Có một điều đáng buồn, cứ vào các ngày nghỉ lễ, tết, số trẻ em nhập viện cấp cứu do tai nạn thương tích thường tăng cao. Dịp Tết Đinh Dậu 2017 cũng không ngoại lệ.
Đáng nói là có rất nhiều trường hợp tai nạn nặng, tai nạn hy hữu mà nguyên nhân chính vẫn là do thiếu sự quan tâm, để ý từ cha mẹ, người thân.
Điều dưỡng Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai chăm sóc bé N.T.K. sau ca phẫu thuật. Ảnh: Đ.NGỌC |
Trong đó, có một trường hợp tử vong là bé P.G.H. (14 tháng tuổi, ngụ xã Bình Sơn, huyện Long Thành) do bị ngạt hạt hướng dương trong đường thở. Theo thông tin từ Bệnh viện đa khoa khu vực Long Thành, vào ngày 31-1 (mùng 4 tết), bé H. được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở, đồng tử giãn và được xác định đã tử vong trước khi nhập viện do dị vật đường thở.
Nhiều tai nạn không ngờ
Gần 300 trẻ bị tai nạn thương tích vào dịp tết Trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2017, tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai đã tiếp nhận và cấp cứu cho gần 300 ca tai nạn thương tích của trẻ. Trong đó, số ca tai nạn do sinh hoạt, tai nạn rủi ro chiếm khoảng 84%; tai nạn giao thông chiếm gần 16%, trong đó có nhiều ca chấn thương đầu, chấn thương phần mềm, gãy tay chân, bỏng… |
Một tai nạn hy hữu khác là bé N.T.K., 34 tháng tuổi, bị chó cắn làm lóc hoàn toàn da dương vật của bé. Rất may, bé K. đã được các bác sĩ Khoa Ngoại chấn thương, chỉnh hình - bỏng, Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai phẫu thuật cấp cứu kịp thời nối lại vùng da cho dương vật của bé. Theo cha của bé K., vào ngày 3-2 (mùng 7 tết), anh có dẫn bé K. vào chỗ làm việc chơi. Khi mọi người không để ý, bé K. đã ném điện thoại vào con chó mới đẻ nên bị con chó xông vào cắn tới tấp vào vùng kín của bé khiến mọi người không kịp trở tay.
Trong những ca cấp cứu ngày tết còn có những ca bị bỏng do trẻ nghịch ngợm, hiếu động… Đó là trường hợp em H.V.T., 10 tuổi, đang điều trị bỏng tại Bệnh viện đa khoa khu vực Định Quán do đốt bình có chứa xăng gây nổ nên bị bỏng độ I, độ II với diện tích bỏng khoảng 20% ở các vị trí mặt, 2 tay, chân và bụng; hay như trường hợp bé Đ.N.L., 3 tuổi, ngụ phường Hòa Bình (TP.Biên Hòa) đang điều trị tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai trong tình trạng bỏng độ II ở toàn cẳng tay phải, vùng đùi phải do đốt bong bóng có khí đá.
Bé Đ.N.L. với vết thương bỏng đang điều trị tại Khoa ngoại chấn thương, chỉnh hình - bỏng Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai. |
Mẹ của bé Đ.N.L. cho biết vào ngày 1-2 (mùng 5 tết), chị đưa con theo ra chợ Biên Hòa bán cá. Trong lúc chị mải buôn bán thì nghe tiếng nổ lớn và thấy con chị té ngã từ trên ghế xuống đất, chân tay bị bỏng đỏ. Nhìn những vết thương trên tay và chân con, chị cảm thấy rất hối hận khi chỉ một phút lơ là không để ý mà để con trai chị phải chịu đau đớn như thế này. Bản thân chị cũng không biết khi có lửa sẽ làm nổ bong bóng có khí đá, nếu biết trước chị sẽ không cho con chơi với hộp quẹt.
Luôn để mắt tới trẻ
Trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2017, một trong những khoa bận rộn nhất của Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai là Khoa Ngoại chấn thương, chỉnh hình - bỏng. Theo bác sĩ Nguyễn Bá Minh Phước, Phó khoa Ngoại chấn thương, chỉnh hình - bỏng, trong ngày nghỉ tết của những năm trước thường có nhiều ca tai nạn giao thông. Nhưng trong Tết 2017 lại nhiều ca tai nạn rủi ro, tai nạn sinh hoạt với mức độ khá nặng nề, như: gãy xương có đứt gân, đứt dây thần kinh, gãy xương cả 2 cẳng chân, giập nát xương gót chân…
Bác sĩ Phước cho biết thêm, chỉ tính riêng 2 ngày mùng 1 và mùng 2 Tết Nguyên đán, các bác sĩ trong khoa đã phải mổ 10 ca chấn thương chỉnh hình (ngày thường một tuần chỉ thực hiện khoảng 4-5 ca phẫu thuật). Phần đông trẻ bị tai nạn thương tích nhập viện đều trong độ tuổi từ 3-7 tuổi. Ở tuổi này trẻ rất hiếu động, chưa nhận thức hết nguy hiểm khi chơi đùa, phải có sự giám sát của người lớn. Trong khi đó vào những ngày nghỉ lễ, tết, cha mẹ quá bận rộn với công việc nên ít để mắt đến trẻ.
Về trường hợp hóc dị vật ở đường thở, bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, cho biết một trong những nguyên nhân khiến tình trạng trẻ bị hóc dị vật trở nên nặng hơn là do người nhà không biết cách sơ cấp cứu để lấy dị vật ra càng sớm càng tốt. Phần lớn lấy tay cố móc dị vật ra mà không biết rằng làm như vậy sẽ đẩy dị vật đi sâu vào đường thở của bé. Do đó, gia đình có trẻ nhỏ cần trang bị kỹ năng sơ cứu hóc dị vật cho trẻ bằng phương pháp vỗ lưng, ấn ngực hoặc khi xảy ra tai nạn phải đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu đưa dị vật ra càng sớm càng tốt. Để phòng tai nạn rủi ro cho trẻ, phụ huynh nên để mắt tới trẻ, không cho trẻ chơi, ngậm những vật dụng, thức ăn dạng hạt, dạng khối nhỏ sẽ dễ trôi tuột vào trong khi trẻ nô đùa, té ngã…
Đặng Ngọc