Xã hội

Chú trọng đào tạo nghề cho người khuyết tật

Người khuyết tật luôn mang nhiều mặc cảm, một số phải sống phụ thuộc vào sự giúp đỡ của người thân. Những năm qua, Phòng Lao động - thương binh và xã hội huyện Long Thành đã tích cực phối hợp mở các lớp đào tạo nghề cùng với nguồn vốn hỗ trợ từ các dự án, chương trình.

Qua đó giúp cho người khuyết tật có được nguồn thu nhập để tự nuôi sống bản thân và hòa nhập với cộng đồng xã hội.

Anh Tạ Minh Quang (phải) mở tiệm tạp hóa tại nhà nhờ nguồn vốn hỗ trợ người khuyết tật.
Anh Tạ Minh Quang (phải) mở tiệm tạp hóa tại nhà nhờ nguồn vốn hỗ trợ người khuyết tật.

Anh Tạ Minh Quang (ngụ khu Phước Thuận, thị trấn Long Thành) vốn là công nhân của một công ty ở Nhơn Trạch. Trong lúc vận hành máy, do sơ ý anh bị tai nạn dẫn tới phải cắt bỏ một phần cánh tay trái bị giập nát. Từ đó anh trở nên buồn chán khi gánh nặng kinh tế gia đình dồn hết cho người vợ. Năm 2012, thông qua dự án “Việc làm và an sinh xã hội cho người khuyết tật” triển khai trên địa bàn huyện, anh Quang được hỗ trợ 7 triệu đồng để mở tiệm bán hàng tạp hóa nhỏ tại nhà. Từ đó đến nay, mỗi tháng gia đình anh có được khoản thu nhập ổn định. Anh Quang phấn khởi nói: “Lúc trước kinh tế gia đình rất khó khăn, bản thân tôi không thể đi làm kiếm tiền, còn đồng lương của bà xã thì cũng ít ỏi. Nhưng từ khi bên dự án khuyết tật giúp đỡ cho gia đình một số vốn để làm ăn, tôi xác định mình phải cố gắng vươn lên chứ không thể cứ sống túng thiếu như vậy mãi được. Cũng nhờ mở tiệm bán tạp hóa mà nay gia đình đã có thêm thu nhập để xoay xở phần nào chi phí sinh hoạt”.

5 năm qua, Phòng Lao động - thương binh và xã hội huyện Long Thành đã phối hợp triển khai nhiều dự án, chương trình giúp đỡ người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, như: chương trình giảm nghèo, chương trình đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn... Trong đó, dự án “Việc làm và an sinh xã hội cho người khuyết tật” do Tổ chức phi chính phủ Handicap International tài trợ miễn phí, giúp 70 người khuyết tật được hỗ trợ học nghề cùng 544 triệu đồng tiền vốn để phát triển chăn nuôi heo, bò, gà, buôn bán nhỏ, sửa xe máy, cắt tóc... đã mang lại thu nhập từ 1-3 triệu đồng/hộ/tháng. Theo khảo sát, toàn huyện Long Thành có hơn 2 ngàn người khuyết tật dạng nặng do các nguyên nhân, như: dị tật bẩm sinh, biến chứng của bệnh, do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, di chứng chiến tranh...  Anh Huỳnh Tấn Bửu, người khuyết tật ở khu Cầu Xéo (thị trấn Long Thành), cho biết: “Khi được hỗ trợ 7 triệu đồng tiền vốn, tôi đã quyết định đầu tư nuôi 50 cặp bồ câu sinh sản, vì thấy công việc chăm sóc bồ câu nhẹ nhàng phù hợp với người khuyết tật như tôi. Đến nay đàn bồ câu đã phát triển lên 280 cặp, mỗi tháng bán bồ câu thịt và con giống mang lại thu nhập cho tôi từ khoảng 3 triệu đồng. Số tiền không nhiều nhưng tôi không còn phải sống phụ thuộc vào sự giúp đỡ của người thân trong gia đình nữa”.

Những chương trình huyện triển khai thực hiện trong thời gian qua về cơ bản đã giúp cho một số người khuyết tật vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu. Tuy nhiên, để kinh tế phát triển theo hướng bền vững, bản thân người khuyết tật cần phải cố gắng hơn nữa; bên cạnh đó cũng cần có sự hỗ trợ thêm nguồn vốn trong các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương cư trú. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp khảo sát, tổ chức đào tạo các ngành, nghề phù hợp với từng khả năng lao động của người khuyết tật, nhất là khu vực nông thôn, để mọi người khuyết tật đều có được thu nhập để tự nuôi sống bản thân” - bà Doãn Thị Nhàn, Phó trưởng phòng Lao động - thương binh và xã hội huyện Long Thành, cho biết.

Chí Tài

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,492,264       1/691