Kinh tế

Doanh nghiệp "đón" CPTPP còn chậm

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã có hiệu lực hơn 8 tháng. Hiện tại, dù nhiều dòng thuế đã giảm, nhưng xuất khẩu của Đồng Nai vào thị trường này lại tăng trưởng thấp hơn nhiều so với kỳ vọng.

Sản xuất hàng xuất khẩu vào thị trường CPTPP của Công ty TNHH công nghiệp Boss ở Khu công nghiệp Sông Mây (huyện Trảng Bom). Ảnh: K.Minh
Sản xuất hàng xuất khẩu vào thị trường CPTPP của Công ty TNHH công nghiệp Boss ở Khu công nghiệp Sông Mây (huyện Trảng Bom). Ảnh: K.Minh

Theo Sở Công thương, kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai vào thị trường CPTPP trong 8 tháng của năm 2019 khoảng 1,7 tỷ USD, chiếm hơn 12% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, tăng bình quân hơn 5%.

* Chưa khởi sắc

Ngày 14-1-2019, CPTPP có hiệu lực tại Việt Nam. Ngay sau đó, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào Singapore được bãi bỏ hoàn toàn thuế. Các nước khác trong CPTPP đều giảm thuế về 0% với 77-95% mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam.

Các chuyên gia kinh tế dự báo, CPTPP sẽ giúp xuất khẩu của Việt Nam tăng thêm khoảng 4 tỷ USD. Đồng Nai là một trong 5 tỉnh, thành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cả nước cũng khá kỳ vọng vào thị trường này, nhưng hơn 8 tháng kể từ khi CPTPP có hiệu lực, xuất khẩu vào thị trường trên chưa có sự đột phá.

Ông Châu Minh Nguyện, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Đồng Nai cho biết: “Các doanh nghiệp trong nước tiếp cận những lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do còn chậm. CPTPP đòi hỏi nguồn gốc xuất xứ hàng hóa tương đối nghiêm ngặt nên số doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu để hưởng ưu đãi về thuế không nhiều”.

Cụ thể, với mặt hàng may mặc, muốn xuất khẩu vào các nước trong khối CPTPP và hưởng được ưu đãi về thuế thì doanh nghiệp phải đáp ứng được tiêu chí từ khâu sợi đến vải phải được sản xuất tại thị trường nội địa. Trong khi đặc thù của ngành dệt may của Đồng Nai cũng như cả nước là nguyên phụ liệu phải nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ với tỷ lệ từ
50-70% tùy theo đơn hàng.

Trong khối CPTPP, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Đồng Nai là Nhật Bản. Trong 8 tháng của năm 2019, Đồng Nai xuất khẩu vào Nhật Bản hơn 1,35 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Những mặt hàng xuất khẩu vào thị trường này phần lớn là: giày dép, dệt may, sản phẩm từ gỗ, máy móc thiết bị và phụ tùng, máy tính, linh kiện điện tử...

Ông Nguyễn Công Đoàn, Tổng giám đốc Công ty TNHH Daikan Việt Nam ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) cho hay: “Từ đầu năm đến nay, sản phẩm của Daikan xuất khẩu vào Nhật Bản và một số thị trường thuộc CPTPP vẫn ổn định, ít biến động. Công ty đang tìm hiểu thêm các thị trường trong CPTPP để mở rộng sản xuất và xuất khẩu”.

Ngoài Nhật Bản, ở 9 thị trường khác trong CPTPP, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều có xuất khẩu hàng hóa vào, nhưng số lượng không lớn, kim ngạch chỉ từ vài chục triệu đến hơn 100 triệu USD (tính trong 8 tháng của năm 2019). Mức tăng trưởng ở thị trường CPTPP đạt từ 4-9%. Tuy nhiên xét trên tổng thể, đây lại là thị trường xuất siêu lớn của tỉnh với trên 800 triệu USD.

* Có thể sẽ có làn sóng đầu tư

CPTPP có 11 nước tham gia bao gồm: Việt Nam, Nhật Bản, Malaysia, Canada, Singapore, Australia, Mexico, Chile, New Zealand, Peru, Brunei. Đây là thị trường lớn với tổng số gần 500 triệu dân và chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu (tương đương 10,2 ngàn tỷ USD).

Với CPTPP, ngoài hy vọng xuất khẩu sẽ có bước tăng trưởng khá thì Việt Nam cũng mong đợi nguồn vốn đầu tư từ các quốc gia trên vào Việt Nam sẽ tăng cao. Tại Đồng Nai, 2 quốc gia trong CPTPP đầu tư vào tỉnh nhiều là Nhật Bản và Singapore.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.Hồ Chí Minh Okada Hideyuki cho hay: “Các doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư vào tỉnh hơn 260 dự án với tổng vốn đăng ký trên 4,6 tỷ USD. Đặc biệt từ khi CPTPP được ký kết và có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã mở rộng sản xuất. Bên cạnh đó, có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản nhờ hiệp hội làm cầu nối để đầu tư mới vào Đồng Nai”.

Thực tế từ 2-3 năm trước, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã đến Đồng Nai đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp để “đón đầu” CPTPP. Phía Singapore cũng tăng đầu tư vào tỉnh, nhưng chủ yếu trên lĩnh vực bất động sản. Nguồn vốn đầu tư của quốc gia này vào tỉnh đạt gần 2 tỷ USD. Còn lại các nước khác trong CPTPP cũng có đầu tư vào tỉnh nhưng số vốn đăng ký không nhiều.

Theo Giám đốc Sở Công thương Dương Minh Dũng, thời gian qua, tỉnh tổ chức nhiều đợt xúc tiến thương mại tại chỗ để các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp trong nước tại Đồng Nai có cơ hội gặp gỡ, giới thiệu sản phẩm  cho nhau. Vì có nhiều sản phẩm của doanh nghiệp này là nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp kia.

Qua các đợt xúc tiến thương mại, nhiều doanh nghiệp trong nước và FDI đã tìm được nguồn nguyên liệu nội địa, giảm nhập khẩu. Do đó, nhiều năm nay, Đồng Nai đã chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu và xuất siêu mỗi năm đều tăng. “Tỉnh thường xuyên mở các hội thảo và mời các chuyên gia tham gia đàm phán các hiệp định thương mại tự do về trao đổi với doanh nghiệp trên địa bàn. Mục đích là để doanh nghiệp nắm rõ được những thuận lợi, khó khăn của từng ngành hàng khi tham gia các hiệp định thương mại tự do để từ đó tận dụng các cơ hội mang lại” - ông Dương Minh Dũng cho biết.

Khánh Minh

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,093,579       2/931