Xã hội

Thu gom rác thải y tế còn vướng mắc

Phần lớn rác thải y tế tại các cơ sở y tế công lập đã được thu gom, xử lý. Tuy nhiên, việc xử lý rác thải y tế ở một số cơ sở y tế tư nhân, nhất là các phòng mạch tư ở các địa phương vẫn chưa được thu gom và xử lý đúng quy định.

Nhiều lò đốt rác thải y tế vẫn chưa hoạt động hết công suất, trong khi rác thải y tế vẫn chưa được thu gom hết. Trong ảnh: Công nhân của Công ty cổ phần môi trường Sonadezi thực hiện công đoạn đốt rác thải y tế.  Ảnh: Đ.Ngọc
Nhiều lò đốt rác thải y tế vẫn chưa hoạt động hết công suất, trong khi rác thải y tế vẫn chưa được thu gom hết. Trong ảnh: Công nhân của Công ty cổ phần môi trường Sonadezi thực hiện công đoạn đốt rác thải y tế. Ảnh: Đ.Ngọc

Bà Quách Ngọc Bửu, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần môi trường Sonadezi, cho biết hiện công ty thực hiện thu gom rác y tế chủ yếu tại TP.Biên Hòa với hầu hết các cơ sở y tế công lập và tư nhân. Tại các huyện, công ty thực hiện thu gom tại 3 bệnh viện chưa được đầu tư lò đốt rác là: Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh, Bệnh viện đa khoa huyện Tân Phú, Bệnh viện  đa khoa huyện Nhơn Trạch và các trung tâm y tế huyện, phòng khám đa khoa lớn. Công ty chưa tiến hành thu gom hết rác thải y tế ở các phòng khám tư nhân nhỏ, lẻ trong tỉnh.

* Chưa được thu gom hết

Cụ thể, ở TP.Biên Hòa công ty mới tiến hành thu gom rác thải y tế của 377/680 cơ sở y tế tư nhân, đạt tỷ lệ 55,4%. Số còn lại chủ yếu là các phòng khám nhỏ, lẻ chưa được thu gom rác thải y tế. Nguyên nhân chính là do nhiều phòng khám tư nhân có phát sinh rác y tế nhưng không ký hợp đồng với công ty hoặc tự xử lý rác không đúng quy định. Riêng tại các huyện, số lượng rác thải y tế tại các phòng khám nhỏ, lẻ cũng chưa được thu gom nhiều, nhất là các huyện vùng sâu, vùng xa. Vì nhiều nơi ở xa, lượng rác giao mỗi lần với khối lượng ít nên không đảm bảo chi phí thu gom của công ty. 

Bên cạnh đó, để lập hồ sơ xin cấp giấy phép hoạt động của phòng khám, các cơ sở y tế phải tiến hành ký kết hợp đồng với Công ty cổ phần môi trường Sonadezi để thu gom rác thải y tế phát sinh. Tuy nhiên, sau khi được Sở Y tế cấp phép hoạt động, một số cơ sở y tế đã thanh lý hợp đồng trước thời hạn. Vì thế, công ty gặp nhiều khó khăn trong công tác báo cáo với các sở, ngành và bố trí nhân công, phương tiện thực hiện thu gom rác theo các tuyến đường đã được vạch tuyến.

Từ tháng 9-2014, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn lây nhiễm tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh (giai đoạn 2014-2020). Theo đề án này, toàn tỉnh sẽ có 10 lò đốt rác thải y tế tại 10 bệnh viện ở cấp huyện và sử dụng 1 lò đốt tại Nghĩa trang Biên Hòa xử lý rác thải y tế ở TP.Biên Hòa. Lò đốt ở bệnh viện địa phương nào sẽ xử lý rác thải y tế ở các cơ sở y tế Nhà nước và tư nhân của địa phương đó. Tuy nhiên, cho đến nay tỉnh mới đầu tư xây lò đốt rác thải y tế cho 7 bệnh viện ở 7 huyện, còn 3 địa phương chưa đầu tư do đang có dự án xây dựng bệnh viện mới.

* Thống nhất một đầu mối thu gom rác

Đề án thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn lây nhiễm tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh có hiệu lực từ tháng 9-2014, được xây dựng dựa theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, chủ yếu nêu phương án xử lý rác mà chưa đề cập đến việc thu gom rác thải y tế, nên khi triển khai thực hiện đã gặp vướng mắc khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 có hiệu lực từ ngày 1-1-2015. Vì theo luật mới, các điều kiện của cơ sở xử lý chất thải có yêu cầu cao hơn, như: yêu cầu phải có giấy phép hành nghề quản lý rác thải y tế, điều kiện vận chuyển rác thải y tế phải có xe chuyên dùng và thẩm quyền cấp phép xử lý chất thải nguy hại thuộc Bộ Tài nguyên - môi trường, không còn thuộc thẩm quyền của tỉnh. Với quy định mới, các bệnh viện đã được đầu tư lò đốt không thể đáp ứng được yêu cầu về điều kiện của cơ sở xử lý chất thải nguy hại.


Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp đề nghị các sở, ngành nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tính toán cho các lò đốt rác của bệnh viện chưa hết công suất được xử lý rác luôn cho tất cả các phòng khám xung quanh đó. Nếu không chỉ cần một lượng nhỏ rác thải y tế không được xử lý cũng gây ô nhiễm môi trường rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.

Đến nay, do có nhiều quy định mới nên phương án thu gom và xử lý chất thải rắn lây nhiễm tại các cơ sở y tế đã nhiều lần thay đổi. Mới nhất là cuối năm 2015, Sở Y tế đã đề nghị UBND tỉnh giao cho doanh nghiệp có đủ điều kiện theo quy định thu gom, vận chuyển, rác thải y tế trên địa bàn tỉnh, riêng 7 bệnh viện ở các huyện đã được xây dựng lò đốt thì xử lý rác thải phát sinh tại bệnh viện. Cụ thể, UBND tỉnh đã chấp thuận cho Công ty cổ phần môi trường Sonadezi mở rộng địa bàn vận chuyển, thu gom rác thải y tế. Công ty đã xây dựng phương án thu gom rác y tế trên địa bàn tỉnh và đã gửi Sở Tài nguyên - môi trường xem xét trình UBND tỉnh phê duyệt. Sau khi phương án được phê duyệt, công ty sẽ triển khai thực hiện dịch vụ đến các huyện.

Tại buổi làm việc với ngành y tế vào tháng 5-2016, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp cho rằng hiện nay trong tỉnh vẫn còn nhiều lò đốt rác thải y tế ở các bệnh viện chưa hoạt động hết công suất, trong khi nhiều nơi, nhất là vùng sâu, vùng xa, rác thải y tế vẫn chưa được thu gom và xử lý. Nếu cần thiết phải xã hội hóa, giao cho doanh nghiệp xử lý công việc này chứ không thể để rác thải y tế tồn đọng bên ngoài.

Đặng Ngọc

Đồng Nai

© 2021 FAP
  65,582,566       173/3,320