Kinh tế

Huyện Trảng Bom: Đưa công nghệ 4.0 vào sản xuất

Thời gian gần đây, ngày càng có nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ở Trảng Bom tham gia thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa thông qua việc đổi mới công nghệ sản xuất.

Công nhân Công ty hữu hạn cơ khí động lực toàn cầu (thuộc VPIC Group, Khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom) đang làm việc. Ảnh: L.An
Công nhân Công ty hữu hạn cơ khí động lực toàn cầu (thuộc VPIC Group, Khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom) đang làm việc. Ảnh: L.An

Việc các doanh nghiệp FDI đưa công nghệ tân tiến vào sản xuất với mục tiêu tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh đã góp phần vào tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đồng thời tăng chất lượng nguồn nhân lực cho tỉnh.

* Những tín hiệu đáng mừng

Trên địa bàn huyện Trảng Bom hiện có nhiều doanh nghiệp đang là đối tác sản xuất, gia công cho các tập đoàn kinh tế toàn cầu. Điển hình như Tập đoàn Phong Thái có 3 công ty con đang là đối tác của Nike; Tập đoàn Kenda với 2 nhà máy sản xuất lốp xe xuất khẩu chính vào thị trường Mỹ; Vpic Group với 3 công ty chuyên các sản phẩm công nghiệp chính xác như khung, sườn xe cho các thương hiệu xe 2 bánh và xe đua công thức, xe đua địa hình như: BRP, Harley Davidson, Ducati, Honda, Yamaha Suzuki... Nhiều công ty là thành viên, là đối tác cung cấp sản phẩm, thiết bị cho các tập đoàn lớn trên thế giới.

Khi các nhà máy là đối tác, là thành viên của các tập đoàn kinh tế toàn cầu thì vấn đề sản xuất ra sản phẩm gì, tiêu chuẩn chất lượng ra sao tùy thuộc vào yêu cầu của đối tác. Để đáp ứng yêu cầu khắt khe về chất lượng, giá thành, các doanh nghiệp buộc phải đầu tư mạnh vào dây chuyền công nghệ, nhân lực cho sản xuất.

Ông Lee Yu Chi, Chủ tịch Vpic Group cho rằng, trong quá trình hoạt động, Vpic Group rất quan tâm đến vấn đề ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tân tiến vào sản xuất. Chẳng hạn, nhà máy ép nóng được trang bị máy cắt, máy tiện, phay, cán, đặc biệt là dây chuyền rèn thép nóng với khối lượng 600 tấn, 1 ngàn tấn và 1,6 ngàn tấn và dây chuyền dập nhôm 600 tấn. Nhà máy công cụ có máy cắt dây EDM, máy CNC, máy cắt laser 2D, 3D. Nhà máy hàn với hệ thống các robot được lập trình sẵn có thể hàn tất cả các loại khung, sườn xe có độ phức tạp cao hoặc nhà máy in có dụng cụ chuyên biệt hiện đại in trên mặt cong...

VPIC Group là nhà đầu tư rất xem trọng việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất. Chính yếu tố máy móc đặt ra yêu cầu họ phải có nguồn nhân lực tương xứng để vận hành, tận dụng lợi thế của công nghệ.

Công ty TNHH Y.K Vina là doanh nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu sang Hàn Quốc và một số nước châu Á. Do đó, vấn đề đảm bảo vệ sinh môi trường trong sản xuất được quan tâm. Quy trình sản xuất được giám sát chặt chẽ bởi các chuyên gia thực phẩm Hàn Quốc và được quản lý nghiêm ngặt bởi hệ thống quản lý ISO 22000:2005 tích hợp với nguyên tắc phòng ngừa mối nguy an toàn thực phẩm là HACCP. Công ty hiện có hệ thống dây chuyền tự động từ khâu sàng lọc, rang, xay đến ép dầu mè, dầu lá tía tô.  Bên cạnh đó, công ty này cũng đầu tư dây chuyền đóng chai hoàn toàn khép kín công nghệ Italy.

* Khuyến khích sản xuất sạch

Đại diện Công ty TNHH Y.K Vina cho rằng, đầu tư công nghệ để tăng năng suất, tăng chất lượng sản phẩm, tăng lợi thế cạnh tranh là điều mà hầu hết các doanh nghiệp đều mong muốn. Với doanh nghiệp chế biến nông sản thì công nghệ sản xuất càng quan trọng hơn vì liên quan trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, làm nên thương hiệu của doanh nghiệp. Việc đầu tư hệ thống quy trình sản xuất khép kín đã giúp công ty kiểm soát được chất lượng sản phẩm, kiểm soát được ô nhiễm môi trường do mùi và khói phát tán ra bên ngoài. Với công suất trung bình là 1 ngàn tấn nguyên liệu thô/ngày, công ty chỉ cần hơn 100 công nhân chia ca vận hành máy.

Đoàn công tác của tỉnh kiểm tra môi trường lao động tại Công ty TNHH Y.K Vina (KCN Giang Điền). Ảnh: L.An
Đoàn công tác của tỉnh kiểm tra môi trường lao động tại Công ty TNHH Y.K Vina (KCN Giang Điền). Ảnh: L.An

Một số doanh nghiệp khác cũng đang từng bước đưa công nghệ tự động hóa, robot, các phầm mềm thiết kế và điều khiển chuyên dụng vào thay thế các công đoạn từ đơn giản đến phức tạp. Đây là tín hiệu tích cực góp phần tạo sự thay đổi công nghệ và thúc đẩy sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện phát triển đúng hướng.

Ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất để tăng lợi nhuận, tăng khả năng cạnh tranh là mục tiêu chung của các doanh nghiệp và phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên, trên thực tế, đại đa số doanh nghiệp chưa thể một lúc thay đổi hoàn toàn công nghệ sản xuất hiện tại sang công nghệ hiện đại bởi chi phí đầu tư lớn, nhân lực để vận hành công nghệ chưa đáp ứng yêu cầu.

Nhiều năm qua, Đồng Nai là tỉnh dẫn đầu cả nước về phát triển công nghiệp. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp - xây dựng của tỉnh luôn giữ mức 12%/năm, sản phẩm công nghiệp xuất khẩu ngày càng đa dạng, kết quả này một phần nhờ các doanh nghiệp chủ động mở rộng thị trường, đầu tư đổi mới trang thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh.

Mục tiêu hiện nay của tỉnh là hướng đến nền công nghiệp hiện đại, giá trị gia tăng cao, do đó, ngay từ khâu thu hút đầu tư đã có sự lựa chọn, kiên quyết từ chối các dự án đầu tư công nghệ thấp, lạc hậu, có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường. Đối với các doanh nghiệp đang hoạt động, tỉnh ban hành chính sách đồng hành với doanh nghiệp sản xuất sạch hơn trong công nghiệp.

Lê An

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,092,841       3/958