Xã hội

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017: Tìm hướng thích nghi với đề thi mới

Trước những đổi mới trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, Sở GD-ĐT đã định hướng các trường THPT bám sát điểm mới trong cách ra đề thi của Bộ GD-ĐT.

Thầy Trần Ngọc Anh, Phó hiệu trưởng Trường THPT Trấn Biên (TP.Biên Hòa) dạy môn Toán cho học sinh lớp 12D2. Ảnh: C.Nghĩa
Thầy Trần Ngọc Anh, Phó hiệu trưởng Trường THPT Trấn Biên (TP.Biên Hòa) dạy môn Toán cho học sinh lớp 12D2. Ảnh: C.Nghĩa

Theo Sở GD-ĐT, dù kỳ thi có nhiều điểm mới nhưng không vì thế mà làm cho giáo viên, học sinh lo lắng. Hướng thống nhất vẫn là tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh được học, ôn thi sát với chương trình, đặc biệt là tăng cường làm quen với hình thức ra đề thi mới, trong đó có hình thức trắc nghiệm ở môn Toán và 2 đề thi tổ hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.

Không chủ quan

Theo dự thảo quy chế kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, cách ra đề thi sẽ có nhiều điểm mới, trong đó môn Toán sẽ chuyển từ hình thức tự luận sang hình thức trắc nghiệm. Đề thi tổ hợp có nhiều môn trong một đề thi. Theo đó, đề thi tổ hợp khoa học tự nhiên gồm các môn: Vật lý, Hóa học và Sinh học; còn bài thi tổ hợp khoa học xã hội gồm các môn: Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân. Số lượng câu hỏi lẫn thời gian hoàn thành cho mỗi môn thi trong đề thi tổ hợp là bằng nhau. Thời gian hoàn thành mỗi bài thi tổ hợp là một buổi thi. Với cách ra đề thi tổ hợp, kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia sẽ rút ngắn từ 3 ngày xuống còn 2 ngày.

Theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT, nhiều trường THPT trong tỉnh đã có kế hoạch để thích nghi với phương án thi mới của Bộ GD-ĐT. Ngoài việc dạy và học, ôn tập phải bao quát toàn bộ chương trình, ngay trong kỳ thi giữa và cuối học kỳ I (năm học 2016-2017) các trường đã chuyển hướng cho học sinh tăng cường hình thức thi trắc nghiệm và bước đầu cho học sinh làm quen với đề thi theo hình thức tổ hợp.

Học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh (TP.Biên Hòa) trong giờ thí nghiệm môn Sinh học. Ảnh: C.Nghĩa
Học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh (TP.Biên Hòa) trong giờ thí nghiệm môn Sinh học. Ảnh: C.Nghĩa

Thầy Trần Ngọc Anh, Phó hiệu trưởng Trường THPT Trấn Biên (TP.Biên Hòa), cho biết: “Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 lần đầu tiên môn Toán sẽ chuyển từ hình thức tự luận sang trắc nghiệm. Giáo viên dạy môn Toán vẫn dạy theo cách cũ, nhưng linh hoạt vừa hướng học sinh làm bài tập theo hình thức tự luận để tăng cường rèn luyện tư duy, vừa tăng cường cho học sinh làm nhiều các bài tập trắc nghiệm, các đề thi trắc nghiệm theo “phiên bản” của Bộ GD-ĐT”.

Phó giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên Đồng Nai Lương Trọng Thông nhận định: “Phương án thi THPT quốc gia mới có thể tốt cho học sinh các trường THPT, nhưng hệ giáo dục thường xuyên và bổ túc văn hóa thì không dám chắc. Với phương án thi cũ, tỷ lệ đậu tốt nghiệp chỉ 50%, còn với phương án thi mới thì chưa thể nói trước”.

Băn khoăn ngân hàng câu hỏi

Để giáo viên và học sinh lớp 12 các trường THPT chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho kỳ thi THPT quốc gia sắp tới, ngay từ giữa tháng 11 Sở GD-ĐT đã triển khai phương án thi cho các trường. Phương án thi mới có nhiều ưu điểm, đó là giảm số lượng các bài thi, số ngày thi trong một kỳ thi. Theo Phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD-ĐT), với phương án thi mới, để đạt được điểm trung bình ở các môn đủ để xét tốt nghiệp THPT không phải là việc quá khó. Tuy nhiên, để đạt được điểm cao dùng xét tuyển vào các trường cao đẳng, đại học, đặc biệt là các trường đại học tốp trên lại là nhiệm vụ không hề dễ dàng.

Trong kỳ thi THPT quốc gia 2017, ở các bài thi trắc nghiệm, mỗi thí sinh sẽ được phát một mã đề riêng với những câu hỏi không giống nhau. Băn khoăn của các trường hiện nay, đó là cần có một ngân hàng đề thi trắc nghiệm để giáo viên có thể khai thác, cung cấp cho học sinh ôn tập và làm các bài thi thử. Bên cạnh đó có một mối lo khác, đó là trong kỳ sẽ có 2 đề thi tích hợp, mỗi tổ hợp tích hợp 3 môn và chỉ thi trong một buổi. Do đó, thí sinh sẽ phải làm bài với áp lực lớn hơn so với thi từng môn độc lập trong mỗi buổi thi như những năm trước.

Đến nay, các trường THPT và Sở GD-ĐT chưa có đủ số lượng câu hỏi trắc nghiệm cần thiết ở từng bộ môn để có thể ra cho mỗi thí sinh một đề thi khác nhau. Được biết, để có đủ số câu hỏi trắc nghiệm ra cho mỗi thí sinh một đề riêng sẽ phải huy động từ rất nhiều nguồn, đặc biệt là tập hợp giáo viên giỏi, có kinh nghiệm ở các bộ môn để soạn ra cho câu hỏi sát với chương trình. Điều này được cho là tốn rất nhiều công sức, thời gian và kinh phí. Để học sinh làm quen với hình thức thi mới, các trường THPT đã và đang dần chủ động nguồn câu hỏi trắc nghiệm cho các đề thi thử. Có trường trong kỳ thi học kỳ I đã cho học sinh thi theo hình thức trắc nghiệm môn Toán và 2 đề thi tổ hợp tự nhiên và xã hội.

Hiệu trưởng Trường THPT Đoàn Kết (huyện Tân Phú) Nguyễn Văn Hiển cho biết với môn Toán trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới, trường đã có đủ câu hỏi để ra đề thi trắc nghiệm cho học sinh ôn tập và thi thử. Các môn trong bài tổ hợp khoa học tự nhiên và tổ hợp khoa học xã hội thì câu hỏi mới chỉ đủ khoảng 80%, được lấy từ nhiều nguồn của Bộ GD-ĐT, nguồn internet và huy động giáo viên bộ môn biên soạn. Tuy nhiên, thầy Hiển băn khoăn: “Khó nhất là làm sao các câu hỏi trắc nghiệm được soạn phải bao quát được chương trình ở từng môn, đặc biệt phải có sự phân hóa cao trình độ học sinh”.

Công Nghĩa

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,478,686       1/828