Xã hội

Hiệu quả từ mô hình phòng chống bạo lực gia đình

Theo Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa gia đình (Sở Văn hóa - thể thao và du lịch), số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh giảm đáng kể qua các năm.

Công nhân Công ty cổ phần Đồng Phú Cường (xã Phú Cường, huyện Định Quán) được tuyên truyền về bình đẳng giới.
Công nhân Công ty cổ phần Đồng Phú Cường (xã Phú Cường, huyện Định Quán) được tuyên truyền về bình đẳng giới.

Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ từ các các mô hình phòng chống bạo lực gia đình, như: câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, nhóm phòng chống bạo lực gia đình, điểm tạm lánh cho nạn nhân bị bạo lực gia đình, địa chỉ tin cậy...

Những mô hình hiệu quả

10 tháng năm 2016 toàn tỉnh xảy ra 55 vụ bạo lực gia đình, trong đó có 50 vụ nạn nhân bị bạo lực chủ yếu là phụ nữ. Các hình thức bạo lực chủ yếu là đánh đập, xua đuổi, bạo lực thân thể. Tuy nhiên, số liệu này chỉ phản ánh những vụ có sự vào cuộc can thiệp của địa phương, còn những vụ bạo lực tự thỏa thuận, dàn xếp khó mà thống kê được.

Năm 2007, Phòng Văn hóa - thông tin huyện Định Quán chọn ấp 5, xã La Ngà làm điểm để xây dựng mô hình câu lạc bộ gia đình nông dân hạnh phúc và phát triển bền vững của huyện. Từ mô hình điểm, đến nay toàn huyện đã nhân rộng được 75 câu lạc bộ.

Bà Lê Thị Thúy Hường, Phó trưởng phòng Văn hóa - thông tin huyện Định Quán, chia sẻ bên cạnh tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, mỗi lần sinh hoạt các thành viên trong câu lạc bộ thường trao đổi với nhau kinh nghiệm sản xuất, nuôi dạy con cháu, xây dựng gia đình hạnh phúc... Nhận thấy vấn đề kinh tế khó khăn là nguyên nhân sâu xa của bạo lực gia đình, đồng thời để gắn kết các thành viên với câu lạc bộ, ban chủ nhiệm các câu lạc bộ đã vận động các thành viên đóng góp quỹ để tương trợ nhau phát triển kinh tế, thăm hỏi lúc hoạn nạn, làm công tác khuyến học...

Qua 9 năm triển khai thực hiện, mô hình câu lạc bộ gia đình nông dân hạnh phúc và phát triển bền vững của huyện đã hỗ trợ vốn lãi suất thấp cho 160 lượt hộ với tổng số vốn trên 1,2 tỷ đồng. Ngoài vốn, ban chủ nhiệm các câu lạc bộ vận động các thành viên khá hỗ trợ thành viên khó khăn hơn thông qua hình thức hỗ trợ cây, con giống, thuốc trừ sâu, phân bón, tạo việc làm... giúp nhiều gia đình thành viên ổn định về kinh tế.

Bên cạnh các hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế, nhiều mô hình đã và đang có đóng góp tích cực trong việc can thiệp, hòa giải các vụ bạo lực gia đình, gắn kết các cặp vợ chồng, giúp họ vượt qua sóng gió trong cuộc sống hôn nhân.

Trải qua nhiều năm tìm hiểu, nhưng chị B.T.T. (ấp 1, xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch) vẫn không hiểu hết bản tính hay ghen của người chị sẽ lấy làm chồng. Cho đến khi về chung sống dưới một mái nhà, tính ghen của anh khiến cho không khí trong gia đình nhiều phen căng thẳng, bản thân chị luôn cảm thấy mệt mỏi trước những lời chì chiết, nặng nhẹ ‘’ghen bóng ghen gió” của anh. Mặc dù rất yêu thương chồng, nhưng cũng có một vài lần chị đã nghĩ đến chuyện ‘’đường ai nấy đi’’. May thay, chuyện gia đình chị T. sớm được câu lạc bộ gia đình công nhân trẻ hạnh phúc của xã (nay là câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững) phát hiện và can thiệp nên anh D. (chồng chị) dần nhận ra hành vi của mình là quá lố và dần thay đổi. Cũng từ đó, chị T. đăng ký tham gia là thành viên trong câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững.

Bà Nguyễn Ngọc Khen, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững xã Hiệp Phước, cho biết ngoài việc cùng đi sinh hoạt, các cặp vợ chồng khi tham gia câu lạc bộ còn có cơ hội tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao, hội thi... do câu lạc bộ tổ chức, từ đó mà có thêm cơ hội gắn kết ngày càng bền chặt hơn.

Huy động sự tham gia của nam giới

Toàn tỉnh hiện có 991 nhóm phòng chống bạo lực gia đình, điểm tạm lánh ở 171 xã, phường, thị trấn; trên 1 ngàn địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, 721 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững... đang có nhiều đóng góp cho công tác phòng chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình văn hóa.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Nguyệt, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa gia đình (Sở Văn hóa - thể thao và du lịch), hiện nay đang tồn tại một thực tế là các thành viên tham gia các mô hình phòng chống bạo lực gia đình, đối tượng được tuyên truyền, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng chủ yếu vẫn là phụ nữ, trẻ em gái và một bộ phận nhỏ nam giới tiêu biểu, trong khi người gây ra bạo lực chiếm đa số là nam giới. Nguyên nhân sâu xa của hiện tượng này suy cho cùng là bất bình đẳng giới và tư tưởng gia trưởng - người chồng có quyền “dạy bảo” các thành viên khác trong gia đình bằng vũ lực hoặc nhục mạ.

Xuất phát từ thực tế nêu trên, cuối năm 2015 Sở Văn hóa - thể thao và du lịch đã triển khai mô hình “Nam giới nói không với bạo lực”. Đây là mô hình mới nhằm huy động sự tham gia của nam giới trong phòng chống bạo lực gia đình. Từ số lượng 11 câu lạc bộ, điểm tại 11 huyện, TX.Long Khánh và TP.Biên Hòa, đến nay sau 1 năm thành lập, mô hình đã nhân rộng được 21 câu lạc bộ.

Mỗi câu lạc bộ có từ 20-30 thành viên đủ mọi tầng lớp trong xã hội tham gia trên tinh thần tự nguyện. Định kỳ 1-2 tháng, câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt. Mỗi buổi sinh hoạt, ngoài tuyên truyền, tư vấn và nâng cao nhận thức, hiểu biết về Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; ban chủ nhiệm các câu lạc bộ thường chọn một chủ đề, các tình huống gắn liền với thực tế cuộc sống để các thành viên trong câu lạc bộ thảo luận, chia sẻ cách giải quyết vấn đề hiệu quả. Từ đó, tùy vào điều kiện, hoàn cảnh của mỗi gia đình mà vận dụng giải quyết khi gặp phải các tình huống tương tự.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt cho rằng bên cạnh việc duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình phòng chống bạo lực gia đình đã có từ nhiều năm, thời gian tới Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa gia đình sẽ tiếp tục tham mưu Sở Văn hóa - thể thao và du lịch chỉ đạo các địa phương nhân rộng mô hình “Nam giới nói không với bạo lực” nhằm huy động nhiều hơn nữa sự vào cuộc của nam giới trong phòng chống bạo lực gia đình, đồng thời hướng đến thay đổi quan niệm nam giới là đối tượng gây ra bạo lực và bản thân họ hiện đang tích cực chung tay vun đắp xây dựng gia đình hạnh phúc.

Nga Sơn

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,479,849       23/1,635