Xã hội

Biết bơi liệu đã đủ?

Trước nhiều vụ đuối nước đau lòng xảy ra trong cả nước nói chung và trong tỉnh nói riêng, vấn đề dạy bơi - học bơi càng trở nên cấp thiết. Dạy bơi - học bơi là việc làm đúng và cần cấp, nhưng biết bơi liệu đã đủ?

Trước nhiều vụ đuối nước đau lòng xảy ra trong cả nước nói chung và trong tỉnh nói riêng, vấn đề dạy bơi - học bơi càng trở nên cấp thiết. Dạy bơi - học bơi là việc làm đúng và cần phải làm ngay, nhưng biết bơi liệu đã đủ?

Các em thiếu nhi học bơi tại Nhà thiếu nhi tỉnh.  Ảnh: N.SƠN
Các em thiếu nhi học bơi tại Nhà thiếu nhi tỉnh. Ảnh: N.SƠN

Theo bà Văn Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường phổ thông năng khiếu thể thao Đồng Nai, từng là vận động viên, huấn luyện viên bơi lội và hiện là Ủy viên Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam, người bơi giỏi vẫn có thể đuối nước nếu gặp phải rủi ro hoặc cứu người đuối nước khi không có phương pháp và kỹ năng.

* Những cái chết “tập thể”

Mặc dù đã có 2 con trai, nhưng vì muốn có thêm con gái để thủ thỉ chuyện trò nên sau nhiều năm vợ chồng anh L.Q.Đ. và chị N.T.V. (huyện Cẩm Mỹ) mới sinh được cô con gái út L.T.K.T. Thấy con năm nay đã lớn, cần có phòng riêng nên anh Đ. và chị V. bàn tính xây thêm phòng riêng cho con gái. Căn phòng mới vừa sơn xong, K.T. chưa kịp ở thì tai nạn ập đến. Buổi chiều ấy không chỉ khiến K.T. vĩnh viễn lìa xa cha mẹ, người thân mà còn là buổi chiều định mệnh của 2 bạn cùng lớp là Đ.V.H. và H.P.H. Khoảng 14 giờ ngày 31-3, K.T. và một số bạn cùng lớp vào khu vực Suối Cả chơi. Trong lúc đùa giỡn, em K.T. bị trượt chân ngã xuống suối và chới với giữa dòng nước. Thấy vậy, H.P.H. và Đ.V.H. nhảy xuống cứu nhưng cả 2 bị đuối sức và đều bị dòng nước nhấn chìm cùng với T. Những học sinh khác còn trên bờ hốt hoảng chạy về hô hoán người dân đến cứu, nhưng vì khu vực cách xa khu dân cư nên khi người dân đến vớt lên thì cả 3 đã tử vong.

Bà Văn Thị Hải Yến cho rằng, những nạn nhân khi gặp đuối nước thường hoảng loạn, bản năng sinh tồn rất lớn, dễ níu chặt bất cứ thứ gì trong tầm tay, kể cả người cứu. Đó cũng là lý do khiến cho các vụ đuối nước thường mang tính ‘’tập thể’’. Cứu đuối có 2 phương pháp là trực tiếp và gián tiếp. Phương pháp cứu đuối trực tiếp đúng là người cứu nhảy xuống, lặn và tiếp cận nạn nhân từ phía sau, tuyệt đối không để nạn nhân nhìn thấy mình. Phương pháp cứu đuối gián tiếp là phương pháp được sử dụng nhiều, đảm bảo an toàn cho người cứu. Sử dụng phương pháp này người cứu khi nhìn thấy nạn nhân thì ném ngay cho nạn nhân khúc cây, vật nhẹ nổi trên mặt nước hoặc sợi dây, cây sào... để giúp họ lên bờ hoặc hô hoán người xung quanh. Đối với các em thiếu nhi, bà Hải Yến khuyến cáo khi gặp bạn bè đuối nước cách tốt nhất là hô hoán người lớn xung quanh tới cứu, tuyệt đối không trực tiếp nhảy xuống cứu nạn nhân.

Đau thương lắng xuống chưa lâu thì dư luận lại tiếp tục rúng động trước thông tin vụ đuối nước thương tâm làm 2 trẻ tử vong tại khu vực đập thủy lợi Phước Bình, thuộc ấp 2, xã Phước Bình (huyện Long Thành) vào ngày 18-4.

Gần đây nhất là vụ đuối nước tại hố nước tưới rau thuộc KP.10, phường Hố Nai (TP.Biên Hòa) khiến 3 học sinh tử vong. Nỗi đau nào cũng giống nhau và không thể cân đong đo đếm, song với cha mẹ của 2 em B.Đ.L. và B.Đ.V, sự ra đi của các em là cú sốc quá lớn. Để sinh được 2 con và nuôi lớn, anh B.Đ.N và chị P.T.H. đã phải trải qua biết bao khó khăn, vất vả. Bản thân anh B.Đ.N. bị câm điếc bẩm sinh, chỉ làm được việc nhẹ ở nhà, còn vợ anh là chị P.T.H. làm nghề mua bán phế liệu nuôi sống cả gia đình. Cuộc sống mưu sinh tuy vất vả, nhưng nhìn thấy các con khôn lớn mỗi ngày bao nhiêu mệt nhọc trong chị đều tan biến hết. Thế nhưng chiều

23-6, tai nạn đáng tiếc xảy ra tại hố trữ nước tưới rau gần nhà đã cướp đi 2 con trai - niềm hạnh phúc và hy vọng mà bấy lâu nay anh chị dày công vun đắp. Vụ việc xảy ra gần một tháng, nhưng hình ảnh người mẹ vật vã khóc than bên 2 chiếc quan tài của 2 đứa con xấu số vẫn còn đọng lại trong tâm trí của những người đến thắp nhang vĩnh biệt 2 em lần cuối.

