Không ít người chỉ cần nghe nói đến bác sĩ điều trị bệnh lao đã tỏ vẻ ngại ngần khi tiếp xúc chứ đừng nói tới bác sĩ chuyên điều trị lao siêu kháng thuốc, lao kháng đa thuốc vì đây là những thể lao nặng, thời gian điều trị kéo dài, nhiều tác dụng phụ, nguy cơ tử vong cao.
Bác sĩ Bùi Văn Thịnh, Trưởng khoa Lao B Bệnh viện phổi Đồng Nai, khám bệnh cho bệnh nhân. Ảnh: N.Thư |
Thế nhưng gần 2 năm nay, các bác sĩ, nhân viên y tế bộ phận điều trị lao kháng đa thuốc, thuộc Khoa Lao B (điều trị lao cho nam giới) Bệnh viện phổi Đồng Nai (xã Phước Tân, TP.Biên Hòa) đã luôn sát cánh để chữa trị cho 120 bệnh nhân lao kháng đa thuốc, tăng nhiều so với chỉ tiêu Trung ương giao cho Đồng Nai, góp phần hạn chế rất lớn nguồn lây lao kháng đa thuốc ra cộng đồng.
* Đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao
Giám đốc Bệnh viện phổi Đồng Nai Nguyễn Ngọc Khánh cho biết, việc thành lập bộ phận điều trị lao kháng thuốc tại Khoa Lao B, là nỗ lực rất lớn của ngành y tế nói chung và của bệnh viện nói riêng vì đã tạo cơ hội cho nhiều bệnh nhân lao kháng đa thuốc có điều kiện chữa trị bệnh. Điều bệnh viện luôn trăn trở là thù lao cho bác sĩ, nhân viên y tế ở bộ phận này còn quá thấp do nguồn tài chính có hạn, bệnh viện cũng không thể hỗ trợ nhiều hơn. Do đó, rất mong tỉnh có chính sách hỗ trợ những người trực tiếp điều trị, chăm sóc bệnh lao kháng đa thuốc để tiếp tục phát triển hoạt động của bộ phận này, giúp phát hiện ra nhiều bệnh lao kháng đa thuốc, hạn chế nguồn lây trong cộng đồng. |
Dù bệnh viện đã bố trí một khu riêng biệt dành điều trị bệnh lao kháng thuốc và các bác sĩ, nhân viên y tế đều được trang bị khẩu trang N95 để phòng ngừa lây nhiễm bệnh, nhưng nguy cơ lây nhiễm bệnh lao kháng thuốc từ bệnh nhân rất lớn vì ý thức của bệnh nhân chưa cao. Một số bệnh nhân vẫn khạc nhổ bừa bãi; tự tiện qua lại phòng hành chính của khoa mà không đeo khẩu trang.
Nguy hiểm nhất là những lúc cấp cứu bệnh nhân nặng, bác sĩ, nhân viên y tế không kịp đeo khẩu trang N95 (vì khẩu trang này mất thời gian đeo lâu hơn các khẩu trang khác). Bác sĩ Bùi Văn Thịnh, Trưởng Khoa Lao B, phụ trách bộ phận điều trị lao kháng thuốc, chia sẻ có những bệnh nhân lao kháng đa thuốc khi đưa vào cấp cứu bị ho ra máu nhiều, tràn khí màng phổi rất nặng, nhiều khi không kịp đeo khẩu trang vẫn phải tiểu phẫu để dẫn khí ra cho bệnh nhân bởi đường thở được tính bằng phút, nếu làm chậm bệnh nhân rất dễ nguy kịch, thậm chí tử vong. Bác sĩ Thịnh bộc bạch: “Đã có duyên nợ với nghề thì ráng làm tròn bổn phận. Nếu ai cũng né tránh thì ai sẽ giúp bệnh nhân, làm sao hạn chế được nguồn lây nhiễm lao, nhất là lao kháng thuốc trong cộng đồng”.
