Xã hội

Gỡ khó để người nghèo trả nợ

Năm 2016, nợ quá hạn của Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Đồng Nai ở mức 0,54%, cao hơn so với bình quân của cả nước là 0,34%.

Nhờ có nguồn vốn từ Quỹ Vì người nghèo, ông Hà Văn Dũng (ngụ ấp 3, xã Phú Tân, huyện Định Quán) đã tái sản xuất và trả nợ thành công cho Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh huyện Định Quán, còn để dành được một đàn dê.
Nhờ có nguồn vốn từ Quỹ Vì người nghèo, ông Hà Văn Dũng (ngụ ấp 3, xã Phú Tân, huyện Định Quán) đã tái sản xuất và trả nợ thành công cho Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh huyện Định Quán, còn để dành được một đàn dê.

Hầu hết trường hợp nợ kéo dài nhiều năm không có khả năng chi trả là do người đứng ra mượn nợ đã chết, làm ăn thua lỗ, gia đình gặp biến cố bất ngờ, chỉ có số ít là sử dụng vốn chưa đúng mục đích. Từ thực tế đó, để giải quyết khó khăn trả nợ cho người dân, ngoài việc xóa nợ đối với những trường hợp theo quy định, Đồng Nai còn triển khai nhiều giải pháp khác trong đó có việc mở rộng hình thức hỗ trợ của Quỹ Vì người nghèo do Ủy ban MTTQ các cấp quản lý để giúp cho người thực sự có nhu cầu.

* Tiếp tục trao vốn để tái sản xuất

Đánh giá về việc mở rộng hình thức hỗ trợ cho người nghèo của Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường cho rằng đây là cách làm rất hay, sát với nhu cầu thực tế của người dân. Với những hộ nghèo đã vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội nhưng qua xác minh vì lý do làm ăn thua lỗ, bệnh tật, thiên tai không thể trả nợ, Ủy ban MTTQ các cấp cần đẩy mạnh việc hỗ trợ vốn cho người dân tái sản xuất để giúp đỡ họ có khả năng chi trả nợ, xây dựng kinh tế gia đình.

Là một trường hợp được trợ vốn từ Quỹ Vì người nghèo để tái sản xuất, ông Hà Văn Dũng (ngụ ấp 3, xã Phú Tân, huyện Định Quán) cho hay: “Năm 2013, tôi vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Định Quán 10 triệu đồng để mua dê về chăn nuôi, nhưng sau đó dê bị bệnh đồng thời giá cả xuống rất thấp, vì thế mà mất vốn. Tôi muốn đầu tư để tiếp tục chăn nuôi nhưng tiền chẳng còn. Vay ngân hàng thì vốn cũ chưa trả nên theo quy định không được vay tiếp. Nếu không vay được tiền để tái sản xuất thì tôi không có tiền trả nợ cũ, gia đình không có cách nào vươn lên”.

Nắm được nguyện vọng chính đáng của gia đình ông Dũng, năm 2013 Ủy ban MTTQ huyện Định Quán đã trao 10 triệu đồng trợ vốn cho gia đình ông Dũng để tiếp tục nuôi dê. “Sau 3 năm có vốn mới, từ tiền bán dê tôi đã trả hết nợ cho Ngân hàng Chính sách xã hội và hoàn trả tiền cho Quỹ Vì người nghèo của Ủy ban MTTQ huyện Định Quán. Hiện tôi còn để dành được 10 con dê và thuê thêm 3 sào ruộng để trồng lúa. Cuối năm 2016, gia đình tôi đã thoát diện hộ nghèo của xã” - ông Dũng nói.

Các tổ chức đoàn thể cũng thực hiện nhiều cách làm chủ động để giúp người nghèo trả nợ, phát triển kinh tế gia đình, như: xây dựng quỹ hội để trao vốn cho hội viên phát triển kinh tế với mức lãi suất ưu đãi; mỗi cơ quan đơn vị nhận đỡ đầu và giúp một hộ nghèo vươn lên...

