Chưa thời điểm nào, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong y tế lại được triển khai rầm rộ và mạnh mẽ như hiện nay. Nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu, rất ít bệnh viện tuyến tỉnh trong cả nước làm được, đã được triển khai thực hiện tại Đồng Nai. Trong đó, có thể nói sự phát triển của các kỹ thuật can thiệp đã đánh dấu một bước tiến đáng kể của ngành y tế Đồng Nai.
Bài 1: Cứu sống nhiều ca nguy kịch
Các kỹ thuật can thiệp mà Đồng Nai đã triển khai là: can thiệp tim mạch, can thiệp mạch máu não, can thiệp đặt stent graft động mạch chủ bụng... Đây là những kỹ thuật mới, tiên tiến đã tạo ra những bước đột phá trong việc điều trị các bệnh liên quan đến tim mạch, thần kinh, mạch máu...
Các bác sĩ Khoa tim mạch can thiệp Bệnh viện đa khoa Thống Nhất thực hiện một ca can thiệp tim mạch cho một bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim |
* Hồi sinh
Qua gần 2 năm triển khai kỹ thuật tim mạch can thiệp tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất và Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, hàng trăm ca nhồi máu cơ tim cấp đã được cứu sống kịp thời, thoát khỏi cảnh tàn phế hoặc tử vong. Trong đó có nhiều ca đã ngưng tim, ngưng thở, chết lâm sàng nhưng với sự nỗ lực trong cấp cứu và được can thiệp tim mạch kịp thời mà nhiều bệnh nhân đã thoát khỏi "án tử" trong gang tấc.
Mùa xuân năm nay cũng là gần một năm, ông Sính Cắm Sủi, 46 tuổi, ngụ tại xã Phú Lợi, huyện Định Quán thoát khỏi hoạn nạn. Vào mùng 4 Tết năm Bính Thân 2016, ông Sủi đang đi chúc Tết người thân thì lên cơn đau tim đột ngột, người tím tái, đã được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa khu vực Định Quán và được chuyển đến Bệnh viện đa khoa Thống Nhất cấp cứu trong tình trạng nguy kịch do bị nhồi máu cơ tim cấp thành dưới, có biến chứng rung thất, ngưng tuần hoàn hô hấp. Bệnh nhân không chỉ ngưng tim mà còn ngưng thở kéo dài phải thở máy.
Ông Sính Cắm Sủi, xã Phú Lợi, huyện Định Quán phấn khởi khi được cấp cứu qua cơn nhồi máu cơ tim cấp |
Kết quả chụp mạch động mạch vành cho thấy, ông Sủi bị tắc hoàn toàn động mạch vành phải của tim kèm nhiều huyết khối. Ngay sau khi hồi sức, bệnh nhân đã được các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Thống Nhất can thiệp mạch vành cấp cứu bằng cách dùng một loại ống thông nhỏ để đưa một bóng nhỏ từ phía ngoài vào lòng động mạch vành bị tắc rồi nong và đặt stent để thông đoạn động mạch bị tắc, làm tái thông dòng máu lên tim cho bệnh nhân. Ông Sủi chia sẻ: "Trên đường đi từ huyện Định Quán lên dù được cho thở oxy nhưng tôi vẫn rất khó thở và đau ngực khủng khiếp. Đến khi tôi tỉnh lại cứ tưởng có phép màu vì cứ nghĩ mình không qua được".
Tương tự bà Nguyễn Thị Bé, 70 tuổi, ngụ tại KP.2, phường Tân Vạn, TP.Biên Hòa vui vẻ cho biết, bà như đã "hồi sinh" sau ca bệnh nhồi máu cơ tim cấp. Nhờ các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cấp cứu bằng phương pháp can thiệp tim mạch mà bà đã hồi phục sức khỏe. Nhớ lại ca cấp cứu cho bà Bé, bác sĩ Đặng Hà Hữu Phước, Trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện đa khoa Đồng Nai chia sẻ đây là ca bệnh rất khó và cũng rất khó quên. Vì bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp, nhập viện trong tình trạng rất nặng do bị nhồi máu cơ tim cấp thành dưới và thất phải.
