Theo Hội Khuyến học tỉnh, mỗi năm toàn tỉnh huy động được trên 100 tỷ đồng cho công tác khuyến học, khuyến tài. Phong trào khuyến học, khuyến tài đã lan tỏa tới từng cơ quan, đơn vị, tới tận các dòng họ và gia đình.
Theo Hội Khuyến học tỉnh, mỗi năm toàn tỉnh huy động được trên 100 tỷ đồng cho công tác khuyến học, khuyến tài. Phong trào khuyến học, khuyến tài đã lan tỏa tới từng cơ quan, đơn vị, tới tận các dòng họ và gia đình.
Ông Nguyễn Trùng Phương, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, tặng học bổng Cho em đến trường năm học 2016-2017 do Công ty Ajinomoto Việt Nam cùng 3 công ty khác của Nhật Bản tài trợ. Ảnh: C.Nghĩa |
Nhiều chương trình học bổng khuyến học được duy trì bền bỉ, qua đó đã tạo điều kiện cho hàng ngàn học sinh nghèo hiếu học được tiếp bước tới trường, nuôi hoài bão về một tương lai tươi sáng.
Nâng bước học sinh nghèo
Quỹ học bổng Cho em đến trường do Hội Khuyến học tỉnh và Công ty TNHH Ajinomoto Việt Nam tạo dựng đến nay đã duy trì được 13 năm liên tục. Đã có 3.500 học sinh nghèo hiếu học được nhận học bổng với tổng số tiền trên 3 tỷ đồng. Tổng giám đốc Công ty Ajinomoto Việt Nam Hiroharu Motohashi chia sẻ: “Chúng tôi rất cảm động trước tinh thần hiếu học của nhiều học sinh Đồng Nai. Có nhiều em dù hoàn cảnh rất khó khăn nhưng không từ bỏ ý chí vượt qua số phận, và tôi tin rằng những suất học bổng chúng tôi tặng các em sẽ khuyến khích các em có thêm sức mạnh đế tiến về phía trước”.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp, để phong trào khuyến học, khuyến tài của tỉnh thời gian tới phát triển mạnh mẽ hơn nữa, cả hệ thống chính trị cần gắn trách nhiệm với phong trào này, từ đó khơi dậy mạnh mẽ một xã hội học tập. Cần giới thiệu những người có uy tín và tạo điều kiện về mọi mặt để phát triển không ngừng phong trào khuyến học một cách vững chắc của địa phương. Cần sớm đúc rút kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo để nhân rộng, kịp thời biểu dương những cá nhân, tổ chức có nhiều đóng góp cho sự nghiệp này. Cần quan tâm tới phong trào khuyến học trong công nhân lao động, từ đó khuyến khích cho công nhân lao động học tập nâng cao trình độ, đồng thời hỗ trợ con công nhân lao động có nhiều điều kiện thuận lợi để đến trường. |
Còn tại huyện Định Quán, phong trào khuyến học với những mô hình phù hợp đã giúp nhiều học sinh có thêm điều kiện học tập. Mô hình Bếp cơm khuyến học của Hội Khuyến học huyện được mở tại 2 cơ sở thờ tự tại thị trấn Định Quán, gần với nhiều trường học, trung bình mỗi ngày cung cấp 600 suất ăn trưa cho học sinh không kịp về nhà. Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Định Quán Phạm Quý Ngọc cho biết từ đầu năm 2015 tới nay, Hội Khuyến học huyện còn tổ chức mô hình khuyến học mới là Nhà khuyến học được triển khai tại xã Thanh Sơn, xã còn 2 ấp thuộc diện khó khăn là 3 và 7. Qua mô hình này, đã có 4 căn nhà được trao tặng cho học sinh nghèo.
Cô Nguyễn Thị Ánh Lệ, Hiệu trưởng Trường tiểu học Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu), cho biết từ đầu năm 2013 tới nay, phong trào Hũ gạo tình thương của trường đã tiếp sức cho hàng trăm học sinh nghèo hiếu học. Mỗi sáng thứ hai đầu tuần, sau phần kể chuyện tấm gương học tập, làm theo lời Bác, giáo viên và học sinh lại lần lượt cho vào thùng những bọc gạo nhỏ. Mỗi tháng trường thu được 200-230kg gạo. Mỗi học sinh thuộc diện khó khăn được phát từ 8-10kg/tháng.
Những học sinh đặc biệt khó khăn, đông anh em được phát gạo định kỳ hàng tháng. Cô Lệ chia sẻ thêm: “Qua mô hình Hũ gạo tình thương, nhà trường không dừng lại ở việc giúp học sinh nghèo có thêm gạo để ăn, mà còn vun đắp cho giáo viên, học sinh tinh thần biết thương yêu, tiết kiệm và chia sẻ”.
Trong khi đó, Hội Khuyến học huyện Xuân Lộc lại rất thành công với mô hình khuyến học Một tặng một. Đến nay, Hội Khuyến học huyện đã vận động được 29 mạnh thường quân nhận đỡ đầu thường xuyên cho 29 em với tổng số tiền trung bình là 50 triệu đồng/năm.
Tạo niềm tin
Hội Khuyến học tỉnh hiện có 12 Hội Khuyến học trực thuộc, trong đó có 1 Hội nằm trong doanh nghiệp là Hội Khuyến học Tổng công ty cao su Đồng Nai. Số hội viên của Hội Khuyến học tỉnh đến nay đã lên tới trên 315 ngàn người (tương đương trên 10% dân số của tỉnh). Ông Vũ Đình Sùng, Phó chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, cho biết: “Tính trong 5 năm, từ 2011 tới nay toàn tỉnh đã vận động được tới 457,3 tỷ đồng cho công tác khuyến học; đặc biệt trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhưng số tiền vận động cho khuyến học vẫn tăng tới 2,5 lần so với 5 năm trước đó. Điều đó cho thấy uy tín của Hội và sự ủng hộ của cộng đồng và doanh nghiệp với phong trào khuyến học của tỉnh là rất lớn”.
Mô hình khuyến học ngày càng đa dạng, hiệu quả, trong đó phong trào nuôi heo đất khuyến học tiếp tục được lan tỏa trong mỗi gia đình, trong nhiều cơ quan, đơn vị. Việc khuyến học, khuyến tài không chỉ thực hiện với học sinh mà còn với cả các giáo viên có thành tích xuất sắc trong giảng dạy và công tác. Trong 5 năm qua, đã có 59.190 lượt giáo viên và trên 923.700 lượt học sinh được khen thưởng với số tiền trên 128 tỷ đồng. Nhiều đơn vị đã duy trì được chương trình trao học bổng truyền thống trong suốt nhiều năm, như: Học bổng Nguyễn Thị Định của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, học bổng Tiếp bước cho em đến trường của Ban Dân vận Tỉnh ủy, học bổng Vượt khó vì tương lai của Báo Đồng Nai, học bổng Học giỏi - sống tốt của Liên đoàn Lao động tỉnh…
Ông Nguyễn Trùng Phương, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, cho rằng phong trào khuyến học của tỉnh không ngừng phát triển, góp phần tạo ra được những vườn ươm nhân tài. đó là kết quả của việc không ngừng củng cố tổ chức Hội, hội viên, các mô hình khuyến học. Phong trào khuyến học đã khơi dậy tinh thần hiếu học, từ đó đã hình thành ngày càng nhiều mô hình dòng họ khuyến học, gia đình khuyến học, cộng đồng khuyến học, hình thành nên một xã hội học tập. Hội Khuyến học các cấp đã đóng góp vai trò nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu học tập của người dân.
Công Nghĩa