Kinh tế

Nhiều địa phương muốn có trung tâm thương mại, siêu thị

Đồng Nai là nơi được nhiều doanh nghiệp, tập đoàn trong, ngoài nước chú ý đầu tư xây dựng siêu thị, trung tâm thương mại. Hiện nhiều địa phương của tỉnh mong muốn sớm đầu tư xây dựng trung tâm thương mại...

Đồng Nai là nơi được nhiều doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước chú ý đầu tư xây dựng siêu thị, trung tâm thương mại. Hiện nay, nhiều địa phương của tỉnh cũng mong muốn sớm đầu tư xây dựng trung tâm thương mại, dịch vụ hoặc các khu dịch vụ - thương mại nằm trong các dự án nhà ở... để đáp ứng nhu cầu mua sắm, sử dụng các dịch vụ của người dân.

Người dân chọn mua sản phẩm, hàng hóa tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa. Ảnh: Hải Quân
Người dân chọn mua sản phẩm, hàng hóa tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa. Ảnh: Hải Quân

TIN LIÊN QUAN
Theo Sở Công thương, hiện nay toàn tỉnh có 6 trung tâm thương mại và 12 siêu thị gồm: 5 siêu thị hạng I, 3 siêu thị hạng II và 4 siêu thị hạng III, tập trung chủ yếu ở các đô thị lớn như: TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh và các huyện: Long Thành, Trảng Bom…

* Nhu cầu phát triển trung tâm thương mại

Để được gọi là siêu thị và phân hạng siêu thị, trung tâm thương mại và phân hạng trung tâm thương mại thì cơ sở kinh doanh thương mại phải có địa điểm kinh doanh phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới thương mại của tỉnh, thành phố và có quy mô, trình độ tổ chức kinh doanh đáp ứng các tiêu chuẩn cơ bản của một trong 3 hạng siêu thị theo quy định: siêu thị hoặc trung tâm thương mại hạng I, hạng II và hạng III…

Hiện nay, 6 trung tâm thương mại đang hoạt động trên địa bàn tỉnh gồm: Big C Tân Hiệp, Big C Đồng Nai, trung tâm thương mại - chi nhánh Công ty TNHH trung tâm thương mại Lotte Việt Nam tại Đồng Nai, Vincom, Pegasus ở TP.Biên Hòa và Viva Square (huyện Trảng Bom) thuộc nhóm trung tâm thương mại hạng III. Đây là nhóm trung tâm thương mại có diện tích kinh doanh từ 10 ngàn m2 trở lên.

Quy hoạch phát triển trung tâm thương mại và siêu thị trên địa bàn tỉnh năm 2007 được triển khai theo Quyết định số 4390/QĐ-UBND của UBND tỉnh năm 2007 về việc phê duyệt quy hoạch phát triển ngành thương mại tỉnh Đồng Nai đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 (có điều chỉnh, bổ sung).

Về tổng số điểm quy hoạch, toàn tỉnh dự kiến có 37 trung tâm thương mại và 56 siêu thị. Số lượng các trung tâm thương mại, siêu thị này được quy hoạch ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, nhất là ở các địa phương như: Biên Hòa, Long Thành…

Đơn cử, TP.Biên Hòa có 14 trung tâm thương mại và 17 dự án siêu thị được quy hoạch; huyện Long Thành cũng có 7 trung tâm thương mại và 4 siêu thị dự kiến được triển khai xây dựng.

Ông Lục Văn Thủy, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) cho biết, việc đầu tư các trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn sẽ được triển khai bằng nguồn vốn xã hội hóa của doanh nghiệp, hợp tác xã… không sử dụng vốn ngân sách.

Hiện nay, nhiều khu vực có tỷ lệ dân số cơ học tăng cao, kéo theo nhu cầu về mua sắm, sử dụng các loại hình dịch vụ gia tăng. Do đó, nhiều địa phương trong tỉnh mong muốn xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.

Theo ông Võ Văn Phi, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu, hiện nay trên địa bàn huyện vẫn chưa có trung tâm thương mại, siêu thị. Huyện đang mong muốn xây dựng 3 trung tâm thương mại ở thị trấn Vĩnh An, xã Thạnh Phú và xã Phú Lý.

