Ai cũng biết rượu, bia là tác nhân gây ra nhiều hậu quả khôn lường cho gia đình và xã hội. Rượu, bia không những gián tiếp gây ra nhiều vụ giết người, cố ý gây thương tích, tai nạn giao thông mà còn là nguyên nhân chính gây ngộ độc, nhiều bệnh mạn tính khác, thậm chí gây ra bệnh loạn thần, hoang tưởng khiến không ít gia đình phải khổ đau, tan nát.
Bác sĩ Nguyễn Lợi, Trưởng khoa Hồi sức - cấp cứu Bệnh viện tâm thần trung ương 2, khám bệnh cho ông N.T.L. Ảnh: Đ.Ngọc |
Bên ngoài hành lang Khoa Hồi sức - cấp cứu Bệnh viện tâm thần trung ương 2 (TP.Biên Hòa) là bóng dáng của nhiều phụ nữ khắc khổ; có người ngồi lặng thinh nghe chồng chửi rủa xối xả. Họ là mẹ, là vợ của những bệnh nhân nhập viện cấp cứu do bị loạn thần, hoang tưởng bởi rượu, bia.
Khổ vì nghiện rượu!
Phòng ngừa nghiện rượu Bác sĩ Nguyễn Lợi, Trưởng khoa Hồi sức - cấp cứu Bệnh viện tâm thần trung ương 2, cho biết hiện nay việc mua bán rượu, bia quá dễ dàng, việc sử dụng rượu, bia còn được coi là một hình thức giao lưu, làm ăn nên rất dễ dẫn đến tình trạng nghiện rượu, bia. Do đó, để phòng ngừa nghiện rượu, bia, ngoài tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng về tác hại của rượu, bia, còn phải tăng chú trọng giáo dục thanh niên có lối sống lành mạnh, tránh lạm dụng rượu, bia, tạo công ăn việc làm để tập trung lao động sản xuất. Song song đó, Nhà nước phải có quy chế quản lý, kiểm soát chặt chẽ hơn nữa việc sản xuất, mua bán và tiêu thụ rượu, bia còn dễ dãi như hiện nay. |
Trong số đó có bà T.T.T.H. (ngụ quận Phú Nhuận, TP.Hồ Chí Minh). Dù bị chồng liên tục chửi rủa là đi ngoại tình, muốn hãm hại chồng nhưng bà H. vẫn kiên nhẫn đút từng miếng cơm cho chồng - ông Huỳnh Anh T., 49 tuổi, nhập viện điều trị cai nghiện rượu. Ông T. dù tay chân run nhiều phải ngồi trên xe lăn nhưng vẫn với tay muốn đánh vợ. Bà H. tâm sự đã chịu cảnh này suốt 8 năm nay cùng với biết bao trận đòi roi trút xuống bà và các con. Mỗi ngày ông T. uống khoảng 1 lít rượu đế, thường hay lảm nhảm và đánh chửi vợ con. Đến khi ông T. tay chân run, nói chuyện lảm nhảm, đi lang thang ngoài đường thì người nhà mới đưa đi chữa bệnh.
Đáng lo ngại, đa số ca bệnh cấp cứu loạn thần, hoang tưởng do rượu vào cấp cứu tại Bệnh viện tâm thần trung ương 2 trong độ tuổi lao động, trong đó có khá nhiều ca từ 35-50 tuổi và đang có xu hướng gia tăng bệnh nhân trên dưới 30 tuổi. Như trường hợp của ông N.T.L. (35 tuổi, ở xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch) có 4 năm nghiện rượu nặng. Trong 1 tháng gần Tết Nguyên đán 2017, ông L. uống rượu liên tục không ăn uống gì. Những ngày gần đây, ông L. bỏ nhà đi lang thang, nói lảm nhảm, ngủ ngoài đường vì cho rằng “thấy nhiều người lạ, đầy máu me đi trên mái nhà”.
