Kinh tế

Người chăn nuôi nhỏ lẻ điêu đứng vì dịch tả heo châu Phi

Toàn tỉnh Đồng Nai hiện có gần 4 ngàn hộ và trang trại chăn nuôi bị dịch tả heo châu Phi (dịch ASF) với trên 357 ngàn con heo bị tiêu hủy, trong đó thiệt hại chủ yếu là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ...

Toàn tỉnh Đồng Nai hiện có gần 4 ngàn hộ và trang trại chăn nuôi bị dịch tả heo châu Phi (dịch ASF) với trên 357 ngàn con heo bị tiêu hủy. Trong đó, thiệt hại chủ yếu là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và đây vẫn là đối tượng tiếp tục chịu hậu quả nặng nề khi dịch ASF vẫn còn diễn biến phức tạp.

Người chăn nuôi heo lo lắng với dịch ASF tiếp tục lan nhanh. Ảnh chụp tại hộ chăn nuôi heo ở huyện Thống Nhất. Ảnh: B.Nguyên
Người chăn nuôi heo lo lắng với dịch ASF tiếp tục lan nhanh. Ảnh chụp tại hộ chăn nuôi heo ở huyện Thống Nhất. Ảnh: B.Nguyên

TIN LIÊN QUAN
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của chăn nuôi công nghiệp với trang trại quy mô lớn, chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh không ngừng thu hẹp lại do kém lợi thế cạnh tranh nên chỉ chiếm từ 6-7% tổng đàn.

Chăn nuôi nhỏ lẻ càng tan tác trong “cơn bão” dịch ASF và rất khó phục hồi lại. Hàng ngàn hộ chăn nuôi heo đang đối mặt với nợ nần và mất nghề mưu sinh.

* Người chăn nuôi phá sản, mất nghề

Ông Đinh Văn Tú là nông dân có tiếng “mát tay” trong nghề nuôi heo tại xã Gia Tân 3 (huyện Thống Nhất) với quy mô trại có khoảng 60 con heo nái và đàn heo thịt từ 500-600 con.

Dù yêu nghề nhưng ông Tú buộc phải bán hết đàn heo khi heo của các trại chăn nuôi khu vực xung quanh đều bị tiêu hủy vì dịch ASF. Nhờ còn chút vốn bán heo vào thời điểm giá heo hơi đang lên cao, ông Tú cải tạo khu chuồng trại cũ để nuôi gà ta thả vườn. “Không còn cách nào khác tôi mới phải chuyển đổi. Bao nhiêu năm gắn bó với nghề nuôi heo giờ buộc phải chuyển sang nuôi gà, vất vả lắm vì tôi thiếu cả kinh nghiệm sản xuất, thị trường tiêu thụ cũng bất ổn hơn” - ông Tú chia sẻ.

Nỗi lo của ông Tú hoàn toàn có căn cứ vì thực tế, gần 1 tháng qua, cả con gà công nghiệp và gà ta thả vườn đều rớt giá, khó tìm đầu ra. Trong đó có nguyên nhân thị trường thịt gà đang trong trạng thái cung vượt cầu vì nhiều hộ nuôi heo mất nghề chuyển sang nuôi gia cầm.

Tuy nhiên, hoàn cảnh của ông Tú chưa phải là quá khó khăn vì rất nhiều hộ chăn nuôi khác rơi vào cảnh phá sản, nợ nần không đủ điều kiện để chuyển đổi sang mô hình sản xuất mới. Cụ thể như gia đình bà Nguyễn Thị Vân, chủ hộ chăn nuôi tại xã Đồi 61 (huyện Trảng Bom) hiện đang rơi vào cảnh nợ nần khi đàn heo gần 300 con cả heo nái và heo thịt gần xuất chuồng đều bị tiêu hủy vì bị dịch ASF. Gia đình bà Vân đã phải mượn nợ tái đàn heo sau đợt heo rớt giá vào năm trước đó. Hiện đàn heo bị tiêu hủy khiến nợ chồng thêm nợ. Bà Vân lo lắng: “Vợ chồng tôi đều hơn 50 tuổi, mất nghề nuôi heo mấy mươi năm gắn bó không biết lấy gì mưu sinh vì không còn vốn đầu tư nuôi con khác, cũng quá tuổi đi làm công nhân”.

Khi dịch heo châu Phi lan nhanh, nhiều hộ chăn nuôi heo đã chuyển sang nuôi gia cầm Trong ảnh: Một hộ chăn nuôi vịt ở xã Thừa Đức (huyện Cẩm Mỹ). Ảnh: B.Nguyên
Khi dịch heo châu Phi lan nhanh, nhiều hộ chăn nuôi heo đã chuyển sang nuôi gia cầm Trong ảnh: Một hộ chăn nuôi vịt ở xã Thừa Đức (huyện Cẩm Mỹ). Ảnh: B.Nguyên

Hiện tổng đàn heo của Đồng Nai chỉ còn gần 1,6 triệu con, giảm hơn 40% tổng đàn so với hồi đầu năm khi chưa xảy ra dịch ASF. Đàn heo giảm mạnh chủ yếu là ở khu vực chăn nuôi nhỏ lẻ.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Huỳnh Thành Vinh: “Phần lớn ổ dịch ASF tập trung ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ là do các hộ chăn nuôi này thực hiện không đầy đủ các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, đa số là trại chăn nuôi hở, điều kiện vệ sinh kém. Bài toán nan giải nhất hiện nay là mấy chục ngàn hộ chăn nuôi heo nếu không giữ được nghề thì phải chuyển đổi như thế nào”.

