Kinh tế

Xây dựng cuộc sống mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Là huyện miền núi, hiện đang có 21 thành phần dân tộc thiểu số sinh sống rải rác ở các xã và thị trấn, những năm qua, huyện Tân Phú luôn tập trung nguồn lực trong việc đầu tư, chăm sóc, hỗ trợ bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa…

Là huyện miền núi, hiện đang có 21 thành phần dân tộc thiểu số sinh sống rải rác ở các xã và thị trấn, những năm qua, huyện Tân Phú luôn tập trung nguồn lực trong việc đầu tư, chăm sóc, hỗ trợ bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa…

Cầu Tà Lài (huyện Tân Phú) được xây dựng làm thay đổi cuộc sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Cầu Tà Lài (huyện Tân Phú) được xây dựng làm thay đổi cuộc sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: T. Mộc

TIN LIÊN QUAN
Đến nay, chất lượng cuộc sống của phần lớn ĐBDTTS đã được nâng lên. Tại những nơi ĐBDTTS sinh sống, trường học, cơ sở vật chất y tế cũng như việc áp dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất… được đầu tư chu đáo.

* Đầu tư hạ tầng

Với mục tiêu ổn định cuộc sống cho vùng ĐBDTTS, nhiều dự án khu tái định cư, làng dân tộc, các công trình hạ tầng nông thôn như: điện, đường, trường, trạm được huyện chú trọng, tập trung nguồn lực triển khai.

Từ đó, bộ mặt nông thôn vùng ĐBDTTS từng bước thay đổi, chất lượng cuộc sống bà con được nâng lên. Có thể dẫn chứng một số công trình có vốn đầu tư khá cao như: công trình cấp nước, đường bê tông, đường điện hạ thế tổng thể cho 3 khu ĐBDTTS các xã Thanh Sơn, Phú Trung, Phú An có mức đầu tư 13,3 tỷ đồng đến nay đã hoàn thành và đi vào sử dụng. Cùng với đó là các dự án khu định cư đồng bào dân tộc tại các xã Phú An, Thanh Sơn cũng được đầu tư xây dựng giúp cho đời sống của các hộ dân ổn định hơn.

Một trong những địa bàn có sự thay da đổi thịt khá rõ nét hiện nay chính là khu ấp 4, đồng bào dân tộc xã Tà Lài với nhiều công trình hạ tầng gồm: cầu, đường, trường học được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp.

Người Châu Mạ dệt thổ cẩm để bán cho khách du lịch đến tham quan tại xã Tà Lài (huyện Tân Phú).
Người Châu Mạ dệt thổ cẩm để bán cho khách du lịch đến tham quan tại xã Tà Lài (huyện Tân Phú). Ảnh: T. Mộc

Tận dụng nét văn hóa truyền thống mang bản sắc riêng của dân tộc Châu Mạ, huyện Tân Phú có chủ trương kết nối với một số địa danh khác để thúc đẩy phát triển du lịch cho Tà Lài. Hướng dẫn người dân Châu Mạ khai thác thế mạnh của mình là nghề dệt thổ cẩm và khôi phục các hoạt động văn hóa của dân tộc mình để quảng bá trong nước và quốc tế. Từ đó, đời sống bà con đã nâng lên, nhiều hộ có thu nhập khá cao từ nghề dệt thổ cẩm, biểu diễn văn nghệ phục vụ du khách.

Ngoài ra, những vùng ĐBDTTS tại các địa bàn khác như xã: Phú Bình, Đắc Lua, Thanh Sơn, Nam Cát Tiên…cũng có sự thay đổi rõ nét. Ông Phạm Đức Duy, Phó chủ tịch UBND xã Phú Bình chia sẻ, xã Phú Bình có khoảng 12 dân tộc sinh sống với 630 hộ, gần 3 ngàn người là ĐBDTTS. Trong đó, dân tộc Hoa có 290 hộ với gần 1,5 ngàn nhân khẩu, dân tộc Tày có 154 hộ 623 nhân khẩu, còn lại là các dân tộc thiểu số khác như: Nùng, Mường, K’ho… Với sự quan tâm đầu tư của các cấp tỉnh, huyện, hiện nay cuộc sống của bà con đã có sự tiến bộ rất nhiều, trên địa bàn xã có quy hoạch khu dân cư ổn định, trường học, cơ sở y tế cũng được đầu tư xây dựng khang trang.