Người nhà của ông L. cho biết trước đây ông L. làm công nhân, thường uống rượu sau giờ tan ca. Chính vì vậy, vợ của ông L. đã bỏ nhà đi 4 năm nay, từ đó anh bỏ bê công việc, lao vào rượu chè be bét, bỏ mặc con cho mẹ già nuôi. Dù gia đình hết mực khuyên răn nhưng ông L. vẫn không thuyên chuyển, suốt ngày chìm đắm trong rượu, bia. Đến khi cơ thể của ông L. ngày càng suy kiệt, tinh thần không ổn định và có dấu hiệu rối loạn tâm thần mới đưa đến Bệnh viện tâm thần trung ương 2 để cấp cứu và cai rượu.
Hoang tưởng, ảo giác
Bác sĩ Nguyễn Lợi, Trưởng khoa Hồi sức - cấp cứu Bệnh viện tâm thần trung ương 2, cho biết phần lớn các ca nghiện rượu, bia đến cấp cứu thường do bị sảng rượu; loạn thần, hoang tưởng do rượu, ảo giác chiếm ưu thế; rơi vào trạng thái cai rượu... Gần đây còn xuất hiện nhiều trường hợp mất trí do rượu. Điều đáng nói, các trường hợp nghiện rượu nhập viện rất trễ, bệnh nhân có biểu hiện rối loạn tâm thần kèm bệnh nội khoa nặng mới đưa đi cấp cứu. Thông thường bệnh nhân tử vong do nhiều bệnh nội khoa nặng kèm theo, như: loét bao tử, viêm gan, xơ gan, lao phổi, suy thận…
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Lợi, một trong nhóm loạn thần do rượu hay gặp là bệnh hoang tưởng, ảo giác, thường hình thành và phát triển trên người uống rượu nhiều năm (trên 10 năm, có thể nghiện hoặc không nghiện). Người bệnh luôn coi mình là đúng và luôn cảm thấy như có người nói bên tai. Thời gian đầu mắc bệnh hoang tưởng thì khi người bệnh uống rượu say mới xuất hiện ghen tuông, khi hết say thì hết ghen. Nhưng uống rượu lâu ngày, hoang tưởng xuất hiện cả lúc không uống rượu với các biểu hiện luôn nghi ngờ vợ ngoại tình, tìm cách theo dõi, hành hạ, đánh đập, thậm chí giết cả vợ con. Có người ảo giác luôn nhìn thấy ma quỷ ám hại… Bản thân người bệnh cũng có rất nhiều các rối loạn cơ thể kèm theo, như: thần kinh thực vật, chức năng gan, tim mạch…
Khoa Hồi sức - cấp cứu Bệnh viện tâm thần trung ương 2 đã triển khai điều trị cai rượu, bia suốt nhiều năm nay bằng nhiều phương pháp dùng thuốc, chế độ ăn uống, các phương pháp trị liệu tâm lý, liệu pháp lao động…Nếu bệnh nhân hợp tác và quyết tâm cai nghiện thì tỷ lệ thành công rất cao. Tuy nhiên, vấn đề ở đây điều trị nghiện rượu thì dễ nhưng để bệnh nhân bỏ rượu mới khó. Có đến 60-70% bệnh nhân điều trị cai nghiện rượu, bia lại tái nghiện. Vì vậy, điều trị cai rượu phải kiên trì, đòi hỏi sự hợp tác của gia đình, bệnh nhân và kinh nghiệm của thầy thuốc cùng sự hỗ trợ của cộng đồng. Điều quan trọng là làm sao để người nghiện hiểu được tác hại của rượu, bia, có công ăn việc làm, quyết tâm bỏ rượu, tu chí làm ăn.
Dấu hiệu say rượu bệnh lý Đặc điểm cơ bản của say rượu bệnh lý khác say rượu thông thường ở chỗ khởi phát nhanh từ vài phút đến vài giờ sau khi uống rượu (ít khi xuất hiện muộn sau nhiều giờ). Người bệnh rơi ngay vào trạng thái rối loạn ý thức trầm trọng, mất định hướng, không duy trì được sự tiếp xúc với những người xung quanh; cảm xúc bất an, lo âu, hoảng sợ đạt tới mức khủng khiếp; có hành vi kích động: tấn công, giết người, đốt nhà... Say rượu bệnh lý thường kéo dài 1 giờ, đôi khi vài giờ nhưng ít khi quá 24 giờ; kết thúc đột ngột bằng một giấc ngủ say và sau đó không nhớ gì hoặc nhớ lẻ tẻ một vài sự kiện. |
Đặng Ngọc