Riêng tại Đồng Nai, Phó giám đốc Sở Y tế Huỳnh Cao Hải cho biết dù công tác phòng, chống lao luôn được tỉnh quan tâm và các bệnh viện tuyến trên hỗ trợ về chuyên môn, nhưng tình hình bệnh lao trên địa bàn vẫn còn phổ biến.
Việt Nam hiện đứng thứ 14/30 nước có số bệnh nhân lao cao nhất thế giới.
Một vấn đề đáng lo ngại là tình trạng số ca mắc bệnh lao không giảm, mà đang không ngừng gia tăng từng năm.
Bác sĩ Bệnh viện phổi Đồng Nai khám cho một bệnh nhân lao đa kháng thuốc. Ảnh: Đ.Ngọc |
* Vì sao bệnh lao tăng?
Phát hiện và chẩn đoán lao trẻ em gặp khó khăn Giám đốc Bệnh viện phổi Đồng Nai Nguyễn Ngọc Khánh cho biết công tác sàng lọc, phát hiện và chẩn đoán lao trẻ em còn gặp nhiều khó khăn. Năm 2016, toàn tỉnh phát hiện 85 trẻ bị lao, tăng 34 trường hợp so với năm 2015 nhưng vẫn chưa đạt chỉ tiêu Trung ương giao. Lao trẻ em chiếm khoảng 6% ca lao, trung bình mỗi năm toàn tỉnh có đến 200 trẻ nhiễm lao, nhưng số trẻ được phát hiện và điều trị còn thấp, do bệnh lao ở trẻ không có triệu chứng đặc hiệu, xét nghiệm đàm khó… Việc điều trị bệnh lao trễ sẽ gây nhiều di chứng nặng nề về thần kinh, vận động, thậm chí tử vong. Có thể tiêm ngừa lao cho trẻ sơ sinh để phòng ngừa bệnh; riêng những trẻ chưa tiêm ngừa sống chung với người nhà bị mắc lao phải có biện pháp cách ly để phòng ngừa lây bệnh lao sang trẻ. |
Nếu như năm 2012 tổng số các trường hợp lao là 3,3 ngàn người mắc bệnh thì đến năm 2015 toàn tỉnh có hơn 3,5 ngàn người mắc bệnh lao; đến năm 2016 có hơn 3,8 ngàn người mắc bệnh, trong đó có 120 ca lao kháng đa thuốc và 85 ca lao trẻ em. Một trong những nguyên nhân số người bị bệnh lao gia tăng là do công tác phát hiện và điều trị bệnh lao được tăng cường từ tỉnh đến cơ sở nên số người mắc bệnh lao được phát hiện ngày càng nhiều. Trong đó, riêng lao kháng đa thuốc trong năm 2016 phát hiện 70 trường hợp, vượt quá chỉ tiêu Trung ương giao là 45 trường hợp.
Bên cạnh đó, theo Giám đốc Bệnh viện phổi Đồng Nai Nguyễn Ngọc Khánh, bệnh lao không ngừng gia tăng còn do tình hình dịch tễ bệnh lao nói chung vẫn còn cao, nguồn lây trong cộng đồng còn nhiều. Mặt khác, ý thức hiểu biết về bệnh lao cũng như ý thức phòng bệnh cho bản thân mỗi người, cho cộng đồng chưa cao. Tình trạng khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng còn diễn ra phổ biến làm phát tán vi khuẩn lao ra bên ngoài. Một trong những khó khăn lớn nhất trong công tác phòng, chống lao là ở nguồn nhân lực phòng, chống bệnh lao còn thiếu và không ổn định, nhất là ở tuyến huyện, tuyến cơ sở nên chưa phát huy hết sự chủ động trong sàng lọc và phát hiện sớm bệnh lao.
Ngoài ra, số bệnh nhân bỏ điều trị và thất bại điều trị lao còn cao, gây gia tăng bệnh nhân lao kháng đa thuốc. Bác sĩ Bùi Văn Thịnh, Trưởng khoa Lao B Bệnh viện phổi Đồng Nai, cho biết nguyên nhân chính gây lao kháng đa thuốc là do không tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, bỏ trị. Khó khăn trong điều trị lao kháng đa thuốc là thời gian kéo dài, uống nhiều thuốc có nhiều tác dụng phụ; thậm chí có người điều trị bệnh lao nhưng vẫn không bỏ hút thuốc và uống rượu làm ảnh hưởng hiệu quả điều trị, làm gia tăng tình trạng lao kháng thuốc.
* “Cuộc chiến” vẫn tiếp diễn
TS.BS Nguyễn Hữu Lân, Phó chủ nhiệm Ủy ban Phòng, chống lao quốc gia, Giám đốc Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (TP.Hồ Chí Minh), cho biết nhờ sự hoạt động tích cực của ngành y tế, tổ chức xã hội và các cấp chính quyền nên số bệnh nhân điều trị khỏi bệnh lao ngày càng nhiều, giảm tỷ lệ tử vong. Tuy nhiên, tỷ lệ nhiễm lao mới vẫn chưa giảm như mong đợi, nhất là ở các địa phương có dân số đông, biến động dân số cao, như: TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai… Ở những nơi này thường di biến động dân số nên gặp khó khăn trong quản lý, vì điều trị bệnh lao cần thời gian ít nhất là 6 tháng. Ngoài ra, đời sống công nhân còn khó khăn, môi trường sống trong không gian chật hẹp sẽ rất dễ gây lây nhiễm lao. đây cũng là một cái khó trong công tác phòng bệnh lao.
Theo TS.BS Nguyễn Hữu Lân, giải pháp trước tiên vẫn là tăng cường các hoạt động tầm soát chủ động, phòng ngừa chủ động đối với bệnh lao. Theo đó, cần đẩy mạnh phát hiện bệnh lao ở các đối tượng có nguy cơ mắc lao cao, đáng chú ý nhất là trẻ em tiếp xúc với nguồn lây trong gia đình; người mắc các bệnh suy giảm miễn dịch, như: HIV, đái tháo đường; các đối tượng trong trại giam, trung tâm cai nghiện và tăng cường sàng lọc ở người mắc bệnh phổi mạn tính; quan tâm đối tượng là công nhân ở các khu công nghiệp, các khu nhà trọ. Đồng thời, cần tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, giúp người dân hiểu biết về bệnh, đi khám sớm, hợp tác tốt trong điều trị. Bệnh lao khi được điều trị sẽ khỏi bệnh và không lây lan ra cộng đồng.
Ngọc Thư