Kinh tế

Hạ tầng đô thị Biên Hòa đang trở nên quá tải

Do có nhiều khu công nghiệp trên địa bàn nên TP.Biên Hòa là một trong 3 địa phương có dân số tăng nhanh nhất tỉnh. Dân số tăng quá nhanh, hạ tầng đầu tư không kịp dẫn đến quá tải về đường sá, trường học, nhà ở...

Muốn tháo gỡ được khó khăn trên, TP.Biên Hòa phải có được nguồn vốn đầu tư lớn.

Đường Bùi Văn Hòa ở phường Long Bình (TP.Biên Hòa) không phải giờ cao điểm cũng quá tải. Ảnh: H.Giang
Đường Bùi Văn Hòa ở phường Long Bình (TP.Biên Hòa) không phải giờ cao điểm cũng quá tải. Ảnh: H.Giang

TIN LIÊN QUAN
Theo Cục Thống kê Đồng Nai, kết quả tổng điều tra dân số vào tháng 4-2019, dân số TP.Biên Hòa có gần 1,1 triệu người. Trung bình mỗi năm, Đồng Nai tăng 60 ngàn dân, tập trung cao nhất ở TP.Biên Hòa, tiếp đến là Long Thành và Nhơn Trạch.

* Quá tải về hạ tầng giao thông

Năm 2019, kế hoạch sử dụng đất của TP.Biên Hòa được UBND tỉnh phê duyệt có 163 dự án phát triển hạ tầng với diện tích hơn 388 hécta. Trong đó, gồm xây dựng cơ sở giáo dục, làm đường giao thông, cơ sở y tế, công trình thủy lợi, cơ sở văn hóa, dịch vụ xã hội, làm chợ. Diện tích cần thu hồi để thực hiện các dự án trên 255 hécta.

Vào những giờ cao điểm, nhiều tuyến đường chính của TP.Biên Hòa thường xuyên bị kẹt xe như: Đồng Khởi, Đặng Văn Trơn, Phạm Văn Thuận, Bùi Văn Hòa, quốc lộ 51 đoạn qua phường Long Bình Tân, An Hòa... Dù UBND tỉnh đã ưu tiên nguồn vốn làm cầu vượt, hầm chui, mở rộng đường tại TP.Biên Hòa nhưng vẫn không theo kịp với tốc độ tăng dân số quá nhanh.

Chị Hoàng Thị Thanh Nga ở phường Tân Phong cho hay: “Tôi làm việc trong một công ty ở Khu công nghiệp Amata nên thường xuyên đi qua đường Đồng Khởi. Hơn 3 năm trước, tuyến đường rất ít khi bị kẹt xe nhưng gần 3 năm trở lại đây cứ vào giờ cao điểm rất hay kẹt xe. Những hôm trời mưa lớn, đường còn bị ngập, di chuyển rất khó khăn”.

Hiện TP.Biên Hòa cần nguồn vốn rất lớn để đầu tư xây dựng mới và mở rộng nhiều tuyến đường mới đáp ứng nhu cầu đi lại, phát triển của thành phố.Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho biết: “Tỉnh sẽ ưu tiên vốn để làm một số tuyến đường của TP.Biên Hòa như: đường nối chân cầu Bửu Hòa với quốc lộ 1K, đường ven sông Cái, đường ven sông Đồng Nai, đường trục trung tâm TP.Biên Hòa, hương lộ 2... Những tuyến đường được xây dựng sẽ giúp giao thông TP.Biên Hòa thông thoáng, tạo đột phá trong phát triển kinh tế của địa phương và tỉnh”.

Thực tế, các dự án trên có dự tính làm từ lâu, song hiện vẫn chưa thể khởi công vì vướng mắc về thủ tục hồ sơ, nguồn vốn, nơi tái định cư cho những hộ bị thu hồi đất, giải phóng mặt bằng...

Bên cạnh đó vào mùa mưa, nhiều khu vực ở TP.Biên Hòa hay bị ngập lụt khi mưa lớn, nước từ các khu khu dân cư đổ ra đường thoát không kịp. Nguyên nhân do hệ thống thoát nước nhiều nơi đã cũ, qua nhiều năm xuống cấp không đáp ứng được yêu cầu. Đồng thời, tốc độ đô thị hóa nhanh, nhà ở xây dựng nhiều nên khi mưa, nước không còn nơi ngấm xuống đều đổ ra đường góp phần làm ngập lụt tăng. Ngoài ra, nhiều người dân có thói quen vứt rác bừa bãi, khi mưa rác trôi về lấp hết các miệng cống thoát nước, suối cản trở dòng chảy cũng gây ra ngập lụt nhiều hơn.

* Áp lực lớn về nhà ở

Dân số ở TP.Biên Hòa ngày một đông là do dân cư từ nơi khác đến sinh sống và làm việc trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp kéo theo nhu cầu về nhà ở rất lớn.

Theo kế hoạch sử dụng đất năm 2019 của TP.Biên Hòa được UBND tỉnh phê duyệt thì sẽ thực hiện 134 dự án khu dân cư, nhưng trong đó rất ít dự án nhà ở xã hội được triển khai. Đối tượng có nhu cầu về nhà ở lớn đa phần là người lao động có thu nhập thấp, nếu không có nhà ở xã hội giá rẻ và nguồn vốn vay mua nhà ưu đãi thì rất ít người đủ khả năng mua đất các dự án khu dân cư để làm nhà ở.