* Giảm nghèo bền vững

Đến xã Tà Lài sau hơn nửa năm cầu Tà Lài chính thức thông xe, mới thấy hết giá trị mà cây cầu mang lại cho bà con nơi đây. Theo nhiều người dân, những năm gần đây, Tà Lài nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các cấp chính quyền với những dự án đầu tư về cơ sở hạ tầng, chiến lược phát triển du lịch kết nối Tà Lài với các khu du lịch nhằm quảng bá nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Châu Mạ, S’tiêng, Tày đang sinh sống tại đây. Từ khi có du lịch, bà con dân tộc thiểu số có cuộc sống tốt hơn, nhiều hoạt động truyền thống được khơi dậy phục vụ du khách như nghề dệt thổ cẩm, các hoạt động nghệ thuật truyền thống.

Bà Ka Brẹt, người dân tộc Châu Mạ ở đây cho biết, trước đây, gia đình bà sống chủ yếu vào ruộng lúa, ngoài ra không còn thu nhập nào khác nên quanh năm suốt tháng bà cũng như bà con trong vùng chỉ lo đủ cái ăn cái mặc. Nhưng nay đã khác, sự phát triển của du lịch đã giúp bà có thêm thu nhập 4-5 triệu đồng mỗi tháng từ nghề dệt thổ cẩm. Bà Ka Brẹt có một quán nhỏ ngay mặt đường chính của ấp 4, những sản phẩm thổ cẩm do tự tay bà dệt được trưng bày ngay tại quán.

 “Khách du lịch trong và ngoài nước rất thích sản phẩm do người dân tại đây dệt, nhiều người mua một lần mười mấy chiếc khăn để làm quà. Mỗi sản phẩm tôi làm ra phải mất ít nhất 3-4 ngày nên lượng hàng không nhiều. Cuộc sống bà con nơi đây có được như hôm nay đều nhờ vào sự quan tâm của chính quyền địa phương các cấp, chúng tôi sẽ cố gắng sống thật tốt để phát triển kinh tế gia đình và cho địa phương” - bà Ka Brẹt cho biết thêm.

Điểm sinh hoạt vui chơi cho đồng bào dân tộc tại Nhà văn hóa các dân tộc xã Tà Lài.
Điểm sinh hoạt vui chơi cho đồng bào dân tộc tại Nhà văn hóa các dân tộc xã Tà Lài.

Nhìn lại kết quả những năm qua về lĩnh vực văn hóa, chính trị, giáo dục, ông Bùi Thanh Nam, Phó chủ tịch UBND huyện Tân Phú chia sẻ, công tác chăm sóc, hỗ trợ vùng ĐBDTTS của huyện đã đạt được những kết quả lớn. Đặc biệt là sự kết nối thông thương giữa các vùng ĐBDTTS bằng những công trình trọng yếu với sự quyết tâm rất cao từ ban lãnh đạo huyện như: cầu Đắc Lua, Tà Lài, một số trường học.

Bên cạnh đó, công tác xóa đói giảm nghèo đã đạt được những kết quả khích lệ từ 11,21% hộ nghèo trên địa bàn huyện năm 2014 giảm xuống còn 5,85% vào năm 2019. Trong đó, nhiều hộ vươn lên làm giàu, đầu tư sản xuất kinh doanh hiện đại, mang lại giá trị kinh tế cao. “Dù đã thực hiện được nhiều nhiệm vụ nhưng trên địa bàn huyện vẫn còn ghi nhận một số vùng khó khăn. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục có những dự án, công trình về các lĩnh vực, nhằm phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất cho người dân” - ông Bùi Thanh Nam cho biết.

Thủy Mộc

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,094,748       7/927