Xã hội

Nguy cơ ngộ độc thực phẩm cao

Chỉ trong vòng chưa đầy 10 ngày, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm và dị ứng cá ngừ khiến hơn 140 công nhân phải nhập viện cấp cứu.

Chỉ trong vòng chưa đầy 10 ngày, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm và dị ứng cá ngừ khiến hơn 140 công nhân phải nhập viện cấp cứu. Điều này khiến nhiều công nhân làm việc tại các khu công nghiệp trong tỉnh không khỏi lo lắng về chất lượng cũng như độ an toàn của bữa ăn giữa ca tại doanh nghiệp.

Bác sĩ Trần Thị Kim Hương, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện đa khoa khu vực Long Thành, khám bệnh cho công nhân của Công ty TNHH Kotop Vina.
Bác sĩ Trần Thị Kim Hương, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện đa khoa khu vực Long Thành, khám bệnh cho công nhân của Công ty TNHH Kotop Vina.

Gần đây nhất là vụ 42 công nhân của Công ty TNHH Kotop Vina (Khu công nghiệp Tam Phước, TP.Biên Hòa) đã nhập viện tại Bệnh viện đa khoa khu vực Long Thành cấp cứu sau bữa cơm trưa với cá ngừ tại công ty vào trưa 15-12. Tất cả đều có cùng một triệu chứng: đau đầu, đỏ da toàn thân, ngứa, huyết áp tụt, nhịp tim nhanh, tiêu chảy. Một bác sĩ tham gia cấp cứu cho biết đây là biểu hiện của tình trạng sốc phản vệ do thức ăn, là một dạng ngộ độc thực phẩm ở mức độ trung bình.

Nguyên nhân gây ngộ độc thc phm

 Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đồng Nai Nguyễn Văn Hữu cho biết hiện toàn tỉnh có khoảng hơn 500 bếp ăn tập thể, mới có 27 mô hình điểm bếp ăn tập thể. Hàng năm, chi cục chỉ kiểm tra khoảng hơn 300 bếp do thiếu nhân lực. Trong thời gian tới, chi cục sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra các bếp ăn tập thể, tập trung kiểm tra ở những nơi còn yếu kém; triển khai mô hình tự kiểm tra đối với các bếp ăn tập thể khu công nghiệp; nhân rộng mô hình bếp ăn tập thể điểm; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng thực phẩm an toàn.

Theo thông tin từ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đồng Nai (thuộc Sở Y tế), có khả năng các công nhân bị các triệu chứng như trên là do bị dị ứng với cá ngừ, một loại thực phẩm dễ gây dị ứng, được khuyến cáo hạn chế sử dụng tại các bếp ăn tập thể vì đã từng xảy ra nhiều vụ ngộ độc liên quan đến cá ngừ ở các tỉnh, thành khác. Trong quá trình chế biến, khi chiên cá, lượng histamine trong cá có thể tăng cao gấp 200 lần, gây dị ứng. Chi cục đang tập trung xét nghiệm histamine, tác nhân gây dị ứng để tìm nguyên nhân chính thức.

Giá trị một suất ăn công nghiệp của Công ty TNHH Kotop Vina chỉ có 14 ngàn đồng. Theo phản ánh của công nhân, chất lượng bữa ăn giữa ca rất thấp, có bữa không đảm bảo vệ sinh, công nhân đã từng kiến nghị vấn đề này lên Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở công ty đề nghị nâng cao chất lượng bữa ăn, nhưng vẫn chưa được cải thiện. Trong năm 2013, công ty này cũng từng xảy ra ngộ độc thực phẩm khiến hàng trăm công nhân nhập viện. 

Trước đó, vào ngày 30-11, hơn 100 công nhân của Công ty TNHH Posco VST (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1, huyện Nhơn Trạch) phải nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa huyện Nhơn Trạch và Phòng khám đa khoa Ái Nghĩa do bị ngộ độc thực phẩm. Đa số bị ngộ độc thức ăn nhẹ với các triệu chứng: đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, sốt. Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đồng Nai, kết quả xét nghiệm thức ăn cho thấy thức ăn bị nhiễm vi sinh. Chi cục sẽ mời Công ty TNHH sản xuất - thương mại - dịch vụ Đại Hàn Kim (TP.Hồ Chí Minh), đơn vị cung cấp thức ăn cho Công ty TNHH Posco VST, lên làm việc và xử lý vi phạm hành chính.

Như vậy, từ đầu năm 2016 đến nay trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 4 vụ ngộ độc thực phẩm và 1 vụ dị ứng cá ngừ phải nhập viện với khoảng 200 ca mắc, tăng 1 vụ so với năm 2015, đều xảy ra ở các doanh nghiệp. Các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra chủ yếu ở các doanh nghiệp không có bếp ăn tập thể, phải hợp đồng với cơ sở cung cấp bữa ăn công nghiệp. Có nhiều nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm: do chế biến không đảm bảo vệ sinh, sử dụng thực phẩm không an toàn, gây dị ứng.

Nâng chất lượng ba ăn

Tại buổi đối thoại giữa Sở Y tế và đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vừa qua, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đoàn Văn Đây cho biết trong những năm gần đây, cả nước có nhiều vụ đình công, trong đó nổi lên vấn đề chất lượng bữa ăn giữa ca quá thấp. Trong 9 tháng của năm 2016, tại Đồng Nai đã xảy ra 31 vụ đình công, trong đó có 2 vụ có cùng nguyên nhân đình công là chất lượng bữa ăn giữa ca quá kém.

Từ ngày 25-2-2016, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành nghị quyết chất lượng bữa ăn ca. Trong nghị quyết, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu giá trị bữa ăn tối thiểu giữa ca là 15 ngàn đồng/bữa ăn/người lao động. Đồng Nai đã triển khai nghị quyết này ở các doanh nghiệp trên địa bàn. Đến nay, có 76,9% doanh nghiệp thực hiện bữa ăn của người lao động trên 15 ngàn đồng, trong đó có trường hợp cao nhất là 35 ngàn đồng/suất ăn. Còn lại 23,1% có chất lượng bữa ăn dưới 15 ngàn đồng, thấp nhất là 11 ngàn đồng.

Theo ông Đoàn Văn Đây, Liên đoàn Lao động tỉnh đã yêu cầu tất cả ban chấp hành Công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp đưa nội dung thương lượng chất lượng bữa ăn giữa ca vào thỏa ước lao động tập thể và đối thoại tại nơi làm việc theo quy định; đồng thời cố gắng thương lượng thuyết phục chủ doanh nghiệp nâng mức tiền ăn lên, đảm bảo chất lượng bữa ăn; nên khuyến khích doanh nghiệp tự tổ chức bữa ăn giữa ca tại đơn vị đảm bảo 3 nội dung: chất lượng dinh dưỡng, giá trị, đảm bảo an toàn thực phẩm. Đến thời điểm này, những doanh nghiệp có bếp ăn tập thể chưa để xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Ngọc Thư

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,478,799       1/829