* Dạy trẻ kỹ năng tự bảo vệ mình

Ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch, cho biết hàng năm cứ vào dịp hè, ngành văn hóa đều phối hợp với các ngành tuyên truyền, nhắc nhở đến các em và các bậc phụ huynh về tình trạng đuối nước; trang bị kiến thức, kỹ năng cứu đuối cho giáo viên tổng phụ trách Đội, cán bộ phụ trách công tác trẻ em tại các xã, phường, thị trấn; chỉ đạo trung tâm văn hóa - thể thao các huyện vận động các chủ hồ bơi tại địa phương giảm giá vé cho thiếu nhi đến bơi vào dịp hè; duy trì lớp dạy bơi miễn phí cho các em thiếu nhi tại hồ bơi của Trung tâm thể dục - thể thao tỉnh. Đặc biệt trong tháng 6-2016, Sở Văn hóa - thể thao và du lịch đã trang bị 2 hồ bơi di động cho 2 huyện Định Quán và Cẩm Mỹ nhằm tạo điều kiện để thiếu nhi được học bơi miễn phí.

Các ban, ngành, đoàn thể tỉnh, huyện Cẩm Mỹ thăm động viên gia đình nạn nhân H.P.H. bị đuối nước ngày 31-3 tại xã Xuân Đường.
Các ban, ngành, đoàn thể tỉnh, huyện Cẩm Mỹ thăm động viên gia đình nạn nhân H.P.H. bị đuối nước ngày 31-3 tại xã Xuân Đường.

Bên cạnh sự vào cuộc của các sở, ban, ngành, trong hè này mô hình lớp học bơi miễn phí đang từng bước manh nha tại các huyện. Điển hình là Câu lạc bộ dạy bơi miễn phí huyện Định Quán do thầy giáo Nguyễn Văn Nghĩa, Trường THCS Thanh Sơn (huyện Định Quán), làm chủ nhiệm. Với sự đồng lòng của các thành viên câu lạc bộ, hỗ trợ giá của chủ hồ bơi và tạo điều kiện từ phía phụ huynh, lớp học bơi miễn phí đầu tiên được khai giảng đã giúp trên 100 em thiếu nhi biết bơi. Số lượng thiếu nhi được dạy bơi miễn phí chưa nhiều, song từ hiệu quả bước đầu của câu lạc bộ dạy bơi miễn phí cũng cho thấy nếu một huyện, thị, thành phố có một mô hình thì mỗi năm sẽ có hàng ngàn trẻ biết bơi. ‘’Tích tiểu thành đại’’, vấn đề phổ cập bơi sẽ sớm trở thành hiện thực.

Hố trữ nước tưới rau tại phường Hố Nai nơi xảy ra đuối nước khiến 3 em tử vong chiều 23-6.
Hố trữ nước tưới rau tại phường Hố Nai nơi xảy ra đuối nước khiến 3 em tử vong chiều 23-6.

Dạy bơi nhằm giảm thiểu đuối nước ở trẻ em là cần thiết và là chủ trương đúng cần tiếp tục làm và làm mạnh hơn bằng việc đẩy mạnh xã hội hóa một cách chuyên nghiệp. Đưa bơi lội vào trường học như một bộ môn bắt buộc là việc cần làm sớm, nhưng trước mắt theo bà Văn Thị Hải Yến, bên cạnh dạy bơi, cần trang bị thêm cho các em kiến thức, kỹ năng để tự bảo vệ chính mình. Trước hết, các cấp, các ngành, các phương tiện thông tin đại chúng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các em hiểu những nguy cơ gặp phải khi đến gần khu vực ao, hồ, sông, suối; trẻ chưa biết bơi thì tuyệt đối không nên chơi gần những nơi có ao, hồ, sông, suối. Đối với những trẻ biết bơi cần phải được thường xuyên tiếp xúc với nước cùng với sự giám sát của người lớn.

Những bước cứu trẻ bị đuối nước:

- Nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi mặt nước bằng mọi cách.

- Đặt trẻ nằm chỗ khô ráo, thoáng khí.

- Nếu trẻ bất tỉnh hãy kiểm tra xem trẻ còn thở hay không, từ đó có những biện pháp sơ cứu cần thiết, như: hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực.

- Sau khi nạn nhân tỉnh sẽ nôn ra nhiều nước, cần đặt nạn nhân ở tư thế nằm nghiêng, kê cao gối hai bên vai, nới rộng quần áo đề phòng trẻ ngạt thở trở lại.

- Kiểm tra xem trẻ có bị gãy cột sống hoặc chấn thương xương khớp không, nếu có thì cố định bằng nẹp.

- Lau khô người, thay quần áo và ủ ấm sau đó nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất (trên đường đi tiếp tục theo dõi hô hấp, tuần hoàn của trẻ).

Nga Sơn    

Đồng Nai

© 2021 FAP
  65,578,468       3/866