Kết quả chụp mạch động mạch vành cho thấy, ông Sủi bị tắc hoàn toàn động mạch vành phải của tim kèm nhiều huyết khối. Ngay sau khi hồi sức, bệnh nhân đã được các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Thống Nhất can thiệp mạch vành cấp cứu bằng cách dùng một loại ống thông nhỏ để đưa một bóng nhỏ từ phía ngoài vào lòng động mạch vành bị tắc rồi nong và đặt stent để thông đoạn động mạch bị tắc, làm tái thông dòng máu lên tim cho bệnh nhân. Ông Sủi chia sẻ: "Trên đường đi từ huyện Định Quán lên dù được cho thở oxy nhưng tôi vẫn rất khó thở và đau ngực khủng khiếp. Đến khi tôi tỉnh lại cứ tưởng có phép màu vì cứ nghĩ mình không qua được". |
Ưu điểm của kỹ thuật can thiệp Đây là một thủ thuật đưa một loại ống thông nhỏ (catheter) từ động mạch đùi lên lòng động mạch bị tắc rồi nong và đặt stent (giá đỡ) để làm tái thông dòng máu bị tắc nghẽn. Khác với phẫu thuật, kỹ thuật can thiệp nhẹ nhàng hơn, ít đau, ít ảnh hưởng tới các cơ quan trong cơ thể, ít biến chứng và thời gian hồi phục ngắn hơn. Tuy nhiên, đây là một kỹ thuật khó, đòi hỏi độ chính xác cao, đội ngũ bác sĩ phải có tay nghề giỏi cùng hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại mới có thể triển khai được. |
Bác sĩ Phước cho biết trong quá trình cấp cứu bệnh diễn tiến rất nặng, có 2 lần ngưng tim, rung thất nhưng đều được cấp cứu thành công. Các bác sĩ đã tiến hành can thiệp động mạch vành cho bệnh nhân bằng cách đã đặt ống thông từ động mạch đùi phải lên động mạch vành phải, hút huyết khối gây tắc nghẽn và đặt stent vào chỗ hẹp để thông động mạch vành phải giúp máu lên tim trở lại, bệnh nhân mau hồi phục.
* Cơ hội "vàng" cho bệnh nhân đột quỵ
Mới đây, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đã triển khai thêm một kỹ thuật mới trong cấp cứu đột quỵ đó là can thiệp nội mạch (hay còn gọi là can thiệp mạch máu não). TS-BS Trần Chí Cường, Chủ tịch Hội can thiệp thần kinh TP.Hồ Chí Minh, Trưởng đơn vị đào tạo can thiệp thần kinh - đột quỵ Đại học Y dược TP.Hồ Chí Minh là người trực tiếp chuyển giao kỹ thuật mới cho các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, cho biết kỹ thuật can thiệp mạch máu não được xem là kỹ thuật điều trị duy nhất hàng đầu hiện nay cho điều trị tắc nghẽn mạch máu lớn trên não do đột quỵ, giúp cứu sống bệnh nhân bị đột quỵ trong thời gian vàng là trước 6 giờ tính từ khi bị đột quỵ.
Bệnh nhân Nguyễn Gia Lâm, ở xã Gia Kiệm huyện Thống Nhất vui vẻ khi hồi phục vận động sau ca can thiệp mạch máu não do nhồi máu não tái phát. |
Bệnh nhân đầu tiên đã được Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cứu sống nhờ phương pháp can thiệp nội mạch là bà Cao Thị Vỹ, 73 tuổi, ngụ tại xã Phước Tân, TP. Biên Hòa bị tắc nghẽn động mạch thân nền, gây nhồi máu não cấp, nay đã hồi phục sức khỏe và vận động bình thường. Bà Vỹ đã được các bác sĩ can thiệp mạch máu não bằng cách đưa dụng cụ qua động mạch đùi lên vị trí động mạch ở não bị tổn thương để nong và hút huyết khối gây tắc nghẽn, giúp tái lập lưu thông dòng máu lên não.
Sẽ thành lập đơn vị đột quỵ tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai Theo thông tin từ Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, bệnh viện đã trang bị đầy đủ cơ sở vật chất để triển khai các ca can thiệp mạch máu não. Hiện bệnh viện đã có bác sĩ được thu hút về để triển khai kỹ thuật này và đang tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực để triển khai thực hiện, tiến tới thành lập đơn vị đột quỵ tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Qua đó giúp người dân hưởng được dịch vụ, kỹ thuật cao mà không cần phải đi xa, tốn kém chi phí đi lại cũng như thời gian chờ đợi. |
Việc triển khai can thiệp mạch máu não rất hiếm các bệnh viện tuyến tỉnh có thể làm được. Không chỉ giúp cấp cứu bệnh nhân đột quỵ não còn tạo cơ hội điều trị dự phòng đột quỵ não cho bệnh nhân có nguy cơ cao là tăng huyết áp, hút thuốc lá, uống rượu bia, thừa cân, béo phì, bệnh đái tháo đường hoặc đã từng bị đột quỵ... Vì vậy, đối với bệnh đột quỵ, việc tầm soát, chẩn đoán sớm và điều trị phòng ngừa phải đặt lên hàng đầu vì đến khi xảy ra đột quỵ rồi điều trị rất khó khăn, tốn kém, nguy cơ tàn phế, thậm chí tử vong rất cao.
Thông qua chương trình khám tầm soát bệnh đột quỵ tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đã chẩn đoán được nhiều bệnh nhân có nguy cơ bị đột quỵ hoặc bị đột quỵ tái phát. Nhiều bệnh nhân đã được can thiệp mạch máu não kịp thời giúp ngăn ngừa được bệnh đột quỵ hoặc ngăn ngừa đột quỵ tái phát, ngăn ngừa được nguy cơ tàn phế, tử vong. Do đó, việc triển khai được can thiệp mạch máu não tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai tạo một cơ hội rất lớn trong cấp cứu và điều trị dự phòng bệnh đột quỵ cho bệnh nhân trong tỉnh và các vùng lân cận.
Ngọc Thư