Anh Nguyễn Văn Trung ở phường Long Bình Tân cho biết: “Vợ chồng tôi làm việc trong Khu công nghiệp Biên Hòa 2 và đang sống trong nhà trọ. Tôi dành dụm được ít tiền muốn mua mảnh đất ở Biên Hòa để làm nhà, nhưng đất trong các khu dân có đầy đủ giấy tờ giá rất cao từ 1-2 tỷ đồng/lô nên không đủ khả năng mua. Vì thế, tôi rất mong tỉnh, thành phố làm nhà ở xã hội giá rẻ, bán trả góp trong nhiều năm cho công nhân để chúng tôi có nơi ở ổn định, an tâm làm việc”.

Nguyện vọng của anh Nguyễn Văn Trung cũng là mong muốn của nhiều lao động đang cư trú tại TP.Biên Hòa. Nhiều người dân vì không đủ khả năng mua đất đầy đủ giấy tờ đã “liều” mua đất nông nghiệp phân lô và lén lút làm nhà trái phép. Việc này gây áp lực lớn cho các phường trong việc quản lý về đất đai, xây dựng.

Chủ tịch UBND phường Long Bình Nguyễn Quốc Vương cho hay: “Dân số phường Long Bình gần 130 ngàn người, phần lớn dân nhập cư làm việc trong các khu công nghiệp nên nhu cầu về nhà ở rất lớn. Nhà ở xã hội cho người lao động thấp không có nên rất áp lực cho phường trong việc quản lý đất đai và xây dựng rất cao. Vì chỉ cần lơ là trong quản lý sẽ xảy ra tình trạng xây dựng nhà ở trái phép”. Ngoài áp lực về nhà ở thì áp lực về trường lớp cho con em người lao động rất lớn.

Đồ họa thể hiện diện tích, quy mô dân số và mức độ gia tăng hộ dân của TP.Biên Hòa hiện nay; một số lĩnh vực cần nguồn vốn lớn để đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình của TP.Biên Hòa (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)
Đồ họa thể hiện diện tích, quy mô dân số và mức độ gia tăng hộ dân của TP.Biên Hòa hiện nay; một số lĩnh vực cần nguồn vốn lớn để đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình của TP.Biên Hòa (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)

Ông Huỳnh Tấn Lộc, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa cho biết: “Thời gian qua, UBND tỉnh và UBND thành phố đã ưu tiên nguồn vốn đầu tư xây dựng mới nhiều trường học nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu. Nhiều khu vực đông dân cư vẫn phải mượn thêm phòng ở các trường nghề bố trí cho các em học sinh tiểu học, THCS”.

* Thiếu vốn để giải quyết

Để TP.Biên Hòa không bị “quá tải” về đường sá, hệ thống thoát nước, trường lớp, nhà ở thì phải có nguồn vốn lên đến vài chục ngàn tỷ đồng. Với nguồn ngân sách của tỉnh có hạn, trong khi phải phân bổ cho nhiều dự án ở 9 huyện và TP.Long Khánh nữa thì chưa biết đến khi nào TP.Biên Hòa mới có đủ vốn cho đầu tư các công trình hạ tầng để theo kịp tốc độ đô thị hóa.

Đơn cử như muốn làm 6 tuyến đường chính là đường liên phường Tân Hiệp - Trảng Dài; đường nối chân cầu Bửu Hòa với quốc lộ 1K; đường ven sông Cái; đường ven sông Đồng Nai; đường trục trung tâm TP.Biên Hòa; hương lộ 2 đã cần nguồn vốn lên đến trên 12 ngàn tỷ đồng. Chưa kể còn 50 dự án đường giao thông khác và 56 dự án về giáo dục của thành phố cũng đang cần vốn để đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng.

Song song đó, TP.Biên Hòa cần 6,6 ngàn tỷ đồng để đầu tư hệ thống thoát nước, xử lý nước thải nhằm chống ngập lụt và đảm bảo môi trường. Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP.Biên Hòa đã ký kết hiệp định vay vốn ODA để đầu tư. Nếu mọi việc thuận lợi theo đúng tiến độ có khả năng sẽ hoàn thành vào năm 2024.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp cho biết: “Thời gian qua, UBND tỉnh tiến hành đấu giá nhiều khu đất công là để lấy vốn đầu tư cho các công trình như: đường, trường học, cơ sở y tế của Biên Hòa và các địa phương khác”.

Tuy nhiên, nguồn vốn từ đấu giá đất có hạn lại rải cho nhiều dự án của các địa phương. Vì vậy, TP.Biên Hòa tiếp tục khó khăn trong việc tìm vốn đầu tư các công trình hạ tầng. Trong khi theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, TP.Biên Hòa là nơi có công nghiệp phát triển, đầu mối giao thông của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nên tốc độ tăng dân số trong những năm tới sẽ còn tiếp tục tăng nhanh.

Khánh Minh

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,106,143       3/1,023