Giai đoạn 2016-2020, chương trình Đào tạo sau đại học (thuộc chương trình Đào tạo tổng thể, phát triển nguồn nhân lực tỉnh Đồng Nai) do Sở Khoa học và công nghệ chủ trì tiếp tục được thực hiện nhằm xây dựng nguồn lực con người có khả năng hội nhập và hội nhập tốt với quốc tế trong nhiều lĩnh vực.
Giai đoạn 2016-2020, chương trình Đào tạo sau đại học (thuộc chương trình Đào tạo tổng thể, phát triển nguồn nhân lực tỉnh Đồng Nai) do Sở Khoa học và công nghệ chủ trì tiếp tục được thực hiện nhằm xây dựng nguồn lực con người có khả năng hội nhập và hội nhập tốt với quốc tế trong nhiều lĩnh vực.
Từ chương trình này ở giai đoạn trước, nhiều cán bộ, công chức, viên chức đã có được trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, có nhiều sáng kiến hay, đem lại hiệu quả cao trong công việc.
*Tiến sĩ trẻ mê nghiên cứu khoa học
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Duy (giảng viên bộ môn Vật lý, Khoa sư phạm Khoa học Tự nhiên, Trường đại học Đồng Nai, thư ký Hội Vật lý Đồng Nai) chia sẻ: “Tôi tham gia chương trình đào tạo tiến sĩ trong nước chuyên ngành Vật lý nguyên tử hạt nhân. Song song với đó, tôi được nhận học bổng của Trường đại học Tokyo Nhật Bản cũng về chuyên ngành này. Trong quá trình được đào tạo ở trong và ngoài nước từ năm 2008 đến năm 2014, tôi vừa về nước giảng dạy ở Trường đại học Đồng Nai vừa tiến hành học, nghiên cứu ở lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam và ở nhiều trường đại học, Viện nghiên cứu hạt nhân tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Italia, Nga. Thời gian được đào tạo ở nước ngoài cho tôi rất nhiều kiến thức bổ ích, giúp tôi theo đuổi đam mê nghiên cứu và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Duy trong một đợt nghiên cứu tại nước ngoài |
Nhận học vị tiến sĩ năm 32 tuổi, thầy giáo Nguyễn Ngọc Duy đã có nhiều đóng góp quan trọng vào việc đào tạo đội ngũ sinh viên khoa Vật lý, Trường đại học Đồng Nai như đạt nhiều giải cao trong các kỳ thi Olympic Vật lý Sinh viên toàn quốc.
Bản thân thầy Duy đã góp phần tổ chức thành công nhiều hội nghị, hội thảo Vật lý cấp ngành, tham gia vào nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học, trao đổi học thuật trong lĩnh vực Vật lý với các nhà khoa học, giáo viên; tham gia phản biện các đề tài nghiên cứu khoa học trong và ngoài tỉnh.
Anh cũng là chủ nhiệm nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp ngành về lĩnh vực giáo dục, môi trường, an toàn bức xạ; đã đề xuất 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh trong năm 2015 nghiên cứu thực trạng và giải pháp an toàn phóng xạ trên địa bàn tỉnh.
Là cán bộ khoa học trẻ của ngành Vật lý hạt nhân (Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam), tiến sĩ Nguyễn Ngọc Duy thường xuyên tham gia các đề tài nghiên cứu, trao đổi các số liệu, thảo luận, là cộng tác viên khoa học của Trung tâm Vật lý tiên tiến (Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Không những thế, anh còn là nhà nghiên cứu khoa học khách mời của nhiều trường đại học, Viện nghiên cứu ở Nga, Italia, Nhật Bản; đã công bố 22 công trình nghiên cứu khoa học uy tín trong và ngoài nước. Với thành tích học tập, nghiên cứu khoa học xuất sắc, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Duy được nhận bằng khen của UBND tỉnh, Giải thưởng Vallet và nhiều bằng khen, giấy khen khác.
