Kinh tế

"Phượt thủ" nhặt rác trên núi Chứa Chan

Là ngọn núi cao thứ 2 ở Đông Nam bộ, núi Chứa Chan (thuộc địa bàn huyện Xuân Lộc) đang là điểm hẹn chinh phục, trải nghiệm tuyệt vời của các bạn trẻ trong và ngoài tỉnh. Nhiều "phượt thủ" vừa tham quan, khám phá vẻ đẹp của rừng núi, vừa nhặt sạch rác trên đường đi góp phần giữ cho môi trường trên núi Chứa Chan luôn sạch đẹp.

Là ngọn núi cao thứ 2 ở Đông Nam bộ, núi Chứa Chan (thuộc địa bàn huyện Xuân Lộc) đang là điểm hẹn chinh phục, trải nghiệm tuyệt vời của các bạn trẻ trong và ngoài tỉnh. Nhiều “phượt thủ” vừa tham quan, khám phá vẻ đẹp của rừng núi, vừa nhặt sạch rác trên đường đi góp phần giữ cho môi trường trên núi Chứa Chan luôn sạch đẹp.

Một nhóm “phượt thủ” mang rác từ trên đỉnh núi Chứa Chan xuống
Một nhóm “phượt thủ” mang rác từ trên đỉnh núi Chứa Chan xuống

Trong những năm gần đây, Khu di tích lịch sử - danh thắng núi Chứa Chan đón tiếp rất đông lượng khách đến tham quan, kéo theo lượng rác thải ra tại khu vực này rất nhiều, đặc biệt là rác do lượng khách đi cắm trại, ăn uống sinh hoạt qua đêm bỏ lại trên đỉnh núi.

* Hành động đẹp

Chị Nguyễn Thị Uyên, sinh viên Trường đại học sư phạm TP.Hồ Chí Minh thường xuyên đi phượt cùng bạn bè trên núi Chứa Chan vào những kỳ nghỉ hè hoặc cuối tuần. Chị Uyên chia sẻ, sáng sớm, đỉnh núi Chứa Chan có thể ví như Sapa tại Đồng Nai, mây phủ dày đặc, ngồi trên các mỏm đá cao nhìn xuống đồng bằng cảm giác rất phiêu bồng. Cắm trại qua đêm trên núi là một trải nghiệm tuyệt vời, không thể lãng phí của một thời tuổi trẻ.

Núi Chứa Chan có độ cao 837m so với mực nước biển, có nhiều hang sâu, vách đá dựng đứng, xếp ken với nhau vô cùng kỳ vĩ. Những hang đá sâu ấy là nơi phát nguyên của các dòng suối quanh năm trong mát như: Gia Liêu, Gia Miên, Gia Ui, Gia Lào. Lưng chừng núi còn có nhiều “giếng tiên”, là những hốc đá chứa nước quanh năm không bao giờ cạn, nơi thợ rừng thường tìm đến lấy nước uống. Những năm gần đây, nhiều “phượt thủ” tìm đến để chinh phục sự kỳ vĩ của ngọn núi này.

“Tuy nhiên, khi lên núi cả nhóm đều bất ngờ, vì không ai nghĩ rằng, ở độ cao hơn 800m lại nhiều rác đến thế. Rác do các đoàn cắm trại trước đó để lại, toàn là túi ny-nông, hộp nhựa, ly nhựa đựng thức ăn, nước uống nên cả nhóm phượt của tôi quyết định gom một phần rác này xuống núi” - chị Uyên cho biết.

Tương tự, nhóm phượt của anh Đặng Trung Hiếu (nhóm sinh viên Trường đại học Đồng Nai, TP.Biên Hòa) cũng thường xuyên nhặt rác trên núi Chứa Chan. Anh Hiếu chia sẻ, anh cùng nhóm bạn đến núi Chứa Chan không chỉ để vui chơi dã ngoại vào cuối tuần mà còn muốn làm một việc gì đó ý nghĩa để bảo vệ môi trường trên núi.

Do vậy, khi đến núi Chứa Chan, ngoài việc chuẩn bị lều trại, đồ ăn thức uống cần thiết thì một thứ mà các thành viên trong nhóm phượt của anh Hiếu không thể quên đó là bao đựng rác. Trước khi nhổ trại, các bạn của anh sẽ cùng nhau thu gom tất cả rác thải nơi họ cắm trại; đồng thời sẽ nhặt thêm số rác trên đường đi xuống núi.

Còn với nhóm phượt của anh Lê Viết Dương (ở TP.Biên Hòa) thì việc nhặt rác trên núi Chứa Chan cũng là một niềm vui vì đã góp phần làm sạch môi trường của ngọn núi có nhiều cảnh sắc thú vị này. Các bạn trẻ trong nhóm có hẳn một câu slogan để hưởng ứng việc làm ý nghĩa này, đó là: “Leo núi chán chưa, mang rác về hết chán”.

