Kinh tế

Làm nông sản cho thị trường xuất khẩu

Công ty TNHH Kim Đồng Thuận (xã Phú Điền, huyện Tân Phú) là chủ đầu tư dự án cánh đồng lớn cây lúa tại xã Phú Điền và một số dự án sản xuất rau quả sạch ở Đồng Nai và nhiều tỉnh, thành khác. Chủ doanh nghiệp này là chị Trần Thị Kim Nhung, nữ giám đốc trẻ với khát vọng làm nông sản sạch xuất khẩu.

Chị Trần Thị Kim Nhung thăm dự án trồng rau quả sạch trong nhà màng do doanh nghiệp liên kết với nông dân thực hiện tại huyện Cẩm Mỹ. Ảnh: B.Nguyên
Chị Trần Thị Kim Nhung thăm dự án trồng rau quả sạch trong nhà màng do doanh nghiệp liên kết với nông dân thực hiện tại huyện Cẩm Mỹ. Ảnh: B.Nguyên

* Đầu tư sản xuất lớn

Trước khi quyết định làm ăn riêng, chị Trần Thị Kim Nhung từng làm việc cho một số doanh nghiệp xuất khẩu nông sản tại TP.Hồ Chí Minh. Theo chị Nhung: “Nhờ những năm làm việc này, tôi am hiểu hơn về các vùng nông sản, hoạt động sản xuất của nông dân qua đó thấy được hạn chế lớn nhất là tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ nên mất cơ hội tham gia thị trường xuất khẩu”.

Chính từ những trăn trở này, chị Nhung đã hợp tác với Hợp tác xã Kim Đồng Thuận thành lập Công ty TNHH Kim Đồng Thuận đầu tư dự án cánh đồng lớn cho cây lúa và một số sản phẩm nông sản khác đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu. Chị Nhung chia sẻ: “Với những dự án cánh đồng lớn, doanh nghiệp đã xây dựng được quy trình sản xuất an toàn, hạn chế tình trạng sử dụng phân thuốc hóa học chuyển sang sử dụng thuốc sinh học”.

Chị Nhung cho biết, ngoài địa bàn Đồng Nai, doanh nghiệp còn liên kết với nông dân miền Tây, Lâm Đồng làm các sản phẩm nông sản cà phê, rau quả sạch cung cấp cho thị trường xuất khẩu. Theo nữ giám đốc trẻ này: “Đầu tư vào sản xuất nông nghiệp còn nhiều rủi ro. Có dự án, doanh nghiệp thất bại vì khó xây dựng được liên kết bền vững với nông dân”. 

* Cơ hội lớn từ nông nghiệp sạch

Tuy gặp không ít khó khăn nhưng chị Nhung vẫn kiên trì chọn hướng đầu tư vào sản xuất nông sản sạch. Chị Nhung chia sẻ: “Doanh nghiệp từng có những đơn hàng xuất khẩu gạo sạch vào thị trường Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)... Tuy mỗi nước đặt ra yêu cầu về loại gạo, tiêu chuẩn chất lượng khác nhau nhưng chúng tôi đều đáp ứng được vì đã xây dựng được quy trình chuẩn sản xuất an toàn”.

Phân tích lợi ích của hướng sản xuất an toàn, chị Nhung dẫn chứng: “Doanh nghiệp hướng dẫn nông dân dùng nước giã củ tỏi, một số loại lá cây, hạt cây hoặc thiên địch để chống sâu, bệnh... Do không độc hại nên có thể phun xịt thường kỳ để phòng sâu bệnh. Nhờ đó, cây trồng không bị ảnh hưởng năng suất do sâu bệnh, chi phí lại rẻ hơn nhiều so với thuốc hóa học”.

Cũng theo chị Nhung, hiện nay đang là thời cơ chín muồi cho thị trường nông sản an toàn. Từ chỗ người tiêu dùng không mấy quan tâm đến nay, từ hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm đến cả sạp hàng ngoài chợ đều nở rộ phong trào bán thực phẩm sạch. Người tiêu dùng đã có thói quen sử dụng thực phẩm an toàn và sẵn sàng trả giá cao để mua nông sản hữu cơ.

Hai năm qua, doanh nghiệp đã phát triển được hệ thống đại lý bán gạo và nông sản sạch tại nhiều thị trường lớn như: TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu... và có nhiều hợp đồng xuất khẩu nông sản đi các nước.                           

      Bình Nguyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,125,419       14/835