy”.

Việc sử dụng túi ny-lông vẫn còn phổ biến ở các chợ. Trong ảnh: Người dân sử dụng túi ny-lông để đựng các loại rau củ, thực phẩm khi mua bán hàng ở chợ Biên Hòa. Ảnh: Lam Phương
Việc sử dụng túi ny-lông vẫn còn phổ biến ở các chợ. Trong ảnh: Người dân sử dụng túi ny-lông để đựng các loại rau củ, thực phẩm khi mua bán hàng ở chợ Biên Hòa. Ảnh: Lam Phương

Để bắt kịp với xu hướng đồ uống mang đi, đáp ứng sự tiện lợi, gọn nhẹ và dễ dàng quảng bá thương hiệu, hầu hết các cửa hàng kinh doanh đồ uống trên địa bàn tỉnh đã không còn sử dụng ly thủy tinh mà thay vào đó là ly nhựa có gắn logo thương hiệu.

Chủ một chuỗi cửa hàng trà sữa ở TP.Biên Hòa cho biết, trung bình mỗi ngày, mỗi cửa hàng trà sữa của anh tiêu thụ khoảng 500-600 ly nhựa kèm theo túi
ny-lông. Nguyên nhân anh lựa chọn ly nhựa là do đa số người mua mang đi nên cần tiện lợi, nhanh và giá thành bao bì rẻ... Trong khi giá thành cho các loại ly, bao bì bằng giấy thân thiện với môi trường lại thường cao gấp đôi giá ly nhựa, túi ny-lông.

* Chi phí cho bao bì “sạch” cao

Mới đây, khi phát biểu tại phiên họp về khí hậu - môi trường của Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka (Nhật Bản), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh rằng rác thải nhựa làm suy thoái nghiêm trọng hệ sinh thái biển, là vấn đề cấp bách toàn cầu; đề nghị các nước chung tay xây dựng các thể chế, quy định về biển và đại dương nhằm kiểm soát, giảm thiểu và ngăn ngừa rác thải nhựa biển. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng nêu sáng kiến về thúc đẩy hình thành mạng lưới toàn cầu về chia sẻ dữ liệu biển - đại dương và tiến tới Khuôn khổ toàn cầu về ngăn ngừa rác thải nhựa biển vì các đại dương xanh.

Từ đầu tháng 4, nhiều siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh bắt đầu áp dụng việc dùng lá chuối để gói một số nông sản thay cho túi ny-lông. Một số doanh nghiệp, cửa hàng còn vận động khách hàng loại bỏ ống hút nhựa, sử dụng các khay đựng thực phẩm bằng bã mía... Hiện nay, các chương trình này vẫn đang áp dụng nhưng cũng gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Trang Phúc, Tổ trưởng Tổ Marketing của Co.opmart Biên Hòa, siêu thị đã áp dụng gói các loại rau bằng lá chuối. Yêu cầu lá chuối được chọn lựa kỹ, đảm bảo không bị tồn dư các chất bảo vệ thực vật. Từ đó, chi phí từ khâu tìm mua lá, phân loại, sơ chế... sẽ tăng thêm nhưng giá cả các sản phẩm vẫn phải được giữ nguyên.

Tuy nhiên, việc sử dụng lá chuối gói hàng đa phần áp dụng cho các loại rau, trong khi các sản phẩm khác vẫn khó áp dụng. Giữa tháng 7, Co.opmart Biên Hòa dự kiến sẽ tiếp tục áp dụng thêm việc sử dụng túi giấy cho các sản phẩm may mặc...

Bên cạnh đó, trước những mối nguy hại của rác thải nhựa đối với môi trường sống, một số quán cà phê, trà sữa tại TP.Biên Hòa đã chuyển qua sử dụng ống hút cỏ bàng, ống hút tre và ly thủy tinh thay thế toàn bộ ống hút và ly nhựa.

Chị Huỳnh Phương Khanh, quản lý quán trà, cà phê Herbea (đường Võ Thị Sáu, TP.Biên Hòa) cho biết, để góp phần thay đổi nhận thức, thói quen sử dụng vật liệu nhựa của giới trẻ, dù chi phí đắt hơn nhưng quán vẫn sử dụng ống hút làm bằng cỏ bàng (loại cỏ tự nhiên có nhiều ở các tỉnh miền Tây) và các loại bình thủy tinh có thể dùng lại nhiều lần. Giá của một chiếc ống hút cỏ bàng từ 600 đến 1 ngàn đồng, cao hơn rất nhiều so với sử dụng ống hút nhựa bình thường...

Không chỉ đối với các đơn vị cung ứng sản phẩm, dịch vụ mà các nhà sản xuất cũng ngày càng chú trọng đến cải tiến bao bì sản phẩm thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này đòi hỏi thay đổi công nghệ, đầu tư chi phí đầu vào cao hơn.

Lãnh đạo một công ty sản xuất sữa ở TP.Biên Hòa cho hay, công ty vừa tung ra thị trường dòng sản phẩm sữa tiệt trùng với bao bì bằng giấy. Việc thay đổi bao bì này đòi hỏi sự đồng bộ trong việc đổi mới công nghệ sản xuất hiện đại cũng như đảm bảo nguồn nguyên liệu sạch, đáp ứng tiêu chuẩn cao hơn trước đây.

* Cần có sự đồng bộ

Ông Nguyễn Lê Cao Tuấn, Giám đốc của Lotte Mart Đồng Nai cho biết, Lotte Mart Đồng Nai thường xuyên cung cấp các loại túi thân thiện với môi trường với nhiều chương trình ưu đãi tích điểm, tuy nhiên, lượng người sử dụng các lại túi này chưa được như kỳ vọng. Đa số người tiêu dùng vẫn có thói quen sử dụng các loại túi ny-lông vì có thể dùng nhiều mục đích, độ bền cao, ít bị rách... Do đó, để thay đổi thói quen sử dụng túi ny-lông của người dân cần có thời gian với nhiều chương trình tuyên truyền, khuyến khích hơn nữa.

Ông Phạm Gia Hải, Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Đồng Nai cho hay, để thúc đẩy xu hướng tiêu dùng “xanh”, hạn chế sử dụng các loại túi ny-lông, bao bì nhựa dùng 1 lần... các đơn vị sản xuất - kinh doanh phân phối, bán lẻ cần chú trọng nhân rộng các mô hình hướng đến tiêu dùng “xanh”, chương trình ưu đãi giá, tăng cường tiêu thụ, quảng bá sản phẩm theo hướng vì môi trường, vì cộng đồng.

Đồng thời, cần xây dựng lộ trình thay thế phù hợp đối với các loại túi ny-lông, bao bì nhựa sử dụng 1 lần, tạo thêm nhiều trào lưu thân thiện với môi trường, sức khỏe của người tiêu dùng để nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường.

Hải Quân

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,125,533       9/835