Anh Dương cho biết: “Trong thời gian tới, ngoài việc nhặt rác trên núi, chúng tôi cũng có ý tưởng sẽ thực hiện việc mang cây rừng trồng trên các khu đồi trọc. Đồng thời cắm bảng nhắc nhở không xả rác, không sử dụng lửa bừa bãi tại nơi cắm trại. Với mong muốn, các bạn trẻ ý thức hơn với việc bảo vệ môi trường”.

* Giữ núi Chứa Chan sạch đẹp

Bà Lê Thơ, Phó ban điều hành Khu du lịch cáp treo núi Chứa Chan cho hay, trong thời gian qua, đơn vị tiếp nhận rất nhiều rác của các bạn trẻ nhặt từ đỉnh núi chuyển xuống để xử lý, mỗi tuần có từ 2-3 nhóm.

Một nhóm “phượt thủ” mang rác từ trên đỉnh núi xuống tập kết tại ga trên của cáp treo núi Chứa Chan
Một nhóm “phượt thủ” mang rác từ trên đỉnh núi xuống tập kết tại ga trên của cáp treo núi Chứa Chan

“Điểm rất ấn tượng là rác đã được các bạn phân loại sẵn, chúng tôi chỉ việc chuyển từ ga trên xuống ga dưới rồi bàn giao cho đơn vị thu gom rác thải tập trung. Để khuyến khích việc làm ý nghĩa này, Ban điều hành Khu du lịch cáp treo núi Chứa Chan cũng hỗ trợ các bạn chỗ nghỉ ngơi, vệ sinh” - bà Thơ cho biết.

Ông Lê Văn Nam, Trưởng ban quản lý Khu di tích lịch sử - danh thắng núi Chứa Chan cho hay, việc thu gom, xử lý rác thải tại khu vực núi Chứa Chan không chỉ giúp bảo vệ mỹ quan cho khu di tích, mà còn có ý nghĩa rất lớn về môi trường, đặc biệt là nguồn nước sinh hoạt của người dân từ các con suối chảy xuống.

Theo ông Lê Văn Nam, trong thời gian qua, Ban quản lý khu di tích rất quan tâm giữ gìn vệ sinh môi trường trong khu di tích. Đơn vị thực hiện rất nghiêm việc thu gom rác đối với các hộ dân sinh sống, mua bán dọc theo lối lên chùa Gia Lào; đồng thời bố trí nhiều nơi tập trung rác của khách du lịch, khách hành hương để xử lý. Tuy nhiên, do núi Gia Lào có diện tích rộng và cao nên vẫn còn một số người khi đi cắm trại vứt rác trên đỉnh núi chưa được kiểm soát hết. Sự giúp sức của các “phượt thủ” đã góp phần làm sạch môi trường trên núi Gia Lào.

Tuy nhiên, ông Lê Văn Nam cũng lưu ý những người đi phượt trên núi cần nắm vững các kỹ năng cần thiết để chinh phục núi rừng, bảo vệ an toàn cho bản thân, tránh tình trạng bị lạc như anh Nguyễn Thành Nhân (ngụ phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa) đi lạc trong rừng suốt 3 ngày 2 đêm từ ngày 23 đến 25-3.

Ngày 23-3, anh Nhân cùng nhóm bạn đi phượt kết hợp nhặt rác trên núi Chứa Chan. Do đi sau nên anh không bắt kịp nhóm tại điểm hẹn trên đỉnh. Đến chiều, anh mất liên lạc với nhóm khi ở lưng chừng phía Tây ngọn núi. Bạn bè sau đó cùng người nhà anh Nhân tỏa đi tìm nhưng không có kết quả. Đến ngày 25-3, anh Nhân may mắn đã gặp được 2 người dân đi rừng và được họ hướng dẫn xuống núi an toàn.

Để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên bền vững và giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp của núi Chứa Chan, đặc biệt là không xảy ra tình trạng người đi phượt bị lạc trên núi như trường hợp của anh Nhân, vừa qua, Ban quản lý Khu di tích lịch sử - danh thắng núi Chứa Chan đã tham mưu cho UBND huyện Xuân Lộc xây dựng một số quy định bắt buộc đối với khách tham quan.

Theo đó, khách tham quan núi Chứa Chan phải thực hiện việc cam kết đi đúng tuyến, đúng địa chỉ như đã đăng ký; không mang túi ny-lông, chai nhựa vào rừng; không đốt lửa trong rừng; không mang các chất dễ cháy, chất gây lửa, vũ khí, chất gây nổ, hay chất độc hại vào rừng; không hái lượm, thu thập mẫu vật trong rừng...

Hải Đình

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,119,433       3/1,013