* Lúng túng trong chuyển đổi nghề

Hàng ngàn hộ chăn nuôi heo trên địa bàn Đồng Nai đã mất cơ nghiệp, mất nghề do bị dịch ASF tấn công đang lúng túng trong việc chuyển đổi ngành nghề. Còn hàng ngàn hộ chăn nuôi heo khác cũng đang đối mặt với nguy cơ sẽ mất đàn heo, mất nghề mưu sinh do dịch ASF vẫn tiếp tục lan nhanh. Đây là bài toán nan giải với nhiều địa phương.

Ông Ngô Thanh Tùng, Trưởng phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Thống Nhất dẫn chứng, đầu năm, tổng đàn heo của toàn huyện khoảng 480 ngàn con nhưng hiện giảm xuống chỉ còn hơn 200 ngàn con. Trong đó, có gần 600 hộ bị dịch ASF với tổng số heo bị tiêu hủy trên 78,6 ngàn con.

Trung bình mỗi tuần, số lượng heo tiêu hủy của huyện Thống Nhất tăng lên hàng ngàn con. “Riêng các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ giảm từ hơn 3 ngàn hộ xuống còn gần 1,5 ngàn hộ. Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ còn lại cũng khó tồn tại trong tình hình chăn nuôi khó khăn và dịch bệnh hoành hành như hiện nay. Giải quyết việc làm và chuyển đổi nghề cho hàng ngàn hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong thời gian tới là bài toán nan giải với địa phương” - ông Tùng nói.

Khu thí điểm chăn nuôi tập trung tỉnh Đồng Nai (LPZ) tại xã Gia Tân 2 (huyện Thống Nhất) là khu thí điểm duy nhất của Đồng Nai và trong cả nước được Ngân hàng Thế giới và Ban Quản lý trung ương dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (Lifsap) chấp thuận hỗ trợ đầu tư. Đa số các hộ chăn nuôi trong Khu LPZ đều tham gia tổ hợp tác áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn (GAHP), đã và đang thực hiện chứng nhận VietGAHP nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của chăn nuôi hộ gia đình khi tham gia vào chuỗi chăn nuôi an toàn với đầu ra bền vững. Tuy nhiên, các hộ chăn nuôi trong khu này cũng đang điêu đứng vì dịch ASF.

Theo ông Vũ Viết Đệ, Tổ trưởng Tổ hợp tác GAHP 01 trong Khu LPZ, trong khu LPZ này chưa có nhiều hộ chăn nuôi bị lây dịch ASF, nhưng nhiều hộ đã bỏ nghề vì suốt thời gian xảy ra dịch ASF, heo hơi bán ra thị trường liên tục đứng ở mức thấp, rủi ro dịch bệnh lại quá lớn. “Những hộ cố giữ nghề cũng buộc phải giảm đàn, thu nhỏ quy mô nuôi vì không còn nhiều vốn liếng để cầm cự. Một số hộ bỏ nuôi heo chuyển qua nuôi gà cũng đối mặt với nguy cơ nợ nần vì giá gà hiện cũng đang giảm sâu. Rất nhiều hộ chăn nuôi gặp khó khăn vì nợ nần lại không có việc làm” - ông Đệ xót xa.

Đàn gia cầm đang tăng nhanh

Hiện tổng đàn gia cầm của Đồng Nai đang tăng nhanh. Cụ thể, tổng đàn gà hiện có khoảng 28 triệu con, tăng gần 6 triệu con so với cuối năm 2018. Ngoài ra, đàn cút đạt trên 6,6 triệu con; đàn vịt, ngan, ngỗng đạt gần 1,2 triệu con, tăng cả triệu con so với cùng kỳ năm ngoái. Giá gà công nghiệp bán tại trại chỉ khoảng 18 ngàn đồng/kg, thấp hơn từ 3-5 ngàn đồng/kg so với giá thành sản xuất. Giá gà ta thả vườn, vịt, cút cũng dao động ở mức thấp.

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, tổng đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh tăng mạnh do thời gian qua người nuôi heo bỏ nghề chuyển sang nuôi gia cầm nhiều. Ngoài ra, dự báo thị trường sẽ bị thiếu hụt nguồn thịt heo do ảnh hưởng dịch ASF, ngành chăn nuôi gia cầm thu hút thêm nhiều dự án đầu tư mới cả ở khu vực tư nhân và doanh nghiệp. Trong đó, mảng chăn nuôi gà thả vườn cũng dần chuyển hướng theo quy mô công nghiệp, góp phần làm tổng đàn tăng nhanh.

Bình Nguyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,093,762       2/932