Bác sĩ, nhân viên y tế Khoa Lao B Bệnh viện phổi Đồng Nai trao đổi công việc sau giờ tan ca. |
Một trong những khó khăn khác trong điều trị lao kháng thuốc là bệnh nhân đa phần đều là những người nhiễm HIV, viêm gan siêu vi B, nghiện rượu, nghiện thuốc lá... tâm lý rất hoang mang, ít tuân thủ điều trị; một số bệnh nhân còn rất nóng nảy, la lối trong khoa bệnh. Trong khi đó, phác đồ điều trị bệnh lao kháng đa thuốc kéo dài đến 20 tháng, có nhiều tác dụng phụ. Vì thế, các bác sĩ, điều dưỡng trong khoa còn phải tìm hiểu hoàn cảnh của từng bệnh nhân để động viên kiên trì trong điều trị. Bệnh nhân T.Q.T., (phường Bình Đa, TP.Biên Hòa) nhận xét: “Mới đầu khi biết mình bị lao kháng đa thuốc tôi suy sụp, chán nản lắm, chỉ muốn chết thôi. Uống thuốc điều trị còn gặp nhiều tác dụng phụ, trong người rất khó chịu nhưng các bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện chăm sóc rất tận tình, tư vấn, hướng dẫn bệnh rất kỹ lưỡng nên tôi cũng an tâm chữa trị. Sức khỏe tôi đang dần hồi phục”.
* Chế độ chưa tương xứng
Mới đây, bộ phận lao kháng thuốc Bệnh viện phổi Đồng Nai đã phát hiện được ca lao siêu kháng thuốc đầu tiên. Thông thường, những ca bệnh nặng này phải chuyển về tuyến Trung ương, nhưng các bác sĩ vẫn kiên trì điều trị do thấy bệnh nhân vẫn đáp ứng với phác đồ hàng 2 của điều trị lao kháng đa thuốc. Việc điều trị lao kháng đa thuốc khó khăn một thì điều trị lao siêu kháng thuốc khó khăn gấp nhiều lần do chưa có một phác đồ chuẩn, nhưng các bác sĩ vẫn không ngừng cập nhật thông tin chữa trị, vừa thực hiện theo chỉ đạo của tuyến trên là Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (TP.Hồ Chí Minh) để giúp bệnh nhân điều trị gần nhà, không phải đi xa, không bỏ trị. Bên cạnh đó, việc điều trị lao siêu kháng thuốc khiến nguy cơ lây nhiễm cho đội ngũ nhân viên y tế rất cao.
Khoa lao B hiện có 4 bác sĩ, 8 điều dưỡng và 3 hộ lý nhưng các bác sĩ, nhân viên y tế ở đây luôn làm việc với khối lượng công việc rất lớn, áp lực nhiều, vừa chăm sóc, điều trị cho 80-90 bệnh nhân lao nam/ngày, vừa khám và điều trị cho 120 bệnh nhân lao kháng đa thuốc. Công việc của họ thường bắt đầu sớm và kết thúc trễ hơn giờ hành chính vì bệnh quá đông. Không những thế, họ thường xuyên tiếp xúc với nguồn lây bệnh, trong khi các chế độ phụ cấp vẫn còn thấp, chưa tương xứng với công sức bỏ ra. Trong năm 2016, đã có một điều dưỡng bị lây bệnh lao phải chuyển sang làm hành chính.
Điều dưỡng trưởng Khoa Lao B Nguyễn Thị Thanh Thúy tâm sự: “Bác sĩ, nhân viên y tế trong khoa làm việc nhiều, độc hại cao vì không chỉ dễ lây bệnh lao mà còn các bệnh xã hội khác, nhưng mỗi tháng cũng chỉ được hưởng lương và chế độ phụ cấp độc hại như các bác sĩ, nhân viên y tế khác. Mặc dù bệnh viện có hỗ trợ thêm 200 ngàn đồng/người trực tiếp điều trị, chăm sóc bệnh nhân lao kháng đa thuốc nhưng mức hỗ trợ này là quá ít, trong khi lượng bệnh nhân ngày càng đông”.
Ngọc Thư