Đoàn chuyên gia Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), đại diện chính quyền vùng Kansai và một số doanh nghiệp Nhật Bản được Đồng Nai đánh giá đã hoàn thành cơ bản chương trình hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sản xuất công nghiệp cho tỉnh.
Chuyên gia Nhật Bản trực tiếp theo dõi giảng viên thực hành dạy về an toàn lao động, từ đó góp ý chương trình giảng dạy. Ảnh: C.Nghĩa |
Đồng Nai có 2 trường được JICA chọn thí điểm chương trình này, gồm: Trường đại học Lạc Hồng (TP.Biên Hòa) và Trường cao đẳng nghề công nghệ cao Đồng Nai (huyện Long Thành). Thời gian triển khai từ tháng 7-2014 tới tháng 3-2017.
Thay đổi tư duy đào tạo
|
Theo ông Nguyễn Hữu Đức, Phó giám đốc Trung tâm đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực (thuộc Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai), trong gần 3 năm triển khai đã có 24 lượt cán bộ, giảng viên của Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, Trường đại học Lạc Hồng và Trường cao đẳng nghề công nghệ cao Đồng Nai được đào tạo bài bản tại Nhật Bản, về đảm bảo an toàn lao động theo tiêu chuẩn 3S (sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ). Phía Nhật Bản đã rất kỹ lưỡng khi 4 lần cử các chuyên gia trực tiếp sang Đồng Nai để huấn luyện cán bộ, giảng viên của 2 trường nói trên về nhiều nội dung quan trọng, như: xây dựng giáo trình phù hợp, phương pháp giảng dạy, triển khai phòng thực hành 3S chuẩn Nhật Bản…
TS.Nguyễn Bá Thuận, Phó trưởng khoa Cơ điện - điện tử Trường đại học Lạc Hồng, cho biết gần 3 năm trước ông được sang Nhật đào tạo về tiêu chuẩn an toàn lao động 3S. Những kiến thức lĩnh hội ở Nhật Bản, đất nước nổi tiếng với những quy định rất khắt khe về an toàn lao động đã giúp ông và các đồng nghiệp tạo ra những thay đổi lớn về phương pháp giảng dạy an toàn lao động cho sinh viên. Trước đây, số tiết dạy về an toàn lao động dành cho sinh viên ngành kỹ thuật hệ đại học thường kéo dài 90 tiết. Sau khi cải tiến theo chương trình của Nhật Bản, số tiết giảm một nửa, trong đó số tiết dạy lý thuyết vốn khô khan còn 8 - 10 tiết, phần còn lại là tham quan và thực hành công tác đảm bảo an toàn lao động tại các doanh nghiệp Nhật Bản.
Giám đốc Công ty TNHH Hirota Precision Việt Nam Hirota Naoto (doanh nghiệp 100% vốn Nhật Bản tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1, huyện Nhơn Trạch, được JICA mời tham gia đào tạo cho chương trình) chia sẻ: “Lao động Việt Nam rất chăm chỉ, tuy nhiên an toàn lao động là điều rất đáng lo ngại. Đây chính là lý do tôi nhận lời đồng hành trong quá trình triển khai chương trình này tại Đồng Nai gần 3 năm qua để giúp nâng cao ý thức lao động. Đặc biệt, tôi đã tạo điều kiện để sinh viên tới tham quan môi trường lao động rất nghiêm ngặt tại Hirota Precision Việt Nam”.
Cần nhân rộng
Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề công nghệ cao Đồng Nai Lê Anh Đức cho biết gần 3 năm được tham gia chương trình hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sản xuất công nghiệp, trường đã có 12 giáo viên may mắn được đào tạo về tiêu chuẩn an toàn lao động 3S tại Nhật Bản. Khi về trường các giáo viên này đã thành lập được 3 tổ đào tạo 3S rất khoa học và chất lượng. Doanh nghiệp Nhật Bản khi biết sinh viên ra trường đã được đào tạo chương trình 3S thì trả lương rất cao, vì ý thức an toàn lao động là điều doanh nghiệp Nhật Bản đặc biệt coi trọng.
Ông Turo Asai, Cục trưởng Cục Kinh tế - thương mại, phụ trách quan hệ quốc tế vùng Kansai (Nhật Bản), cho biết: “Chúng tôi rất hy vọng sau khi Đồng Nai có 2 trường đầu tiên được hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển sản xuất công nghiệp, tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm triển khai nhân rộng chương trình này tới các trường khác. Doanh nghiệp Nhật Bản không chỉ muốn tuyển những nhân lực giỏi, mà đi đôi với đó cần phải có tính kỷ luật trong lao động, đặc biệt là an toàn lao động, vì sức khỏe và tính mạng con người là trên hết”.
Ông Toshifumi Sakai, Trưởng đại diện Văn phòng JICA tại TP.Hồ Chí Minh, đánh giá rất cao hiệu quả của chương trình hỗ trợ nguồn nhân lực phát triển sản xuất công nghiệp được thực hiện trong 3 năm qua. Từ đó đã làm thay đổi tư duy, phong cách giảng dạy và môi trường thực hành giảng dạy về an toàn lao động tại các trường nằm trong dự án. Tuy nhiên, ông Toshifumi Sakai không khỏi băn khoăn: “Tháng 3-2017, JICA sẽ dừng cấp kinh phí để thực hiện dự án. Các trường sẽ phải tự thân vận động triển khai chương trình, đặc biệt là tỉnh phải tính toán tới việc nhân rộng mô hình đào tạo này cho các trường”. Phía JICA cũng đề xuất, những giảng viên đã được đào tạo sẽ hỗ trợ các trường chưa có giáo viên được đào tạo, đồng thời tỉnh hỗ trợ kinh phí để mô hình này mở rộng ra càng nhiều trường càng tốt.
Công Nghĩa