Kinh tế

Tìm cách thu hút đầu tư

Trong nội dung đề án phát triển nông nghiệp đô thị cho vùng kinh tế Tây Nam tỉnh Đồng Nai, kinh phí thực hiện đề án giai đoạn 2019-2025 cần hơn 349 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước (cấp tỉnh, huyện) là trên 51 tỷ đồng, còn lại huy động từ nguồn xã hội hóa.

Đóng gói chuối xuất khẩu tại xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom. Ảnh: L.QUYÊN
Đóng gói chuối xuất khẩu tại xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom. Ảnh: L.QUYÊN

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh, đề án cần tận dụng mọi cơ hội để thu hút các nguồn vốn, lồng ghép các chương trình dự án. Trong đó, xác định vốn tín dụng là nguồn vốn chủ yếu nên cần tập trung giải pháp tháo gỡ vướng mắc, nhất là đơn giản hóa về thủ tục hành chính, linh hoạt về mức vay, thời hạn vay phù hợp với loại hình sản xuất nông nghiệp đô thị. Các địa phương cần chủ động tạo quỹ đất và nguồn nhân lực để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ hơn vào vùng nông nghiệp đô thị Tây Nam nói riêng và địa bàn tỉnh nói chung.

* Đầu tư đồng bộ

Cũng theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh, trong việc đề ra nhiệm vụ và các giải pháp thực hiện đề án, cần sự tham gia phối hợp của nhiều sở, ngành, tổ chức liên quan. Trong đó, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: giải pháp về quy hoạch; tuyên truyền, vận động để có nhận thức đúng về nông nghiệp đô thị; về cơ chế chính sách; về đưa nhanh tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; giải pháp về nâng cấp chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản; đầu tư hoàn thiện về cơ sở hạ tầng; về đào tạo nguồn nhân lực…

Lợi thế của Đồng Nai để phát triển kinh tế nông nghiệp đô thị vùng Tây Nam là Đồng Nai sớm quan tâm đầu tư đồng bộ từ cơ sở hạ tầng đến chính sách ưu đãi về thu hút đầu tư, về nguồn vốn cho phát triển nông nghiệp. Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khi về làm việc về kết quả 10 năm xây dựng nông thôn mới của Đồng Nai vào năm 2018: “Tỉnh thuộc tốp đầu cả nước về đầu tư cơ sở hạ tầng cho nông thôn và có những bước đột phá trong tái cơ cấu nông nghiệp và chính sách phát triển nông nghiệp. Đồng Nai nên đặt ra mục tiêu trở thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao của cả nước vì tỉnh đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư. Địa phương cũng nên hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm phân phối nông sản, trung tâm chế biến từ đó phát triển chuỗi dịch vụ phụ trợ để đưa nông sản địa phương ra thế giới”.

Dưới góc nhìn của nông dân, những vùng nông thôn nghèo trên địa bàn tỉnh cũng dần thay da đổi thịt nhờ được đầu tư đồng bộ trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Ông Nguyễn Văn Đước, người dân ở xã Phú Hữu (huyện Nhơn Trạch) chia sẻ: “Trước đây, đường vào xã đều là đường đất; cầu bắc qua các kênh mương là cầu gỗ, cầu tạm nên việc đi lại, vận chuyển vật tư, nông sản rất khó khăn. Nông sản vùng này thường có giá bán thấp hơn vùng khác mà thương lái còn ngại vào thu mua. Nhờ địa phương tập trung đầu tư về cơ sở hạ tầng từ các tuyến đường bê tông vào tận các ấp, xóm; đường điện vào tận cánh đồng nên nông dân mới mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm cho lợi nhuận tốt”.

* Thay đổi từ nhận thức

Cơ sở để phát triển nền nông nghiệp đô thị là nhiều địa phương nằm trong vùng kinh tế Tây Nam tỉnh Đồng Nai đã bắt đầu có sự chuyển dịch từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Không chỉ doanh nghiệp mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao, sản xuất lớn mà nhiều hợp tác xã, chủ trang trại, nông dân cũng bắt đầu có lối tư duy mới, nhanh nhạy trong nắm bắt nhu cầu và xu thế thay đổi của thị trường để điều chỉnh sản xuất đạt cả tiêu chuẩn của thị trường nội địa và xuất khẩu.

Hợp tác xã nông nghiệp thương mại dịch vụ Bình Minh với vùng chuyên canh 50 hécta cây có múi theo hướng hữu cơ đang góp phần mang lại sự trù phú cho làng dân tộc đồng bào Chơro ở xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu). Ông Hà Thắng, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp thương mại dịch vụ Bình Minh chia sẻ: “Tôi vận động nông dân tham gia hợp tác xã để nhân rộng mô hình sản xuất hữu cơ. Trước mắt, hợp tác xã sẽ làm chứng nhận VietGAP, đăng ký nhãn hàng với mục tiêu xây dựng thương hiệu riêng cho trái quýt đường Phú Lý”.  

Chia sẻ về mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng chuyên canh, hiện đại, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu Phạm Minh Phước cho biết: “Địa phương đã phối hợp với Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam vận động, hướng dẫn nông dân nhân rộng mô hình sản xuất hữu cơ. Trong đó, địa phương chú trọng tạo những điểm đến đặc trưng, thu hút khách du lịch tham quan, trải nghiệm du lịch nông nghiệp hữu cơ và các chương trình dã ngoại thiên nhiên. Huyện cũng đẩy mạnh xúc tiến thương mại để đưa nông sản sạch vào các chuỗi cửa hàng, hệ thống siêu thị”.              

Lê Quyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,103,403       3/1,048