Kinh tế

Bài 2: Vì sao người dân 'ngại' đi xe buýt?

Dù trong thời gian qua, xe buýt đã là phương tiện đi lại hằng ngày của nhiều người dân, nhưng có một thực tế đáng quan tâm là lượng khách sử dụng phương tiện này ngày càng giảm.

TIN LIÊN QUAN

Tuyến xe buýt số 9 từ TP.Biên Hòa đi huyện Trảng Bom đã cũ kỹ, xuống cấp trầm trọng. Ảnh: T. Hải
Tuyến xe buýt số 9 từ TP.Biên Hòa đi huyện Trảng Bom đã cũ kỹ, xuống cấp trầm trọng. Ảnh: T. Hải

Theo đánh giá của Phòng Quản lý vận tải phương tiện (Sở Giao thông - vận tải) giai đoạn năm 2005-2013, xe buýt phát triển nhanh, mạnh. Số lượng người dân đi xe buýt trong giai đoạn này tăng đáng kể. Tuy nhiên, giai đoạn 2013-2015, số người đi xe buýt sụt giảm dần.

* Bất cập về chất lượng

Có nhiều nguyên nhân khiến người dân không “mặn mà” với xe buýt như: phương tiện đã cũ kỹ, xuống cấp, thái độ phục vụ thiếu chuyên nghiệp, hạ tầng giao thông còn yếu kém… Dù mạng lưới xe buýt tăng nhanh về số lượng, song theo đánh giá của nhiều người, chất lượng dịch vụ của hệ thống xe buýt nói chung còn khá bất cập. Hành khách đi xe buýt phải phụ thuộc vào lịch trình các tuyến cũng như khung giờ xe buýt hoạt động nên thời gian chờ đợi ở một số tuyến xe buýt còn lâu.

Xử phạt nhiều xe buýt vi phạm an toàn giao thông

Trung tâm quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng Đồng Nai cho biết, từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã xử phạt hơn 1,3 ngàn trường hợp xe buýt vi phạm an toàn giao thông như: chạy quá tốc độ, dừng, đậu quá thời gian quy định, không xé vé, thu tiền quá giá quy định… Ngoài ra, đơn vị còn tiếp nhận 37 trường hợp phản ảnh của hành khách qua đường dây nóng về việc vi phạm của đội ngũ lái xe và nhân viên phục vụ trên các tuyến xe buýt thiếu chuyên nghiệp, lịch sự.

Chị Hoàng Thị Hiền, công nhân Công ty TNHH Pouchen Việt Nam (phường Hóa An, TP.Biên Hòa) phản ảnh, chị thường xuyên đi lại trên tuyến xe buýt số 3. Hôm nào được đi xe mới thì ngồi thoải mái, nếu gặp phải xe cũ chạy giằng xóc liên tục rất mệt mỏi. Chưa kể, khi đi trên đường xảy ra ùn tắc thì chị đến công ty trễ. Việc này, ảnh hưởng không chỉ đến sức khỏe mà công việc cũng bị gián đoạn.

Trong khi đó, ông Lê Thành Danh (ngụ thị trấn Dầu Giây, huyện Thống Nhất) bức xúc: “Nhiều đợt tôi bắt xe tuyến số 601 đi TP.Hồ Chí Minh rơi vào những ngày cao điểm, lễ tết nên tình trạng quá tải, dồn ép khách xảy ra thường xuyên. Không ít lần tôi bất bình khi xe buýt đi không đúng lịch trình, bỏ khách xuống trạm cách điểm cần đến cả cây số”.

Hiện nay, nhiều xe buýt đã cũ, chất lượng xuống cấp trầm trọng. Trong đó, hàng loạt tuyến xe buýt đường dài, đi các tỉnh, thành khác vỏ bọc ghế trên xe bị rách, màu sơn xe bị bong tróc trông rất nhếch nhác ảnh hưởng không nhỏ đến mỹ quan đô thị; một số xe thường xuyên hư hỏng giữa đường cùng với đó là sự nóng nực vì không được trang bị máy lạnh (hoặc máy lạnh có nhưng không hoạt động được) gây bất tiện cho người dân.

Nhìn nhận từ thực tế, hiện lượng khách đi lại giảm rõ rệt, một số tuyến xe buýt lâm vào tình trạng ế khách hoặc hoạt động cầm chừng. Mới đây nhất, Sở Giao thông - vận tải đã quyết định ngưng hoạt động tuyến xe buýt không trợ giá số 4 từ TP.Biên Hòa đi huyện Cẩm Mỹ kể từ cuối tháng 7-2019.

Theo thống kê của Sở Giao thông - vận tải, trong tổng số hơn 400 xe buýt đang hoạt động có khoảng 20% số xe được sản xuất từ năm 2005 trở về trước, trên 70% số xe được sản xuất từ năm 2006-2010, chỉ có 10% số xe được sản xuất từ năm 2010 đến nay. Với việc nhiều xe buýt có tuổi thọ cao đã đặt ra yêu cầu phải thay thế phương tiện cũ. Tuy nhiên, để đầu tư một chiếc xe buýt mới, chất lượng cao có giá trị tiền tỷ nên không thể thay đổi nhanh chóng và cùng lúc.

Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ vận tải Phương Lâm (huyện Tân Phú) Nguyễn Đức Dục cho rằng, tuyến xe buýt số 16 (từ TP.Biên Hòa đi huyện Tân Phú) thường xuyên bị quá tải và nhiều xe xuống cấp. Hợp tác xã đã kêu gọi đầu tư, nhưng ít người tham gia vì sợ lỗ. Với chi phí bỏ ra rất lớn (khoảng 2 tỷ đồng/xe) để đầu tư phương tiện như hiện nay, trong khi nhu cầu của người dân giảm mạnh thì rất khó để thu hồi vốn, chưa nói đến làm ăn có lãi.

* Chưa có xe buýt vào tận các khu công nghiệp

Nhu cầu sử dụng xe buýt trong dân vẫn còn nhiều nhưng do việc tiếp cận khó khăn như: phải đi xa mới đến điểm chờ xe buýt, chưa có tuyến buýt kết nối đến các khu vực dân cư, đặc biệt là các khu công nghiệp... do đó xe buýt chưa thực sự hấp dẫn. Đây cũng là những nguyên nhân khiến số lượng hành khách đi xe buýt sụt giảm trong vài năm trở lại đây.

Đồng Nai hiện có 31 khu công nghiệp đi vào hoạt động với hàng ngàn doanh nghiệp lớn nhỏ, kéo theo đó là một lượng lớn công nhân, người lao động đến làm việc. Nhiều địa phương như: TP.Biên Hòa, các huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom… khu công nghiệp tập trung dày đặc, tuy nhiên mạng lưới xe buýt chưa thể tiếp cận được.

Biểu đồ thể hiện tuổi thọ xe buýt đang vận hành (Thông tin: Thanh Hải - đồ họa: Dương Ngọc)
Biểu đồ thể hiện tuổi thọ xe buýt đang vận hành (Thông tin: Thanh Hải - đồ họa: Dương Ngọc)

Theo Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch Lê Thành Mỹ, địa phương có 10 khu công nghiệp, một số trục đường chính có xe buýt đi qua nhưng mật độ phân bố không đều, mức độ bao phủ tại các khu trung tâm, dân cư còn hạn chế. Mạng lưới kết nối từ khu vực dân cư đến các công ty, xí nghiệp còn mỏng và thiếu. Ít xe buýt, công nhân phải đi xe cá nhân đến nơi làm việc, điều này dẫn đến nguy cơ gia tăng ùn tắc và tai nạn giao thông.

Đồng quan điểm này, ông Võ Văn Phi, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu cho hay, hai tuyến đường trên địa bàn hiện nay là tỉnh lộ 767 (đi huyện Trảng Bom) và tỉnh lộ 768 (đi TP.Biên Hòa) đang trong tình trạng quá tải. Vào giờ cao điểm buổi sáng và chiếu tối, hàng vạn xe máy của công nhân chen chúc nhau di chuyển trên đường. Đường hẹp, xe đông lại lưu thông hỗn hợp với các loại xe tải, xe container khiến tình hình trật tự an toàn giao thông trở nên phức tạp.

Theo Ban An toàn giao thông tỉnh, số lượng xe đưa rước công nhân của các doanh nghiệp mới chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu đi lại bằng phương tiện này. 80% còn lại, công nhân tự túc bằng xe cá nhân để đến nơi làm việc. Trong khi đó, vận tải bằng xe buýt chỉ mới đáp ứng khoảng 5% nhu cầu của người dân.

Ông Phi chỉ ra rằng, cần xem xét “kéo dài” các tuyến buýt vào sâu trong các khu dân cư đang đô thị hóa, các khu công nghiệp để thu hút thêm người dân, công nhân đi xe buýt nhằm hạn chế xe cá nhân. Các tuyến xe phải xây dựng lộ trình thích hợp nhằm tăng sự hấp dẫn với người đi xe. Không để hành khách phải chờ lâu hoặc lúc quá vắng khách, lúc lại quá tải vào giờ cao điểm.

Kinh tế phát triển nên nhu cầu đi lại, vận chuyển gia tăng, nhưng hệ thống giao thông công cộng, hạ tầng giao thông không theo kịp, người dân phải tự “cứu” lấy mình bằng việc sắm xe cá nhân. Do đó, lượng xe cá nhân trong những năm qua trên địa bàn tỉnh ngày một tăng.

Số liệu thống kê từ Công an tỉnh cho thấy, trong năm 2018 lượng phương tiện giao thông đăng ký mới trên địa bàn tiếp tục tăng cao với hơn 14,8 ngàn ô tô và gần 136 ngàn mô tô, xe máy. So với năm 2017, ô tô đăng ký mới tăng 36,4% (với gần 4 ngàn phương tiện), xe mô tô tăng 12,6% (với hơn 15 ngàn xe). Đến nay, tổng số phương tiện do Công an tỉnh quản lý là 2,2 triệu xe: gồm 2,1 triệu mô tô, xe máy và hơn 127 ngàn ô tô.

Thiếu tá Nguyễn Hải Dương, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông nhận định: “Đây chỉ là số phương tiện đăng ký chính thức tại Đồng Nai, còn lượng xe ngoài tỉnh lưu thông trên địa bàn chắc chắn sẽ dao động nhiều hơn. Nhiều xe cá nhân sẽ sinh ra ùn tắc là chuyện khó tránh khỏi, vào giờ cao điểm tại các khu vực, nút giao thông phức tạp lực lượng chức năng phải “căng mình” để xử lý, phân luồng”.

Thanh Hải

Bài 3: Đổi mới để tự cứu mình

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,093,013       7/944