*Chế tạo đồ dùng dạy - học ưu việt
Đau đáu trước tình trạng nhiều bài học trong sách giáo khoa, giáo trình môn Vật lý của bậc phổ thông, đại học chưa có thiết bị thí nghiệm hoặc thiết bị thí nghiệm không sát thực tế, gây khó hiểu cho học sinh, sinh viên, thầy Duy cùng các đồng nghiệp trong khoa đã nghiên cứu, chế tạo nên 12 bộ thiết bị đồ dùng dạy học mang nhiều tính ưu việt.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Nghĩa hướng dẫn sinh viên sử dụng bộ thiết bị do anh tự nghiên cứu, chế tạo |
Sau khi được đưa vào sử dụng, 12 bộ thiết bị của nhóm giảng viên gồm tiến sĩ Nguyễn Ngọc Duy, các thạc sĩ: Nguyễn Văn Nghĩa, Ngô Thạch Tín, Hồ Sỹ Chương (đều tham gia chương trình Đào tạo sau đại học) nhận được phản hồi tích cực từ phía sinh viên và đồng nghiệp. Có những bộ thiết bị thí nghiệm phục vụ thực hành chưa xuất hiện trên thị trường như: Bộ dụng cụ đo chiết suất của chất lỏng và khảo sát hiện tượng khúc xạ và phản xạ ánh sáng; Ứng dụng của linh kiện bán dẫn; Chỉnh lưu dòng điện xoay chiều và tạo nguồn DC ổn áp; Máy nén thủy lực; Bộ dụng cụ chuyển hóa năng lượng. Hầu hết các thiết bị đều dễ sử dụng, thao tác gọn nhẹ và có độ chính xác cao.
Trong số những học viên đã hoàn thành chương trình Đào tạo sau đại học có 109 người được bổ nhiệm chức vụ cao hơn (17 người được bổ nhiệm Giám đốc bệnh viện, trung tâm; 15 người được bổ nhiệm Phó giám đốc bệnh viện, trung tâm; 43 người được bổ nhiệm trưởng phòng cấp sở, cấp huyện; 34 người được bổ nhiệm phó trưởng phòng cấp sở, cấp huyện). 156 người được quy hoạch vào chức vụ cao hơn (22 người được quy hoạch Giám đốc bệnh viện, trung tâm; 26 người được quy hoạch Phó giám đốc bệnh viện, trung tâm; 54 người được quy hoạch trưởng phòng cấp sở, cấp huyện; 54 người được quy hoạch phó trưởng phòng cấp sở, cấp huyện). |
Thạc sĩ Nguyễn Văn Nghĩa, người sáng tạo nên thiết bị Máy nén thủy lực chia sẻ: “Từ lâu tôi đã ấp ủ ý tưởng thực hiện những bộ thiết bị mới, giúp sinh viên thực hành dễ dàng, hiệu quả cao. Tuy nhiên do không có kinh phí nên rất khó thực hiện. Sau khi được nhà trường ủng hộ chủ trương của bộ môn và hỗ trợ kinh phí, chúng tôi đã bắt tay ngay vào làm việc”. Tâm huyết với ý tưởng của mình, thầy Nghĩa ăn cũng nghĩ tới thiết bị, ngủ cũng nghĩ tới thiết bị. Thậm chí có những ngày thầy mải mê nghiên cứu quên ăn, thử thực hành thiết bị hết lần này đến lần khác để cho ra kết quả chính xác.
Còn tiến sĩ Nguyễn Ngọc Duy thì chia sẻ: “Tôi thực hiện 4 bộ thiết bị trong thời gian 3 tháng từ khi đang công tác ở Nga đến khi trở về trường. Có những thiết bị lần đầu tiên xuất hiện trong các trường học, có những bộ thiết bị trước đây đã có nhưng được tôi nghiên cứu, cải tiến ưu việt hơn như bộ thiết bị Đo hệ số ma sát (Vật lý lớp 10)”.
Em Tống Thị Thanh Thương (sinh viên năm thứ 4 Sư phạm Vật lý) sau giờ thực hành nhận xét: “So với bộ thiết bị cũ bộ thiết bị Đo hệ số ma sát của thầy Duy giúp chúng em dễ hiểu bài hơn, dễ làm thực hành hơn rất nhiều”.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Duy và thạc sĩ Nguyễn Văn Nghĩa đang hướng dẫn sinh viên ngành Sư phạm Vật lý thực hành với các bộ thiết bị thí nghiệm do các giảng viên này tự chế tạo |
Thạc sĩ Hoàng Công Phương, Trưởng bộ môn Vật lý chia sẻ, để cho ra trường đội ngũ giáo viên dạy Vật lý bậc THCS, THPT có chất lượng thì việc thực hành trong trường Sư phạm từ khi còn là sinh viên đóng vai trò rất quan trọng. Thực tế hiện nay tại các trường phổ thông còn thiếu rất nhiều dụng cụ thí nghiệm các bộ môn, trong đó có bộ môn Vật lý. Điều này dẫn đến tình trạng giáo viên, học sinh chỉ học chay thay vì được trực tiếp làm thí nghiệm để nắm và hiểu bài. Đó chính là thua thiệt của học sinh ta so với học sinh nhiều nước tiên tiến trên thế giới.
