Đồng Nai có 37 dân tộc thiểu số cư trú với khoảng 200 ngàn người. Mỗi dân tộc có phong tục, tập quán về hôn nhân và gia đình mang đậm nét văn hóa truyền thống của mình.
Vì thế, việc đi tìm nét tương đồng tốt đẹp trong phong tục, tập quán về hôn nhân gia đình của 37 thành phần dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh để giữ gìn, phát huy thật sự cần thiết.
Già làng Đô Ha Mít (xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc), người có uy tín của các dân tộc thiểu số đóng góp cho dự thảo nghị quyết về “Danh mục các tập quán về hôn nhân và gia đình” được áp dụng trên địa bàn tỉnh. |
Hiện tại, 37 dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh luôn có sự giao lưu, tiếp thu các giá trị văn hóa lẫn nhau. Bên cạnh mặt tích cực, mặt trái là những giá trị cổ truyền, những nét văn hóa đặc trưng của từng dân tộc thiểu số bị lãng quên khi tiếp nhận nét văn hóa của dân tộc Kinh. Ông Điểu Bảo, Trưởng ban Dân tộc tỉnh, bày tỏ các tập quán về hôn nhân và gia đình của các đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh dần được thay đổi như người Kinh, như: cách ăn mặc, sinh hoạt, tổ chức lễ cưới, hỏi…
Tập tục không được trái quy định pháp luật
Ông Điểu Bảo phân tích, xét về khía cạnh xã hội, việc tiếp thu những cái hay, cái đẹp về tập quán hôn nhân và gia đình của người Kinh hoàn toàn hợp lý với xu thế hiện đại, hòa nhập văn hóa, phù hợp với pháp luật về hôn nhân và gia đình hiện nay. Tuy vậy, từng cộng đồng dân tộc, vùng dân tộc thiểu số cần phải giữ và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình, góp phần tạo nên một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Theo Nghị định 126/2014/NĐ-CP, danh mục các tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình cần vận động xóa bỏ, gồm: kết hôn trước tuổi quy định của Luật Hôn nhân và gia đình; việc đăng ký kết hôn không do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện; cưỡng ép kết hôn do xem lá số, do mê tín dị đoan và cản trở hôn nhân do khác dân tộc, tôn giáo; cấm kết hôn giữa những người có họ trong phạm vi 4 đời trở lên; nếu nhà trai không có tiền cưới và đồ sính lễ thì sau khi kết hôn, người con rể buộc phải ở rể để trả công cho cha mẹ vợ; quan hệ gia đình theo chế độ phụ hệ hoặc mẫu hệ, không đảm bảo quyền bình đẳng giữa vợ và chồng, con trai và con gái.
Phó giám đốc Sở Tư pháp Võ Thị Xuân Đào cho biết Nghị định 126/2014/NĐ-CP cũng chỉ rõ các tập tục về hôn nhân và gia đình cấm áp dụng, như: chế độ hôn nhân đa thê; kết hôn giữa những người có cùng dòng máu về trực hệ, giữa những người có họ trong phạm vi 3 đời; tục cướp vợ để ép người phụ nữ làm vợ; thách cưới cao mang tính chất gả bán; bắt buộc người phụ nữ hay đàn ông góa nếu kết hôn với người khác thì phải trả lại tiền cưới cho nhà chồng cũ hoặc nhà vợ cũ; đòi lại của cải, phạt vạ khi vợ chồng ly hôn…
Danh mục tập quán chung
Già làng Thổ Bọng cho rằng đồng bào dân tộc Chơro xã Bảo Vinh, TX.Long Khánh giờ lấy vợ, lấy chồng đều theo pháp luật; các nghi lễ tổ chức cưới xin đều có trình tự giống như người Kinh trong xã. Đồng bào Chơro trong làng giờ đã bỏ các tập tục lạc hậu, bỏ phân biệt giàu nghèo, địa vị xã hội theo kiểu “môn đăng hộ đối”. “Theo đời sống mới hiện nay, đồng bào Chơro trong làng chỉ giữ và thực hiện những tập tục tiến bộ, phù hợp với pháp luật và đơn giản nhằm tiết kiệm thời gian và tiền bạc” - già làng Thổ Bọng nói.
Ông Đô Ha Mit (giáo cả đồng bào người Chăm ở xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc) tỏ bày, trước đây đồng bào Chăm theo đạo Islam thường có nhiều vợ, nhưng nay quan điểm này không còn nữa. Hiện tại, đồng bào Chăm theo đạo Islam vẫn còn giữ truyền thống: 2 bên gia đình gặp nhau bàn bạc khi cưới vợ, lấy chồng cho con. Nam - nữ muốn lấy nhau phải xin ý kiến của giáo cả... Để hài hòa giữa tập tục, tôn giáo và pháp luật, đồng bào Chăm ở Xuân Hưng đã dần bỏ các tập tục lạc hậu, không phù hợp với cuộc sống tiến bộ.
Theo các già làng, người có uy tín của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, các tập quán tốt đẹp về hôn nhân hiện nay đồng bào dân tộc thiểu số đang thực hiện, giữ gìn và phát huy trong cộng đồng, như: tục dùng trầu cau để mở đầu câu chuyện cưới, hỏi; lễ xuất giá đối với nữ và lễ gia tiên đối với nam trước ngày tổ chức hôn lễ; nam nữ tự do tìm hiểu để đi đến kết hôn; các nghi thức cưới hỏi tiết kiệm, lành mạnh thể hiện bản sắc của dân tộc mình... Riêng về truyền thống gia đình thì: coi trọng hôn nhân bền vững; tục dùng vải đỏ trong ngày cưới nếu người em lập gia đình trước anh, chị; lễ giỗ tổ tiên…
Qua tiếp thu các ý kiến già làng, người có uy tín của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đóng góp cho dự thảo nghị quyết về “Danh mục các tập quán và hôn nhân trên địa bàn tỉnh” của hôn nhân và gia đình tỉnh, bà Võ Thị Xuân Đào nhấn mạnh các già làng, người có uy tín của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh không chỉ là người góp ý kiến giá trị cho dự thảo nghị quyết, mà còn là người tuyên truyền hiệu quả nhất khi nghị quyết được hôn nhân gia đình tỉnh thông qua, áp dụng vào cuộc sống.
Diễm Quỳnh