Kinh tế

Không dễ quản lý, chế tài

Hiện nay xu hướng tích hợp các ứng dụng điện thoại (app) để thanh toán không dùng tiền mặt, vay vốn ngày càng nhiều bởi sự tiện lợi, nhanh gọn.

Một số quảng cáo, giao diện của các ứng dụng (app) cho vay trực tuyến (ảnh chụp màn hình)
Một số quảng cáo, giao diện của các ứng dụng (app) cho vay trực tuyến (ảnh chụp màn hình)

TIN LIÊN QUAN
Tuy nhiên, trên thực tế cũng đã xuất hiện một số app của các công ty và nhà đầu tư chưa hiểu đúng tính chất của cho vay ngang hàng (P2P Lending) hoặc hoạt động biến tướng nên dẫn đến tiềm ẩn nhiều rủi ro, hệ lụy. Công tác quản lý hoạt động cho vay qua app, cho vay trên nền tảng công nghệ vẫn đang gặp khó khăn.

* Chưa có khung pháp lý hoàn chỉnh

Giữa tháng 9 vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 10508/KH-UBND tỉnh về việc triển khai Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25-4-2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, phân công trách nhiệm cụ thể cho Công an tỉnh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai và các sở, ngành, đơn vị liên quan tăng cường công tác phối hợp, đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”, tổ chức các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm trên phạm vi toàn tỉnh và không gian mạng để xử lý quyết liệt các loại tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, lừa đảo chiếm dụng tài sản thông qua hình thức huy động vốn…

Ông Phạm Quốc Bảo, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai chia sẻ, hiện nay nước ta vẫn chưa có khung pháp lý hoàn chỉnh điều chỉnh hoạt động cho vay ngang hàng. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang nghiên cứu xây dựng một khuôn khổ pháp lý để phát huy những mặt tích cực của sản phẩm dịch vụ này, đảm bảo phòng ngừa, giảm thiểu các rủi ro.

Theo khuyến cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hoạt động cho vay ngang hàng được thiết kế và xây dựng trên nền tảng công nghệ số, kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay (nhà đầu tư) mà không thông qua trung gian tài chính.

Theo đó, toàn bộ hoạt động vay, trả nợ (gốc, lãi) giữa người đi vay và người cho vay được nền tảng giao dịch trực tuyến của công ty P2P Lending, ghi nhận và lưu trữ bằng các bản ghi điện tử, số hóa trên hệ thống cơ sở dữ liệu của công ty vận hành đó, được đăng tải cho khách hàng đăng ký tham gia nền tảng truy cập... Trên thực tế hoạt động cho vay ngang hàng có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro cho vay, rủi ro về thông tin, phòng chống rửa tiền, an ninh mạng…

Đại diện Phòng Công nghệ thông tin - viễn thông (Sở Thông tin - truyền thông) cho hay, hiện nay bên cạnh các app của các ngân hàng hay tổ chức tín dụng chính thống giới thiệu các gói cho vay trực tuyến theo đúng lãi suất quy định, tuân thủ pháp luật, thì vẫn còn một số app khác không chính thống tiềm ẩn nguy cơ biến tướng “tín dụng đen”.

Khác với các giao diện website có tên miền, địa chỉ IP rõ ràng, các app điện thoại là các phần mềm ứng dụng có cơ chế hoạt động đơn giản hơn, có thể tải về và gỡ bỏ tùy theo nhu cầu của người dùng. Do đó, vấn đề sử dụng hay không sử dụng các app cho vay phụ thuộc vào hành vi của người sử dụng app.

* Chủ động phối hợp để đẩy lùi “tín dụng đen”

Ông Phạm Quốc Bảo cho biết thêm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai đã có văn bản tham mưu UBND tỉnh về việc chỉ đạo các đơn vị, sở, ban, ngành, đoàn thể triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng góp phần ngăn chặn, đẩy lùi “tín dụng đen”.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai sẽ tiếp tục tăng cường công tác phối hợp với Công an tỉnh, các sở, ngành liên quan, sẵn sàng vào cuộc cùng các cơ quan, ban, ngành, chính quyền địa phương ngăn chặn tình trạng cho vay “tín dụng đen”, trong đó có các hoạt động cho vay ngang hàng biến tướng “tín dụng đen” trên không gian mạng, dựa trên các nền tảng công nghệ cao…

Theo Sở Thông tin - truyền thông, trong thời gian tới Sở sẽ cùng các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan tăng cường công tác quản lý các nội dung quảng cáo, đăng tải trên báo chí, môi trường mạng, xuất bản phẩm và quảng cáo tích hợp trên các sản phẩm dịch vụ bưu chính - viễn thông, công nghệ thông tin; không cho đăng bài, xóa các bài viết quảng cáo trái phép liên quan đến “tín dụng đen”.

Đồng thời rà soát, thu hồi sim “rác”, tạm ngừng cung cấp dịch vụ viễn thông hoặc thu hồi về kho số viễn thông đối với các thuê bao thực hiện nhắn tin, đăng tin, rao vặt, quảng cáo nội dung liên quan đến “tín dụng đen”, cho vay ngang hàng, vay trực tuyến không đúng với quy định của pháp luật…  

Sở sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan thông tin, tuyên tuyền về các app cho vay trực tuyến chính thống, cũng như cảnh báo, khuyến cáo người dân nên cẩn trọng với những app, website có những thông tin về hình thức vay vốn, lãi suất cho vay không rõ ràng, không phù hợp với các quy định hiện hành của pháp luật.

Các chuyên gia khuyến cáo người dân không nên tin vào những quảng cáo cho vay tiền thông qua các app ứng dụng, kênh thông tin trực tuyến mà không cần điều kiện; chủ động tìm hiểu thông tin, trang bị thêm kiến thức để khi vay vốn dù thủ tục đơn giản thế nào cũng cần dựa trên những ràng buộc về lãi suất, hình thức vay vốn, phương thức chuyển - nhận tiền…

Đồng thời, người dùng app cũng lưu ý vấn đề bảo mật thông tin, tránh trường hợp để các app lợi dụng truy cập thông tin cá nhân, danh bạ điện thoại và hạn chế tình trạng bị mắc bẫy những app cho vay biến tướng “tín dụng đen”.

Hoàng Hải

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,088,367       1/1,132