Xã hội

Băn khoăn khi điều chỉnh tăng tuổi hưu

Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Văn phòng Chính phủ vào ngày 27-12 về việc lấy ý kiến góp ý cho dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động năm 2012, Đồng Nai đã kiến nghị, đề xuất nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có việc điều chỉnh tăng tuổi hưu.

 

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Công Nghĩa
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Công Nghĩa

Mặc dù nhất trí tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi đối với nam và 58 tuổi đối với nữ theo phương án của dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động năm 2012, nhưng vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn cho rằng cần có lộ trình cụ thể và lấy ý kiến của người lao động trước khi chính thức điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu.

Quy định cụ thể nghề nặng nhọc

 Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp đề xuất chỉ thí điểm thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu với khối hành chính sự nghiệp trước và đối với người lao động có trình độ từ đại học, sau đại học trở lên làm việc trong các ngành: nghiên cứu khoa học - kỹ thuật, giáo dục, y tế để họ tiếp tục đóng góp kiến thức cho xã hội. Đối với lao động phổ thông, nhất là những ngành nghề độc hại, nặng nhọc nên giữ nguyên độ tuổi nghỉ hưu như hiện nay là 55 tuổi đối với nữ và 60 tuổi đối với nam. Việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu phải có lộ trình, phải xác định rõ danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, tránh chung chung sẽ khó thực hiện.

Nữ trên 55 tuổi làm ngành nghề may mặc, giày da sẽ rất khó khăn, vất vả vì đau lưng, mắt kém. Trong ảnh: Công nhân một công ty may mặc ở Khu công nghiệp Amata đang làm việc. Ảnh: Công Nghĩa
Nữ trên 55 tuổi làm ngành nghề may mặc, giày da sẽ rất khó khăn, vất vả vì đau lưng, mắt kém. Trong ảnh: Công nhân một công ty may mặc ở Khu công nghiệp Amata đang làm việc. Ảnh: Công Nghĩa

Tương tự, Giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Huỳnh Văn Tịnh cũng cho rằng tuy tuổi thọ người Việt Nam có tăng lên nhưng sức khỏe còn kém. Chính những người lao động sức khỏe kém không ai muốn tăng tuổi nghỉ hưu. Hiện tại nên đưa vào quy phạm tùy nghi, cho lựa chọn không bắt buộc. Cụ thể, tuổi hưu từ 60-62 đối với nam và 55-60 tuổi đối với nữ, trong thời gian đó xin nghỉ lúc nào cũng được, không bắt buộc, để người lao động có quyền lựa chọn, nghỉ cũng không trái về mặt luật, khuyến khích tăng tuổi nghỉ hưu.

Cũng tại buổi làm việc, nhiều ý kiến cho rằng cần quy định cụ thể những ngành nghề nặng nhọc để không tăng tuổi nghỉ hưu, như: ngành GD-ĐT đề nghị không tăng tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non, tiểu học; ngành y tế đề nghị giữ nguyên tuổi nghỉ hưu với điều dưỡng, hộ lý; Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Đồng Nai đề nghị không tăng tuổi nghỉ hưu với công nhân may mặc, giày da...

Có lộ trình cụ thể hơn

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp cho biết từ Bộ luật Lao động năm 2012 cơ quan chức năng đã ban hành rất nhiều văn bản, nghị định, thông tư hướng dẫn. Qua 3 năm thực hiện mà có hơn 60 văn bản dưới luật quy định chi tiết về Bộ luật Lao động năm 2012. Do đó, lần này nghiên cứu làm sao để Luật sửa đổi Bộ luật Lao động năm 2017 rõ ràng hơn, cụ thể hơn, giảm bớt nghị định, thông tư. Luật rõ rồi thực hiện dễ hơn.

Lý giải nguyên nhân điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, ông Ngô Hoàng, Vụ Pháp chế Bộ Lao động - thương bình và xã hội, cho rằng đó là xu thế bởi một số nước sắp tăng tuổi hưu lên thẳng 65 tuổi. Xu thế này có nhiều nguyên nhân, bảo hiểm chỉ là một phần rất nhỏ. Về ý kiến cho quyền tùy nghi trong lựa chọn tuổi về hưu, nhưng để tùy nghi liệu rằng với tâm lý của người Việt Nam có tùy nghi được hay không hay tất cả đều muốn nghỉ ở độ tuổi 60 hoặc 55.

Ông Điều Bá Được, Trưởng ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho biết với độ tuổi nghỉ hưu hiện nay là 60 tuổi với nam, 55 tuổi với nữ thì bình quân tuổi nghỉ hưu chỉ khoảng 54 tuổi vì nhiều người nghỉ hưu trước tuổi do công việc nặng nhọc. Nếu trong lần sửa đổi Bộ luật Lao động năm 2012 lần này vẫn cứ đặt vấn đề cho những người làm việc nặng nhọc không điều chỉnh đến, thì sau này độ tuổi nghỉ hưu sẽ vẫn thấp. Hiện nay, Việt Nam đang chuyển sang già hóa dân số, qua thời kỳ dân số “vàng”, đang già nhưng chưa giàu. Do đó, phải tính toán điều chỉnh tuổi nghỉ hưu và thay đổi quan niệm về tuổi nghỉ hưu cho phù hợp với tình hình mới.

Trong khi đó, ông Trương Hồng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật Văn phòng Chính phủ, xác nhận việc lấy ý kiến dự án sửa đổi Bộ luật Lao động năm 2012 rất vất vả. Các vấn đề này còn rất nhiều phương án nên ông rất đồng ý với việc mở rộng lấy ý kiến trong người lao động để tạo được sự đồng thuận cao. Việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu sẽ tăng sức ép dư luận rất lớn, do đó cầm cân nảy mực quyết định vấn đề này là một vấn đề phức tạp. Tuy nhiên, ông Dương cho rằng: “Nếu chúng ta có quan điểm đều muốn tăng thì trước hết tăng tuổi hưu nhóm công chức nhà nước; khi ban hành chính sách phải cụ thể cho từng đối tượng và có lộ trình thích hợp, tránh áp lực. Nên giao cho Chính phủ quy định áp dụng đối tượng nào, vào thời điểm nào, mức tăng là bao nhiêu, sẽ phù hợp hơn. Muốn thế phải đi khảo sát và có đánh giá”.

Đặng Ngọc

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,476,429       1/834