“Tập thể giáo viên tổ bộ môn Vật lý sẽ tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi để sáng tạo nên nhiều bộ thiết bị dạy học, thực hành hơn nữa. Các trường phổ thông trong tỉnh nếu có nhu cầu có thể đến tham quan và liên hệ với nhà trường để có những bộ thiết bị này. Những thiết bị này ngoài tính ưu việt về chuyên môn còn rất dễ sửa chữa nếu có hao mòn theo thời gian” - thầy Phương nhắn nhủ.
Mục tiêu của chương trình Đào tạo sau đại học giai đoạn 2016-2020
PGS.TS Phạm Văn Sáng, Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ, chủ nhiệm chương trình Đào tạo sau đại học: Giai đoạn 2016-2020, chương trình sẽ tạo nguồn bổ sung thêm lĩnh vực đào tạo ngành Hàng không nhằm đi trước, đón đầu sự ra đời, phát triển của sân bay Quốc tế Long Thành. Mỗi năm, chương trình dự kiến sẽ cử đi đào tạo khoảng 10 em. Mục đích cuối cùng của tạo nguồn để có đội ngũ cán bộ giỏi chuyên môn, vững chính trị, tạo đột phá cho sự phát triển lâu dài của tỉnh.
Khen thưởng các cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong chương trình Đào tạo sau đại học trong Ngày hội Khoa học và công nghệ năm 2015 |
Mục tiêu của giai đoạn 2016-2020 là tập trung đào tạo đội ngũ tiến sĩ, thạc sĩ và tạo nguồn tại nước ngoài giỏi về trình độ chuyên môn, hình thành đội ngũ chuyên gia đầu ngành giỏi ở các lĩnh vực mũi nhọn mà nhu cầu của tỉnh còn thiếu như: công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, y tế, vật liệu mới. Để đạt được mục tiêu trên, ngoài việc tích cực tuyên truyền đến học sinh, sinh viên có thành tích học tập xuất sắc, Ban chủ nhiệm chương trình sẽ có những chính sách ưu tiên, đãi ngộ đối với các học viên hoàn thành chương trình đào tạo ở nước ngoài. Chẳng hạn, sinh viên thì có thể được học tiếp lên bậc thạc sĩ, tiến sĩ, được bố trí việc làm phù hợp khi về nước; cán bộ đã hoàn tất chương trình đào tạo thạc sĩ ở nước ngoài thì sẽ được xếp vào diện quy hoạch, bổ nhiệm chức vụ phù hợp với năng lực và chuyên môn đào tạo.
Việc đào tạo trong nước vẫn tiếp tục duy trì những ngành nghề mà tỉnh đang rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao như bác sĩ chuyên khoa 2; đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ các lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật. Chương trình sẽ không tiếp tục đào tạo về lĩnh vực Khoa học nhân văn ở trong nước. Nếu tiếp tục, chỉ đào tạo ở nước ngoài.
Để nâng cao tỷ lệ bác sĩ chuyên khoa 2, Ban chủ nhiệm chương trình đào tạo sau đại học đã đề nghị Sở Y tế có kế hoạch khuyến khích, động viên đội ngũ cán bộ y bác sĩ tham gia chương trình đào tạo chuyên khoa 1 và chuyên khoa 2. Bên cạnh việc cử đi học từ nguồn kinh phí của chương trình, các đơn vị, cá nhân cần chủ động tìm kiếm các nguồn tài trợ, hỗ trợ từ trong và ngoài nước để đầu tư cho công tác đào tạo chuyên sâu cho cán bộ công chức, viên chức của tỉnh.
Bài và ảnh: Hồ Bảo Lộc