Xã hội

Phát triển ngoại khoa về tuyến huyện

Ở cơ sở khám, chữa bệnh thuộc Trung tâm y tế huyện Vĩnh Cửu (trước đây là Bệnh viện đa khoa huyện Vĩnh Cửu), không ít sản phụ khi có dấu hiệu sinh khó, có chỉ định phẫu thuật, đủ điều kiện chuyển lên bệnh viện tuyến tỉnh nhưng vẫn xin được phẫu thuật tại trung tâm y tế huyện.

Các bác sĩ của Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh tiến hành nội soi tái tạo dây chằng chéo - một kỹ thuật khó của chấn thương - chỉnh hình. Ảnh: N.Thư
Các bác sĩ của Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh tiến hành nội soi tái tạo dây chằng chéo - một kỹ thuật khó của chấn thương - chỉnh hình. Ảnh: N.Thư

Trưa 15-2, trong niềm vui chào đón con gái chào đời khỏe mạnh bằng phương pháp sinh mổ, anh Hoàng Đình Chiến (xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu) chia sẻ: “Vợ tôi nhập viện trong tình trạng bể ối non, thai lớn 4,4kg, được bác sĩ chỉ định phẫu thuật và gia đình hoàn toàn có thể xin lên bệnh viện tuyến trên, nhưng vợ chồng tôi quyết định sinh mổ tại đây  vì tin tưởng vào tay nghề của bác sĩ của trung tâm - nơi đã phẫu thuật thành công nhiều ca sinh khó”.

* Làm chủ được nhiều kỹ thuật mới

* Tiếp tục triển khai mạnh Đề án 1816 về tuyến huyện

Giám đốc Sở Y tế Huỳnh Minh Hoàn cho rằng hiệu quả lớn nhất của việc triển khai Đề án 1816 là chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân đã được nâng cao. Trong thời gian tới, về phía ngành y tế sẽ tiếp tục triển khai mạnh Đề án 1816 về tuyến huyện. Theo đó, sẽ tăng cường, bổ sung các trang thiết bị y tế hiện đại; đào tạo chuyên môn cho cán bộ y tế; hỗ trợ kinh phí để các cơ sở y tế tuyến huyện, nhất là các cơ sở còn khó khăn có điều kiện tổ chức tiếp nhận chuyển giao các kỹ thuật cao, kỹ thuật mới từ tuyến trên để không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa trong tỉnh.

Bác sĩ Bùi Quang Tân, Trưởng khoa sản của Trung tâm y tế huyện Vĩnh Cửu, cho biết kỹ thuật phẫu thuật sản khoa được thực hiện gần 3 năm qua và đã phẫu thuật cho hơn 300 ca sinh đều thành công nhờ chuyển giao kỹ thuật từ Đề án 1816  (về cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới) nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Trong đó, đã cấp cứu cho một số trường hợp nguy cấp do dọa vỡ tử cung, gò cường tính mà nếu không được phẫu thuật kịp thời,  nguy cơ tử vong cả mẹ lẫn con rất cao.

Có thể nói trong những năm gần đây, việc triển khai Đề án 1816 đã phát huy hiệu quả tích cực. Ngoài phẫu thuật tổng quát, phẫu thuật sản, các cơ sở khám, chữa bệnh còn phát triển các kỹ thuật mới trước đây chỉ thực hiện ở các tuyến tỉnh, như: mổ nội soi, phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, chạy thận nhân tạo...

Giám đốc Trung tâm y tế huyện Trảng Bom Nguyễn Đức Phước cho biết nhờ chuyển giao kỹ thuật nội soi từ Bệnh viện đa khoa Thống Nhất theo Đề án 1816, trung tâm đã làm chủ được kỹ thuật mổ nội soi ruột thừa và u nang buồng trứng, giúp bệnh nhân ít đau đớn, ít tai biến và không phải đi xa. Kỹ thuật mổ nội soi được triển khai đã đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của ngoại khoa vì đã kéo theo sự phát triển cả hệ thống về kỹ thuật mổ tổng quát, cận lâm sàng, gây mê hồi sức… Việc triển khai được các kỹ thuật cao, kỹ thuật mới đã tác động rất lớn đến hiệu quả điều trị, nhiều bệnh không phải chuyển viện lên tuyến trên như trước đây.

Các bệnh viện đa khoa khu vực, gồm: Long Khánh, Long Thành và Định Quán cũng không ngừng làm chủ các kỹ thuật mới từ nhận chuyển giao kỹ thuật của các bệnh viện tuyến tỉnh. Tại các bệnh viện đa khoa khu vực này đã cứu sống nhiều ca bệnh nặng do chấn thương sọ não, đa chấn thương, vỡ gan, vỡ lách, vết thương thủng tim...

Việc phát triển ngoại khoa về tuyến huyện cũng là cách để các bệnh viện giữ chân bác sĩ ở lại làm việc ở tuyến huyện xa xôi. Bác sĩ Nguyễn Văn Hựu, “bàn tay vàng” về ngoại khoa của Bệnh viện đa khoa khu vực Định Quán, bộc bạch: “Chỉ khi làm chủ được các kỹ thuật mới thì tay nghề bác sĩ mới ngày càng giỏi, bác sĩ làm việc ở tuyến huyện mới bớt thiệt thòi hơn tuyến trên”.

* Rào cản lớn nhất vẫn là thiếu bác sĩ

Hạn chế lớn nhất trong triển khai Đề án 1816 hiện nay đối với các bệnh viện đa khoa khu vực và trung tâm y tế tuyến huyện chính là tình trạng thiếu bác sĩ, nhất là bác sĩ ngoại khoa. Giám đốc Trung tâm y tế huyện Cẩm Mỹ Lưu Văn Tường cho hay: “Tuyến huyện muốn phát triển thêm nhiều kỹ thuật ngoại khoa lắm nhưng “lực bất tòng tâm”, không thể làm ngay được. Với đội ngũ bác sĩ còn thiếu, phải dồn lực để khám, chữa bệnh theo quy định ngày càng khắt khe của bảo hiểm y tế, không có nhân lực để cử đi học”.

Chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai hiệu quả chuyển giao các kỹ thuật của Đề án 1816, Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh Sử Sơn nhấn mạnh: “Vai trò chủ động của các bệnh viện trong chuẩn bị cơ sở vật chất, nguồn nhân lực là rất quan trọng. Tuyến trên chỉ hỗ trợ bước đầu chứ không thể “cầm tay chỉ việc” mãi được. Nếu không chủ động, không quyết tâm sẽ không tiếp thu được, khó triển khai hiệu quả các kỹ thuật được chuyển giao. Trong thời điểm cạnh tranh như hiện nay, các cơ sở y tế tuyến huyện muốn nâng cao thương hiệu của mình để tạo uy tín, thu hút bệnh nhân đến khám và điều trị, để tăng thu nhập chăm lo đời sống cho cán bộ, viên chức thì phải không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, triển khai kỹ thuật cao, kỹ thuật mới là cách làm có hiệu quả nhất”.

Ngọc Thư

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,437,595       37/996