Xã hội

Không bưng bít thông tin về tai nạn lao động

Chỉ chưa đầy 1 tháng trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tại Đồng Nai đã xảy ra 2 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm 2 người chết.

Công nhân xây dựng đang đứng trên giàn giáo thi công một công trình cao tầng mà không có bất kỳ thiết bị bảo hộ nào. (Ảnh chụp tại xã Đông Hòa, huyện Trảng Bom ngày 22-2-2017). Ảnh: V.TRUYÊN
Công nhân xây dựng đang đứng trên giàn giáo thi công một công trình cao tầng mà không có bất kỳ thiết bị bảo hộ nào. (Ảnh chụp tại xã Đông Hòa, huyện Trảng Bom ngày 22-2-2017). Ảnh: V.TRUYÊN

Dẫu biết rằng trong bất kỳ ngành nghề nào cũng có sự nguy hiểm, rủi ro nhất định, song làm sao để hạn chế đến mức thấp nhất những mất mát về sinh mệnh, sức khỏe của người lao động là điều rất quan trọng.

* Nhiều vụ tai nạn thương tâm

Vào chiều 3-2, tại Công ty TNHH Whittier Wood Products Việt Nam (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa), anh Vũ Viết Công, công nhân công ty bị ngã từ lan can trên lầu xuống đất bất tỉnh. Mặc dù đã được công ty chuyển đi cấp cứu ngay lập tức nhưng anh Công đã không qua khỏi.

Sau đó nửa tháng, vào ngày 16-2 tại Cơ sở bảo trợ xã hội cô nhi Xuân Tâm (huyện Xuân Lộc) cũng đã xảy ra vụ tai nạn lao động làm chết người. Theo xác minh ban đầu, nạn nhân là ông Lê Bảo (công nhân của Công ty TNHH một thành viên Tùng Tiến, đóng tại huyện Xuân Lộc) trong khi làm việc đã bị bức tường và trần nhà đổ sập đè chết.

Trong năm 2016, nhiều vụ tai nạn lao động làm chết người cũng đã liên tiếp xảy ra. Vào khoảng 23 giờ 30 ngày 4-10-2016, tại xưởng sản xuất phân bón của Công ty phân bón Việt Nhật (Khu công nghiệp Gò Dầu, huyện Long Thành) đã xảy ra vụ tai nạn làm anh Hoàng Văn Biển (quê tỉnh Thái Bình) tử vong và khiến ông Nguyễn Đức Nhựt bị gãy chân. 2 nạn nhân đều là người lao động của Công ty cổ phần công nghiệp Thiên Tân (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh). Trong lúc  ông Biển và Nhựt đứng trong lồng sắt ở độ cao khoảng 30m (lồng sắt được giữ bằng dây xích) để làm việc, lồng sắt rơi xuống đất gây tai nạn.

Một vụ tai nạn nghiêm trọng khác xảy ra vào khoảng 10 giờ ngày 27-8-2016 tại công trình xây dựng nhà xưởng của Công ty cổ phần Amata (Khu công nghiệp Amata), làm chết ông Vi Văn Liệu (31 tuổi, quê tỉnh Nghệ An). Ông Liệu là công nhân của Công ty cổ phần Sonadezi An Bình (khu dân cư An Bình, TP.Biên Hòa). Trong lúc đang bốc dỡ cốp pha từ trên xe tải xuống thì ông Liệu bị vấp vào sợi dây thép của nhóm công nhân đang sử dụng máy duỗi thép và bị điện giật chết.

Theo Bộ Lao động - thương binh và xã hội, trong năm 2016 Đồng Nai là tỉnh đứng thứ 3 cả nước về số vụ tai nạn lao động với 33 người chết và 155 người bị thương.

* Cần sự chung sức

33 người chết vì tai nạn lao động trong năm 2016 đều tập trung vào 2 nhóm ngành kinh tế là xây dựng với 18 trường hợp và chế biến, chế tạo với 15 trường hợp. Ngoài ra, 155 người bị thương nặng do tai nạn lao động cũng thuộc nhóm ngành kinh tế, chế biến, chế tạo, trong đó chủ yếu các vụ tai nạn, thiệt hại về người rơi vào nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với 32 người chết và 136 trường hợp bị thương.

Trước những cái chết thương tâm của người lao động, thời gian qua các cơ quan chức năng của tỉnh đã có nhiều việc làm cụ thể, như tập huấn cho người lao động, chủ sử dụng lao động về an toàn vệ sinh lao động. Hàng năm đều tổ chức ra quân, phát động những đợt cao điểm về an toàn vệ sinh lao động, tiến hành thanh kiểm tra công tác này... Tuy nhiên, có thể thấy tai nạn lao động nghiêm trọng làm chết người vẫn xảy ra mà nguyên nhân chủ yếu có thể thấy phần lớn lỗi ở chính người lao động và người sử dụng lao động.

Cụ thể, trường hợp của ông Vi Văn Liệu (công nhân Công ty cổ phần Sonadezi An Bình) trong lúc bốc dỡ cốp pha từ trên xe tải xuống nếu chú ý quan sát hơn thì sẽ không bị vấp vào sợi dây thép của nhóm công nhân đang sử dụng máy duỗi thép để đến nỗi bị điện giật chết. Chủ sử dụng lao động nếu không bố trí nhóm công nhân bốc dỡ cốp pha và duỗi thép làm việc cùng thời điểm trong một phạm vi thì sẽ tránh được nguy cơ.

Từ thực trạng này có thể thấy bên cạnh trách nhiệm tuyên truyền, thanh tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, mỗi lao động, người sử dụng lao động cần thực hiện đúng và nghiêm khẩu hiệu “An toàn lao động là trên hết”. “Tôi luôn cố gắng tập trung trong từng thao tác với máy cắt, hàn sắt, vì chỉ cần một chút sơ sẩy là có thể xảy ra tai nạn cho bản thân. Chủ cơ sở cửa sắt nơi tôi làm việc cũng luôn nhắc nhở những người thợ cần nâng cao ý thức để tự bảo vệ bản thân” - anh Nguyễn Văn Tâm, làm việc tại một cơ sở cửa sắt tại xã Sông Thao, huyện Trảng Bom, nói.

Ông Huỳnh Văn Tịnh, Giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội, cho biết: “Thời gian tới, Sở sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn cho người lao động, người sử dụng lao động về an toàn lao động. đồng thời, Sở sẽ công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin báo chí tên đơn vị để xảy ra tai nạn lao động, không giấu giếm, bưng bít sự việc, “làm đẹp” số liệu lấy thành tích, để từ đó cảnh tỉnh người lao động, người sử dụng lao động. Qua đó, tạo chuyển biến trong nhận thức, thực hiện an toàn vệ sinh lao động”.

Văn Truyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,437,791       42/981