Tương tự, bà Vũ Thị Minh Châu, Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom cho biết,hiện nay trên địa bàn huyện đã có trung tâm thương mại Viva Square nằm trong khu đô thị thương mại The Viva City (thuộc xã Giang Điền) đã đi vào hoạt động. Huyện cũng đang tiến hành các thủ tục đấu giá đất đối với khu đất của Trung tâm văn hóa - Trung tâm dạy nghề của thị trấn Trảng Bom với diện tích khoảng 2 hécta để xây dựng trung tâm thương mại kết hợp khu nhà ở.

Đồ họa thể hiện số lượng, sự phân bố các dự án đầu tư trung tâm thương mại, khu thương mại - dịch vụ và siêu thị trên địa bàn tỉnh theo phê duyệt quy hoạch phát triển ngành thương mại tỉnh Đồng Nai đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.  (Nguồn: Sở Công thương - Đồ họa: Hải Quân)
Đồ họa thể hiện số lượng, sự phân bố các dự án đầu tư trung tâm thương mại, khu thương mại - dịch vụ và siêu thị trên địa bàn tỉnh theo phê duyệt quy hoạch phát triển ngành thương mại tỉnh Đồng Nai đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. (Nguồn: Sở Công thương - Đồ họa: Hải Quân)

Ông Võ Tuấn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Tân Phú cho hay, huyện cũng mong muốn có thêm các siêu thị, trung tâm thương mại ở một số khu vực phát triển về thương mại - dịch vụ như: thị trấn Tân Phú, xã Phú Lâm…

* Nhiều dự án vẫn đang “nằm chờ”

Theo Sở Công thương, hiện một số tập đoàn bán lẻ của châu Âu, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc cũng đã đến Đồng Nai tìm hiểu chính sách, địa điểm với ý định sẽ đầu tư trung tâm mua sắm, siêu thị ở trên địa bàn tỉnh.

Theo Quyết định số 6184/QĐ-BCT của Bộ Công thương năm 2012 phê duyệt quy hoạch mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại cả nước đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030, trong tiêu chí xác định quy hoạch, cần lưu ý khoảng cách giữa các siêu thị, trung tâm thương mại cùng hạng tại các đô thị hay vùng đô thị lớn phải từ 20km trở lên đối với siêu thị, trung tâm thương mại hạng I, từ 6km trở lên đối với siêu thị, trung tâm thương mại hạng II và từ 1km trở lên đối với siêu thị, trung tâm thương mại hạng III.

Những địa bàn các doanh nghiệp, tập đoàn dự kiến sẽ đầu tư siêu thị, trung tâm mua sắm là những khu vực đông dân cư như: TP.Biên Hòa, các huyện Long Thành, Nhơn Trạch và Trảng Bom.

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều dự án trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn vẫn còn gặp khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng, các thủ tục đấu giá, chuyển đổi mục đích sử dụng đất...

Đơn cử, Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) dự kiến đầu tư Aeon Mall tại phường Thống Nhất (TP.Biên Hòa) với vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD. Tuy nhiên đến nay, dự án này vẫn đang còn một số vướng mắc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất nên chưa thể triển khai xây dựng theo kế hoạch ban đầu.

Theo ông Võ Văn Phi, huyện Vĩnh Cửu đang tiến hành chuyển đổi sử dụng đất, các thủ tục đấu giá đất đối với quỹ đất dự kiến xây dựng trung tâm thương mại ở thị trấn Vĩnh An (khoảng 0,3 hécta) và ở xã Thạnh Phú (khoảng 2 hécta kết hợp vừa khu dân cư và khu dịch vụ - thương mại) để thu hút, kêu gọi nhà đầu tư.

Ngoài ra, quy hoạch các trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn tỉnh cũng trải qua một khoảng thời gian “chờ” đến khi Luật Quy hoạch năm 2017 chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2019. Đến giữa tháng 8 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 về giải thích một số điều của Luật Quy hoạch năm 2017.

Theo đó, đối với các trường hợp quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh... đã được quyết định hoặc phê duyệt trước ngày 1-1-2019, trong quá trình thực hiện sẽ được điều chỉnh nội dung theo quy định của pháp luật có liên quan trước ngày Luật Quy hoạch năm 2017 có hiệu lực để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cho đến khi quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch theo Luật Quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt.

Theo ông Lục Văn Thủy, điều này cũng đã “gỡ” được phần nào nút thắt trong quá trình quy hoạch các trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn tỉnh được đảm bảo triển khai theo các quy định hiện hành, thời gian dự kiến triển khai, thực hiện.

Hoàng Hải

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,095,704       10/938