Là huyện có tỷ lệ nợ quá hạn cao nhất tỉnh với (0,99%) nên Cẩm Mỹ đã đề ra nhiều giải pháp để giúp người nghèo trả nợ. Ngoài việc các tổ chức hội, đoàn thể đều xây dựng quỹ hội để trao vốn cho hội viên phát triển kinh tế với mức lãi suất ưu đãi, Cẩm Mỹ còn có sáng kiến tự tạo nguồn lực tại chỗ để giúp những hộ nghèo vươn lên bằng mô hình “Mỗi cơ quan, đơn vị đỡ đầu một gia đình khó khăn”. Qua 11 năm triển khai, mô hình này đã đem lại nhiều hiệu quả tích cực đối với người dân.

Là một trong những hộ dân được nhận sự hỗ trợ từ mô hình này, ông Trần Văn Nguyên (ngụ ấp Láng Lớn, xã Xuân Mỹ) cho biết: “Năm 2015 tôi làm thủ tục vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh huyện Cẩm Mỹ để nuôi dê nhưng do kỹ thuật chưa có nên dê phát triển chậm, đẻ ít”. Trước khó khăn và nguy cơ mất vốn, ông Nguyên đã được hỗ trợ 5 triệu đồng từ mô hình “Mỗi cơ quan đơn vị đỡ đầu một gia đình khó khăn” để tiếp tục đầu tư chăn nuôi, cố gắng vươn lên thoát nghèo.

* Nhân rộng mô hình

Bên cạnh những trường hợp kể trên thì vẫn còn đó rất nhiều hoàn cảnh đang mong muốn có vốn để tái sản xuất, trả nợ đã vay cho Ngân hàng Chính sách xã hội. Như trường hợp của ông Nguyễn Văn Tèo Em (ngụ ấp 5, xã Phú Lập, huyện Tân Phú). Năm 2015, ông Tèo Em vay của Ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh huyện Tân Phú 16 triệu đồng để nuôi dê và đến năm 2016 phải hoàn trả. Nhưng đầu năm 2016, cha bất ngờ bệnh nặng, ông Tèo Em phải bán hết đàn dê đang trong thời kỳ phát triển để chạy chữa cho cha nhưng rồi vì bệnh quá nặng cha. Vì thế cuối năm 2016, ông Tèo Em không có khả năng chi trả số nợ đã vay của Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh huyện và tiếp tục được đơn vị này gia hạn.

Đại diện Ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh Đồng Nai cho biết, đây chỉ là một trong số trên 1.500 trường hợp đang nằm trong diện nợ quá hạn với tổng số tiền trên 10 tỷ đồng.

Từ thực tế đó có thể thấy rằng, nhu cầu được tiếp cận vốn để tái sản xuất của người dân là rất lớn và chính đáng. Nguyện vọng này không chỉ làm lợi cho bản thân mỗi gia đình mà còn giúp họ thể hiện trách nhiệm với số nợ đã được Nhà nước cho vay với lãi suất ưu đãi trước đó nhưng chưa trả được.

Nhằm đáp ứng nhu cầu chính đáng này của người dân, hiện các hội, đoàn thể trong tỉnh đang tiếp tục đẩy mạnh xây dựng quỹ hội bằng cách nâng mức đóng góp đối với người tham gia nhằm tạo ra nguồn lực lớn hơn cho người nghèo.

Theo bà Bùi Thị Liễu, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, trước đây Quỹ Vì người nghèo do Ủy ban MTTQ các cấp quản lý được dùng để xây dựng nhà cho người nghèo. Qua khảo sát, hiện nay việc xây nhà tình thương đã cơ bản hoàn thành, do vậy sắp tới Ủy ban MTTQ các cấp sẽ mở rộng mục đích sử dụng Quỹ Vì người nghèo vào việc tập trung giúp vốn cho người nghèo phát triển kinh tế.

Văn Truyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,430,781       43/1,134